5 bí quyết tạo nên “đế chế thủ công” 2 tỷ đô

Thuật ngữ “thủ công” ngày nay được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại thực phẩm, từ cocktail đến pizza. Tuy nhiên, ban đầu nó chỉ được dùng cho bia. Ủ bia thủ công truyền thống là việc các nhà sản xuất nhỏ lẻ kết hợp các thành phần nguyên liệu và các công đoạn truyền thống lẫn sáng tạo để cho ra các sản phẩm bia mang hương vị tươi ngon và khác biệt.

5 bí quyết tạo nên “đế chế thủ công” 2 tỷ đô
Ảnh minh họa.

Theo Jim Koch – nhà đồng sáng lập, Chủ tịch Công ty bia Boston, tác giả cuốn sách vừa được xuất bản hồi tháng 4 Quench Your Own Thirst: Business Lessons Learned Over a Beer or Two, tính chất thủ công này cũng có thể được áp dụng vào văn hóa của một công ty.

Trong hơn 3 thập kỷ (từ năm 1984 đến nay) “lèo lái” Hãng bia Boston đạt giá trị vốn hóa thị trường 2 tỷ USD và chiếm 1% thị trường bia tại Mỹ, Jim Koch đã xây dựng nên một “văn hóa thủ công nội bộ”, phản ánh quá trình tạo nên sản phẩm đặc trưng của Hãng là bia Samuel Adams Lager. Năm ngoái, Công ty công bố doanh thu đạt 960 triệu USD.

Sau đây là những bí quyết thành công trong “văn hóa thủ công nội bộ” của tỷ phú bia Jim Koch:

1. Đổi mới theo cách riêng

Đổi mới là tính chất đáng tự hào của phương thức sản xuất thủ công. Hãng bia Boston thường xuyên thử nghiệm với những thành phần “chẳng ai ngờ tới”, chẳng hạn như bột mận và cây hồi.

Sự đổi mới cũng giúp đưa ra những quy trình mới. Gần 25 năm trước, Công ty bia Boston trở thành hãng bia đầu tiên áp dụng phương thức ủ bia trong các thùng gỗ sồi từ Đông Âu vốn ban đầu chỉ được các nhà sản xuất ở Ý dùng để ủ rượu mạnh. Hiện nay cách làm này đã trở nên thông dụng nhưng lúc đầu từng bị nhiều người cho là “điên rồ”.

2. Chọn nhân tài có tư duy đột phá

Đôi khi chính những nhân viên không có một “CV đẹp”, không có quá nhiều kinh nghiệm lại giúp công ty duy trì một nét văn hóa giàu năng lượng và khuyến khích sự tìm tòi. Bạn không thể thuê 100% nhân viên “khác người” như vậy, nhưng nếu thiếu họ, tất cả những gì công ty bạn có thể làm là tuân theo khuôn mẫu có sẵn.

Một trong những quyết định tuyển dụng đầu tiên của tôi khi bắt đầu Công ty bia Boston là Rhonda Kallman – thư ký cũ của tôi ở Tập đoàn Tư vấn Boston. Rhonda Kallman không có bằng đại học nhưng là một người tháo vát, năng động, thông minh, hài hước và cư xử hòa nhã với mọi người.

Trong khoảng 15 năm gắn bó, Kallman giữ một vai trò không thể thiếu đối với thành công của Hãng bia Boston. Cô ấy hiện thực hóa nỗ lực bán hàng của chúng tôi bằng cách xác định cụ thể 100 quán bar sẽ là khách hàng mục tiêu của sản phẩm bia Samuel Adams và sau đó cùng với tập thể kiên trì theo đuổi những mục tiêu đó đến cùng. Trong khi tôi tập trung vào việc sản xuất bia và các hoạt động khác, Kallman là người xây dựng nên đội ngũ bán hàng cho Công ty.

3. Thấu hiểu trải nghiệm khách hàng

Đặc trưng cốt lõi của phương thức sản xuất thủ công là tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Ví dụ, cách đây khoảng 10 năm, tôi nhận ra rằng các loại ly thủy tinh kiểu cũ mà khách hàng thường được phục vụ chưa mang đến trải nghiệm hoàn hảo vì làm cho bia bị giảm đi hương vị, làm tăng nhiệt độ quá nhanh và không thể giải phóng một số thành phần có trong bia.

