Doanh nghiệp Nhà nước: Giảm nợ xấu và cơ chế bảo hộ
Chiếm khoảng 37% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên các doanh nghiệp Nhà nước từ lâu đã nổi tiếng do kinh doanh kém hiệu quả. Hệ thống bộ máy cồng kềnh, cơ chế xin – cho khiến các Doanh nghiệp Nhà nước càng làm càng lỗ.
Theo báo cáo của ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 1,33 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (lớn hơn tỷ lệ 1,77 lần của năm 2011). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.
Báo cáo cũng cho hay nợ nước ngoài của các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty là 158.865 tỷ đồng; tương đương 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Các công ty mẹ của nhà nước có số nợ nước ngoài lớn là Điện lực Việt Nam (EVN), Hàng không Việt Nam (VNA)…
Nhiều biện pháp đã được tính đến như cải tổ kinh doanh, yêu cầu một số tập đoàn không được đầu tư ngoài ngành, hay cho phá sản những tập đoàn làm ăn kém hiệu quả. Chính phủ dự kiến vào tháng 6/2013, Việt Nam sẽ công bố một kế hoạch nhằm cải tổ 52 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo đó, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bán cổ phần hoặc tài sản có khả năng sinh lợi kém và cho phá sản.
Doanh nghiệp tư nhân: "Giảm tốc" phá sản
Năm 2012 đã có hơn 54.000 doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp VCCI, trong vòng 2 năm qua, số DN phá sản đã bằng một nửa tổng số DN phá sản trong vòng 10 năm. Hiện tại, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký, chỉ có khoảng hơn 400.000 doanh nghiệp còn đang hoạt động.
Mặc dù bên cạnh những doanh nghiệp phá sản, cũng có những doanh nghiệp mới được thành lập nhưng số lượng và quy mô lại thua kém nhiều so với những doanh nghiệp trước đó. Đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những "kẻ ra đi đầu tiên" khi Chính phủ vẫn còn rất thiếu chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này.
Năm 2013, trước dự báo nền kinh tế sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng. Thêm vào đó, Tổng thu ngân sách của Việt Nam đã giảm mạnh trong năm 2012, đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục thiếu đi những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trước viễn cảnh khó khăn và phải "tự lực cánh sinh", tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nhanh chóng tìm cách cắt lỗ, cơ cấu lại doanh nghiệp, loại bỏ những mảng kinh doanh không cần thiết, "chờ thời" thay vì cố gắng mở rộng.
Doanh nghiệp nước ngoài: Giảm trốn thuế, chuyển giá
Đóng góp một lượng lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giúp Việt Nam không bị nhập siêu trong năm 2013, các doanh nghiệp FDI có thể coi là "điểm sáng" hiếm hoi của nền kinh tế trong năm 2012. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, với thông tin hàng loạt các doanh nghiệp dính vào nghi án "chuyển giá, trốn thuế".
Hàng loạt thông tin về các vụ chuyển giá, trốn thuế của Coca-cola, Pepsi, Adidas,… được đưa lên mặt báo khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, hầu hết các công ty được nêu tên đều không có động tĩnh gì về thông tin này. Các doanh nghiệp tập đoàn hoạt động chặt chẽ như thế nào, có lẽ ai cũng biết. Đấy là chưa kể họ còn được sự hậu thuẫn từ các công ty kiểm toán nổi tiếng, các phòng thương mại và công nghiệp của mình (Eurocharm, Amcharm). Việc các cơ quan thuế can thiệp được tới đâu và có thể truy thu lại được bao nhiêu tiền thuế vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán của Big 4 cũng khẳng định, việc chuyển giá, trốn thuế của các tập đoàn nước ngoài là chắc chắn có và ở nước nào cũng vậy, quan trọng là các doanh nghiệp này chuyển giá ở mức độ nào, có hợp lý hay không. Do đó, công việc của cơ quan thuế và báo chí không phải là ngăn chặn triệt để tình trạng này mà là giảm bớt ở mức "chấp nhận được". Đẩy mạnh cải thiện hệ thống luật và truyền thông trên báo chí là hai phương thức tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài có nhận thức khác với vấn đề thuế và trách nhiệm xã hội đối với Việt Nam
Trang Lam