Không ai là hoàn hảo. Chúng ta không có lý do gì để nhìn người khác bằng con mắt cao ngạo. Và chúng ta không đủ tư cách để làm tổn thương lòng tự trọng của người khác bằng cái nhìn khinh bỉ.
Trước cửa hàng bánh ngọt có một người ăn xin trong bộ quần áo rách rưới bốc mùi khó chịu. Những vị khách bên cạnh đều cau mày, lộ ra vẻ kinh tởm. Một người khách hét lên “Đi đi!”.
Nhưng người ăn xin lấy ra một vài tờ tiền nhỏ nhàu nát và thì thầm: “Tôi muốn mua bánh, chiếc nhỏ nhất.”
Người chủ cửa hàng bước tới, nhiệt tình lấy trong tủ ra một chiếc bánh nhỏ và tinh xảo đưa cho người ăn xin. Ông cúi đầu chào và nói: “Cảm ơn đã đến cửa hàng chúng tôi và vinh dự chào đón ông các lần tiếp theo!” Người ăn xin lộ vẻ hạnh phúc, bởi ông chưa bao giờ được vinh dự như vậy.
Cháu của chủ cửa hàng khó hiểu hỏi: “Ông ơi, sao ông lại làm thế với người ăn mày đó?”.
Chủ cửa hàng giải thích: “Dù là ăn mày nhưng ông ấy cũng là khách hàng. Người ăn mày đó đã bỏ ra một thời gian dài xin tiền để được ăn bánh của chúng ta. Thật là hiếm. Làm sao ông có thể không trực tiếp phục vụ đền đáp lại sự ưu ái của ông ấy cho cửa hàng chúng ta?”.
Người cháu nói “Nếu vậy sao ông còn lấy tiền của ông ấy?”.
Người ông trìu mến nói: “Hôm nay ông ấy là khách và không đến đây để ăn xin. Tất nhiên chúng ta phải tôn trọng ông. Nếu ông không tính tiền, đó có phải là một sự xúc phạm đối với ông ấy không? Chúng ta phải nhớ tôn trọng từng khách hàng của mình, thậm chí là một kẻ ăn xin. Bởi vì mọi thứ chúng ta có đều nhờ khách hàng ”
Đứa trẻ trầm ngâm một lát và gật đầu. Đây là bài học kinh doanh đầu tiên mà cậu học được từ ông nội.
Thành công đến từ việc tôn trọng khách hàng.
Chủ cửa hàng bánh này chính là ông nội của doanh nhân Nhật Bản Yoshiaki Tsutsuni.
Yoshiaki Tsutsumi là tỷ phú người Nhật Bản. Ông từng giữ ngôi vị “Người giàu nhất thế giới” trong 4 năm liên tiếp kể từ 1987 cho đến 1990, theo xếp hạng của Forbes.
Năm 30 tuổi ông bắt đầu sự nghiệp của mình, giành quyền thừa kế tập đoàn Seibu – công ty quyền lực nhất trong ngành đường sắt, khách sạn và bất động sản tại xứ sở mặt trời mọc. Sau khi lên nắm quyền, Tsutsumi tiếp tục xây dựng và mở rộng đế chế của cha mình. Tsutsumi đã mua nhiều khách sạn, khu trượt tuyết, sân golf, phát triển đế chế bất động sản thành một tập đoàn khổng lồ.
Khối tài sản khổng lồ và sức ảnh hưởng của tập đoàn Seibu đã khiến Yoshiaki Tsutsuni trở thành đề tài đặc biệt thú vị tại Nhật Bản. Trong cuốn sách “The Brothers: The Hidden World of Japan’s Richest Family” (Tạm dịch: The Brothers: Thế giới bí ẩn của gia tộc giàu có nhất Nhật Bản) cũng đề cập tới vấn đề này.
Tsutsuni nói rằng, câu chuyện của ông nội đã in sâu vào tâm trí ông đến mãi về sau. Vị doanh nhân thành đạt đã nhiều lần nói về bài học kinh doanh này. Từ đó trở đi, ông lấy đó là một trong những nguyên tắc kinh doanh của mình.
Tuy rằng sau này, vì nhiều lý do Yoshiaki Tsutsumi đã mất đi đế chế Seibu cũng như vinh quang trong sự nghiệp, nhưng bài học từ ông nội của ông vẫn đáng để chúng ta trân trọng.
Tôn trọng là vũ khí tối thượng của người làm kinh doanh.
“Tôn trọng” ở đây có nghĩa là xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc, tình yêu thương, sự suy xét và tôn trọng cuộc sống khác từ sâu thẳm trái tim. Sự tôn trọng đó không mang màu sắc thực dụng, cũng không có tư cách, địa vị.
Tôn trọng cấp trên là trách nhiệm;
Tôn trọng đồng nghiệp là bổn phận;
Tôn trọng cấp dưới là mỹ đức;
Tôn trọng khách hàng là lẽ thường tình;
Tôn trọng kẻ thù là rộng lượng;
Tôn trọng kẻ mạnh là kính trọng;
Tôn trọng kẻ yếu là thiện tâm;
Kính trọng thầy cô là đạo lý;
Tôn trọng con trẻ là đạo lý dạy dỗ;
Tôn trọng gia đình mới hiểu được hạnh phúc;
Tôn trọng bạn đồng môn là duyên phận;
Tôn trọng mọi người là thể hiện của giáo dưỡng.
Khổng Tử từng nói: “Trong ba người đồng hành, ắt có một người đáng làm thầy của ta”. Người mà thật sự biết tôn trọng người khác trong tâm sẽ không chỉ biết tôn trọng những người có thân phận địa vị cao hơn mình, mà cũng sẽ biết tôn trọng người có địa vị thấp hơn mình.
Bởi mỗi người đều có ưu điểm của riêng mình, biết tiếp thu tinh hoa từ trong những ưu điểm của người khác, từ trong khuyết điểm của người khác mà tìm ra chỗ thiếu sót của bản thân, đó không phải là một quá trình lĩnh ngộ và đề cao hay sao?
Tôn trọng người khác không chỉ thể hiện ở lời nói, mà nó càng được thể hiện ra ở hành động thực tế. Tôn trọng người khác cần phải chân tâm thật ý, tuyệt không thể có chút hư tình giả ý được.
Tôn trọng người khác cần dùng một trái tim chân thành để cảm động và mang lại niềm vui cho đối phương. Như vậy người có được niềm vui từ trong đó lại không phải chính bản thân mình sao?
Mong bạn hãy đối đãi với mỗi một người bên cạnh bằng chính chân ngã thiện lương của mình, có vậy người khác cũng sẽ tôn trọng bạn hơn. Bởi tôn trọng người khác, kỳ thực đó cũng là tôn trọng bản thân mình!
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!