Do đó, tôi đã chiêu mộ 3 vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về khoa học cảm giác để tạo ra một loại ly đựng bia tối ưu hơn. Khi ra đời, sản phẩm này của chúng tôi có các đặc điểm đặc thù: miệng ly tạo một góc hợp lý để mang bia đến trúng những điểm trên vòm họng, thân ly hẹp hơn để giảm sự tác động nhiệt từ tay người cầm, đường thon phía dưới cùng giúp tạo bọt và giải phóng hương thơm đặc trưng…

4. Tạo ra một “văn hóa thủ công”

Trong “văn hóa thủ công”, nhân viên phải xem bản thân mình như một người thợ thủ công. 15 năm trước, Công ty bia Boston bắt đầu phát động cuộc thi ủ bia tại nhà (home-brew kits) cho mọi nhân viên và khuyến khích họ sáng tạo trong… nhà bếp. Mỗi năm, sản phẩm thử nghiệm của hàng trăm nhân viên sẽ được tập hợp lại để chọn ra một người chiến thắng. Công thức tối ưu nhất sẽ được áp dụng để sản xuất và phân phối trên khắp nước Mỹ và được đựng trong chai có in tên và hình ảnh của người chiến thắng.

Một điều đáng ngạc nhiên là những người chiến thắng đến từ mọi phòng ban như kế toán, bán hàng, kỹ thuật… nhưng hiếm khi tên của những người chuyên ủ bia được nêu trên “bảng vàng”.

Cuộc thi nội bộ này giúp nhân viên nắm bắt được tinh thần của nghề sản xuất bia và trở thành một phần của lĩnh vực này. Còn việc thương mại hóa những sản phẩm của họ chính là một minh chứng cho niềm tin và tự hào của nhà lãnh đạo đối với đội ngũ.

5. Duy trì những nguyên tắc vững chắc cơ bản

Các nhà sản xuất bia thủ công luôn tuân thủ theo một số các nguyên tắc truyền thống cơ bản. Không phải ngẫu nhiên mà người ta duy trì một số cách nhất định trong hàng trăm năm. Sự trung thành với công thức truyền thống của gia đình đã giúp thương hiệu bia Samuel Adams đạt danh hiệu Bia tốt nhất tại Mỹ ở lễ hội “Great American Beer Festival” năm 1985. Năm 2014, tôi cũng vinh dự trở thành người đầu tiên không mang quốc tịch Đức được vinh danh tại giải thưởng Bavarian Order of Beer.

“Văn hóa thủ công” xem con người là nền tảng của thành công. Con người luôn là đáp án của mọi vấn đề. Trong giai đoạn phát triển chậm của Công ty, vào khoảng năm 1996, một thành viên chủ chốt của hội đồng quản trị cho rằng số lượng nhân viên đang quá nhiều và khuyên tôi nên cắt giảm lao động.

Đáp lại họ, tôi kiên trì với quan điểm: con người không phải là vấn đề, họ chính là giải pháp. Họ sẽ tìm ra những cách để tiết kiệm chi phí và giúp công ty chi tiêu hiệu quả hơn, và khi đó, chúng tôi sẽ đạt được sự cân bằng giữa chi phí và doanh thu.

Kết quả là những nhân viên của chúng tôi đã tìm ra được các giải pháp thắt chặt các hoạt động. Họ đã chứng minh được rằng, sự sáng tạo và tinh thần đồng đội có thể giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính. Chẳng hạn, họ nghĩ ra cách để đặt được nhiều pallet bia hơn trên xe tải vận chuyển, làm đầy các khoảng trống dư thừa trong kiện hàng bằng sản phẩm đế lót ly và lập kế hoạch hiệu quả hơn cho phương thức bán hàng qua điện thoại. Sự tăng trưởng bắt đầu quay lại từ từ. Công ty bia Boston bắt đầu đạt sự tăng trưởng nhanh chóng vào năm 2004, khi doanh thu tăng đến 22%.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Contact CEO Club

Contact us and we would love to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928