Nhận định chung được đưa ra là kinh tế Việt Nam đã có sự tích lũy ấn tượng và có nhiều cơ hội để vươn lên khẳng định vị thế trong thời gian tới.
Trang Asia Times có bài viết với tiêu đề: “Con hổ kinh tế bắt đầu cất tiếng gầm tại Việt Nam”. Bài viết đặc biệt lưu ý tới một bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ không còn là hàng dệt may, mà là các sản phẩm công nghệ cao. Bài viết này nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành nơi xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ tư thế giới.
Nhìn lại sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, trang Moneyweek nhấn mạnh Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần trong 20 năm tính từ năm 2002. Trong giai đoạn này, Việt Nam cũng đã chứng kiến 3 làn sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài rõ rệt.
Ông Jean-Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh mà chúng tôi công bố, cao hơn mức trước khủng hoảng COVID-19. Chính phủ Việt Nam đã có một số giải pháp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Giấy phép lao động, vốn là một vấn đề đối chúng tôi, nay đã được cải thiện. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài”.
Cũng chung hình tượng con hổ, đặt câu hỏi nhìn về tương lai “Liệu Việt Nam có trở thành con hổ châu Á tiếp theo”, một bài viết trên trang Diễn đàn Đông Á nhận định, các chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở cửa thương mại tự do được đánh giá rất tích cực với hệ thống thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, sự bứt phá nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ để Việt Nam đẩy nhanh tốc độ gia nhập câu lạc bộ “những con hổ châu Á”. Hàn Quốc, Trung Quốc đã mất cả thập kỷ để vươn lên hàng đầu trong sản xuất công nghệ cao. Với Việt Nam, con số này có thể là 15 năm.
Ông Michael Kokalari – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital đánh giá: “Vấn đề hiện nay là Việt Nam đang thực hiện phần giá trị thấp trong chuỗi giá trị. Việt Nam chủ yếu thử nghiệm và lắp ráp các mặt hàng công nghệ. Tôi nghĩ rằng, để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần đào tạo thêm nhiều kỹ sư trình độ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Bài viết trên trang Diễn đàn Đông Á cũng đánh giá cuộc đua trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo của Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới đang bén rễ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày một khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu công nghệ cao.
Nguồn: VTV
12/11/2023
Footer Subheading
Message Submitted!