Nhu cầu mới phát sinh, sự thay đổi luật chơi và thói quen của người tiêu dùng là những xu hướng tích cực mà đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 tạo ra cho giới kinh doanh.
Chúng ta có nhiều lí do để lạc quan dù dịch COVID-19 chưa kết thúc. Trong lịch sử, những sự kiện khủng khiếp đã dẫn tới sự thay đổi lớn lao. Bệnh dịch hạch trong thế kỉ 14 thúc đẩy sự ra đời của hợp đồng lao động.
Đại dịch tả trong giai đoạn giữa thế kỉ 19 dẫn tới sự ra đời của các công viên và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hơn. Cuộc cách mạng y tế đã ra đời bởi đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Vậy đại dịch COVID-19 có thể dẫn tới những thay đổi nào? Entrepreneur đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân về những thay đổi sau cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cơ hội để thay đổi thói quen của người tiêu dùng
“Giai đoạn khủng hoảng cho chúng ta thấy cách thức mà chúng ta đang thực hiện mọi việc thực sự cản trở sự sinh tồn của chúng ta. Nó cản trở thành công, thách thức khả năng sinh tồn của nhân loại”, Michele Moody-Adams, giáo sư bộ môn triết lí chính trị và lí thuyết pháp lí của Đại học Columbia (Mỹ), phát biểu.
Nhận xét của Michele rất đúng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nếu ai đó đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta phải tới siêu thị để mua thực phẩm mà không đặt hàng trên mạng?”, câu trả lời sẽ là: Vì đó là cách mà mọi người đang áp dụng. Con người không thích sự thay đổi. Người tiêu dùng không muốn nghĩ quá nhiều về cách thức mà mọi thứ đang vận hành.
Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu về mọi thứ. Chẳng thứ gì đương nhiên tồn tại mãi, nghĩa là cuối cùng chúng ta sẽ phải tạo ra động lực để thay đổi.
“Một khủng hoảng như COVID-19 sẽ buộc chúng ta phải thay đổi các lựa chọn trước đây”, Brian Berkey, một giáo sư bộ môn luật và đạo đức kinh doanh của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), bình luận.
Mọi người hãy nhớ lại lần cuối cùng chúng ta có một ý tưởng mới và ai đó phản bác: “Không khả thi”. Rất ít người nghĩ rằng toàn bộ nhân sự của một doanh nghiệp sẽ làm việc từ xa thay vì tới văn phòng trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Giờ đây, viễn cảnh không tưởng ấy đã trở thành hiện thực. Xem căn hộ bằng kính thực tế ảo là lựa chọn không phổ biến trước đại dịch, nhưng giờ đây nó đang trở thành xu thế trong ngành bất động sản.
Nhu cầu mới đang phát sinh từng ngày
Vài tháng trước, khi phần lớn doanh nghiệp phản đối làm việc từ xa, doanh số bán những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa chỉ ở mức thấp, nên những ứng dụng như Zoom rất ít.
“Sự phản đối của doanh nghiệp đối với làm việc từ xa khiến thị trường công cụ hỗ trợ làm việc từ xa phát triển chậm và không thu hút sự chú ý của giới đầu tư”, Robert D. Atkinson, chủ tịch Quĩ Công nghệ Thông tin và Đổi mới, phát biểu.
Nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi. Cuộc sống và công việc của mọi người xáo trộn vì COVID-19, song nó cũng tạo ra những thị trường mới. Số lượng người làm từ xa tăng thúc đẩy nhu cầu họp trực tuyến và quản lí qui trình công việc. Hàng loạt startup sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy.
Mức độ sử dụng Internet tăng đồng nghĩa với việc sức ép đối với hạ tầng số tăng, khiến giới đầu tư dành nhiều tiền hơn cho điện toán đám mây, xử lí số và nhiều công nghệ khác. Và cơ hội không chỉ giới hạn trong mảng công nghệ. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ thúc đẩy sự ra đời của nhiều giải pháp mới.
Phản ứng dây chuyền sẽ rất thú vị. Một chủng virus corona mới buộc chúng ta phải ở nhà để làm việc, khiến hạ tầng mạng quá tải, thúc đẩy sự ra đời của những giải pháp mới. Và giải pháp mới thúc đẩy sự xuất hiện của những công nghệ mà chúng ta chưa thể hình dung ngay bây giờ. Công nghệ mới sẽ dẫn tới sự ra đời của nhiều ngành mới.
Khủng hoảng thay đổi luật chơi theo hướng tích cực
Trước đại dịch COVID-19, người dân không thể vào một nhà hàng, mua một li cocktail rồi đi. Họ cũng không thể khám bệnh qua phần mềm Zoom hay FaceTime. Giờ đây họ có thể thực hiện những việc đó, vì luật chơi đã thay đổi.
Những thay đổi nhanh chóng về qui tắc trong thương trường khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn với mọi người. Nhờ đó, giới doanh nghiệp có thể phục vụ khách hàng theo những phương pháp mơi, và họ cũng phải nghĩ ra nhiều giải pháp mới.
“Ảnh hưởng dây chuyền từ những thay đổi sẽ rất sâu sắc. Tôi tin rằng nếu người tiêu dùng duy trì những thay đổi đó trong thời gian dài, chúng ta sẽ thấy lợi ích rất lớn”, Alec Stapp, giám đốc chính sách công nghệ của Viện Chính sách Cấp tiến, nhận xét.
Footer Subheading
Message Submitted!