Các quốc gia thống nhất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, dự kiến đưa vào thực thi trong năm 2023…
Với thỏa thuận thuế này, các quốc gia có thể tăng thuế đối với doanh số bán hàng của những công ty đa quốc gia như Amazon, Apple, Facebook và Google phát sinh trên lãnh thổ của mình – Ảnh: Reuters
Theo CNBC, lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 8/10 đã công bố thỏa thuận mang tính bước ngoặt về thuế doanh nghiệp toàn cầu, sau nhiều năm bất đồng. Theo đó, các quốc gia tham gia thỏa thuận thống nhất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.
Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ hơn như Ireland – nơi từ lâu luôn áp dụng mức thuế thấp để thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
“Thỏa thuận bước ngoặt này, với sự tham gia của 136 quốc gia và khu vực pháp lý chiếm hơn 90% GDP toàn cầu, sẽ cũng phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất cho các quốc gia trên toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp đó phải nộp thuế một cách công bằng, dù họ hoạt động và tạo lợi nhuận ở bất kỳ đâu”, thông cáo chung ngày 8/10 của OECD cho biết.
Các quốc gia đi đến thỏa thuận này sau khi thống nhất một số thay đổi với đề xuất ban đầu, trong đó đáng chú ý là sẽ không tăng mức thuế 15% trong tương lai và các doanh nghiệp nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuế suất này. Nhờ đó, Ireland, quốc gia từ lâu phản đối việc tăng thuế doanh nghiệp, đã tham gia thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hungary – quốc gia luôn hoài nghi về thỏa thuận thuế toàn cầu – đã đổi ý sau khi được đảm bảo rằng mức thuế mới sẽ được áp dụng dài hạn.
Giờ đây, các quốc gia sẽ phải tiếp tục thảo luận về một số chi tiết quan trọng để thỏa thuận mới có thể được đưa vào thực thi trong năm 2023.
Bình luận về thỏa thuận này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh đây là “một thành tựu quan trọng về ngoại giao kinh tế của cả một thế hệ”. Bà Yellen hoan nghênh với các quốc gia “đã quyết định chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ về thuế doanh nghiệp” và bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua để thỏa thuận này được đưa vào thực thi tại Mỹ.
“Việc hoạch định chính sách về thuế quốc tế là một vấn đề phức tạp. Nhưng ngôn ngữ phức tạp của thỏa thuận ngày hôm nay lại cho thấy sự đơn giản và mức độ lan tỏa đối với các bên tham gia. Một khi thỏa thuận được thực thi, người Mỹ sẽ nhận thấy nền kinh tế toàn cầu là nơi dễ kiếm việc làm, kiếm sống và mở rộng kinh doanh hơn rất nhiều”, bà Yellen khẳng định.
Với Mỹ, thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là một phần quan trọng trong kế hoạch mà Tổng thống Joe Biden gọi là “chính sách ngoại giao dành cho tầng lớp trung lưu”. Chiến lược này nhằm đảm bảo rằng quá trình toàn cầu hóa, thương mại, nhân quyền và quân đội đều có thể được khai thác để mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, chứ không chỉ các tỷ phú và tập đoàn đa quốc gia.
Thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách thuế toàn cầu bởi nó không chỉ áp một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà còn buộc các công ty phải nộp thuế ở nơi họ hoạt động, thay vì chỉ nộp thuế ở nơi họ đặt trụ sở như trước đây.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế như: Ireland, British Virgin Islands đặt trụ sở, trong khi hoạt động, khách hàng và nhân viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.
Theo đó, các quốc gia có thể tăng thuế đối với doanh số bán hàng của các công ty đa quốc gia như: Amazon, Apple, Facebook và Google phát sinh trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, công thức chính xác để xác định số thuế phải nộp tại các khu vực pháp lý khác nhau là nội dung đang cần được tiếp tục thảo thuận và thống nhất.
Theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo OECD đưa ra thỏa thuận này một phần vì đại dịch Covid-19 – sự kiện khiến nhu cầu về một chính sách thuế công bằng hơn càng trở nên bức thiết, khi mà các chính phủ đang vật lộn tìm thêm nguồn thu ngân sách.
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!