Dòng tiền dồi dào có thể giúp VN-Index tăng lên mức 600-630 điểm vào cuối năm 2014. |
Nhiều tin vui
Lý giải cho những yếu tố này, ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital, cho rằng vĩ mô ổn định và giá cổ phiếu hấp dẫn là nguyên nhân chính.
Tâm lý là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các làn sóng giao dịch trên sàn. Theo ông Andy Hồ, tâm lý nhà đầu tư trong năm qua được nâng đỡ bởi chỉ số lạm phát và lãi suất ở mức thấp, trong khi tỉ giá cũng ổn định nhất trong 3 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, cổ phiếu Việt Nam đã khá rẻ so với các thị trường trong khu vực. Chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của thị trường Việt Nam năm qua chỉ ở mức 12-13 lần, thấp hơn mức trung bình của thị trường Đông Nam Á (15-16 lần).
Kinh tế Việt Nam có thể chưa tăng trưởng mạnh như một số nước trong khu vực, nhưng nếu so với Thái Lan và Indonesia thì Việt Nam được ghi nhận ở sự ổn định chính trị lẫn kinh tế. Thái Lan đang đối mặt với những bất ổn chính trị dai dẳng, còn Indonesia thì thay đổi tỉ giá liên tục. Theo ông Andy Hồ, tính đến cuối năm 2013, đồng tiền nước này đã mất giá hơn 10% so với đầu năm. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp thứ 4 trong số những thị trường có diễn biến tốt nhất châu Á trong năm qua. Với đà tăng trong năm 2013, ông Andy Hồ kỳ vọng sang năm 2014, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khởi sắc.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKS), cũng tỏ ra rất lạc quan. Theo ông, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho nền kinh tế, qua đó thu hút nguồn vốn ngoại nhiều hơn.
Ông Khánh cho rằng nền kinh tế đã dần khởi sắc. Số doanh nghiệp có lãi đã nhiều hơn năm 2012. “Đặc biệt là có không ít doanh nghiệp chia sẻ rằng lợi nhuận của họ tăng một phần nhờ bớt được đối thủ do có doanh nghiệp phá sản trong thời gian qua. Khủng hoảng ở mặt nào đó đã giúp sàng lọc và giữ lại những hàng hóa tốt”, ông nói.
2014 cũng sẽ là năm nhiều hứa hẹn của dòng tiền đầu tư. Sau kỷ lục thu hút vốn ngoại qua sàn của năm rồi, nhiều chính sách thu hút vốn ngoại tiếp tục được đưa ra. Quy định về việc tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết từ 49% lên 60% là được mong chờ nhất. Quy định này có khả năng sẽ được thông qua vào đầu năm 2014.
Dòng tiền đầu tư trong nước cũng có cơ hội gia tăng, khi hình thức quỹ mở đã được thông qua và số đơn vị thành lập ngày càng nhiều hơn. Tính đến cuối năm 2013, đã có 8 quỹ mở ra đời. Bộ Tài chính dự kiến sẽ có thêm 5 quỹ mở nữa được cấp phép hoạt động vào những ngày đầu năm 2014.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia tài chính doanh nghiệp, cho rằng các quỹ mở có chiến lược đầu tư vào nhiều loại hàng hóa thay vì chỉ nhắm đến trái phiếu như trước đây. Quan trọng hơn, dòng tiền ngày càng gia tăng từ các quỹ mở mới được thành lập sẽ giúp cho thị trường sôi động hơn.
Một tin vui nữa cho thị trường chứng khoán năm 2014 là cơ quan quản lý đang nghiên cứu đưa vào một số công cụ phái sinh. Theo ông Khánh, MBKS, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thử nghiệm một số công cụ ngay trong năm nay và sẽ chính thức ra mắt vào năm 2015.
Sóng vào cuối năm
Dòng tiền dồi dào có thể giúp VN-Index tăng lên mức 600-630 điểm vào cuối năm nay. “Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009”, ông Khánh dự báo. Tuy nhiên, quý I/2014, VN-Index có thể sẽ không tăng mà còn giảm và chỉ bắt đầu tăng trở lại vào đầu quý II, đạt khoảng 550 điểm.
Một khi dòng tiền vào nhiều, cơ hội sẽ được chia đều cho các cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng dòng tiền sẽ hướng đến các cổ phiếu blue-chip chưa tăng giá nhiều trong năm qua. Hiệu quả kinh doanh được cải thiện cũng giúp nhóm cổ phiếu này tăng giá trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, do đã tăng giá khá mạnh trong năm qua, ít có cơ hội lập lại kỳ tích. Một số mã như SHN (Công ty Đầu tư Tổng hợp Hà Nội), KMR (Công ty Mirae) đã tăng giá đến vài lần trong năm rồi.
Ông Khánh cũng lưu tâm đến cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá và dưới giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây chủ yếu là các mã thuộc lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.
Một thời là “cổ phiếu vua” nên cổ phiếu ngân hàng cũng được nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Khánh, đây là nhóm cổ phiếu tăng giá yếu nhất trong năm qua. Quá trình xử lý nợ xấu đang phát huy hiệu quả tích cực sẽ là tiền đề giúp nhóm cổ phiếu này có cơ hội tăng giá trở lại. Bất động sản cũng là nhóm cổ phiếu tiềm năng vì đã giảm giá khá nhiều trong năm qua và đang được hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng được xem là nơi trú ngụ an toàn của nhà đầu tư để tránh khủng hoảng. Nhưng năm nay, có lẽ điều đó không còn nhiều tác dụng vì nguy cơ nguyên vật liệu đầu vào đồng loạt tăng giá. Điện và nước là hai mặt hàng cơ bản nằm trong danh mục quy định giá của Nhà nước nhưng lại đang được áp dụng theo cơ chế thị trường. Giá nước, chẳng hạn, sẽ theo giá thị trường từ đầu năm 2014 sau khi đã tăng ít nhất 10% trong năm 2013.
Việc các mặt hàng cơ bản tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng khác, đầu tiên là thực phẩm, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này. “Chỉ những doanh nghiệp đầu ngành chủ động nguồn nguyên liệu và thỏa thuận được giá mới giữ được lợi thế. Cổ phiếu thực phẩm ít bị mất giá nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ có cơ hội tăng giá mạnh”, ông Khánh nói.