Không chỉ những từ đao to búa lớn, mà những từ đơn giản nhất cũng có khả năng giúp nhà lãnh đạo tạo tác động tích cực lên nhân viên, và lên cả công việc kinh doanh của mình.
Nên thúc đẩy nhân viên, nên cảm ơn họ vì sự đóng góp của họ cho công việc, nên đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng… Mọi ông chủ, mọi nhà lãnh đạo điều biết những điều này, và một số người cố gắng thực hiện chúng.
Nhưng điều có thể họ không biết là có 5 từ đơn giản mà nếu được dùng đúng mục đích thì sẽ tạo ra tác động tích cực rất mạnh mẽ lên nhân viên, sau đó tác động ngược trở lại lên nhà lãnh đạo và cả lên công việc kinh doanh của họ, theo Inc..
5 từ đó là: “Bạn có thể giúp tôi?”.
Đây chỉ đơn giản là một câu nói nhằm kêu gọi sự giúp đỡ. Nhưng tại sao nó lại có khả năng tạo ra tác động mạnh mẽ?
Hãy nghĩ theo hướng này: Bạn đã không còn là một đứa trẻ. Bạn thông minh, hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm. Bạn đã đạt được nhiều thành tựu. Bạn đã có được một vị trí nhất định trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Nhưng bạn lại không hề ngần ngại nói lên điểm yếu của mình. Vì vậy, khi bạn đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ như vậy, bạn cũng đã gián tiếp nâng cao giá trị hình ảnh của mình lên.
Chẳng hạn, nếu bạn cần một sự hỗ trợ nào đó khi chuẩn bị thuyết trình, bạn có thể gặp ai đó và nói “Tôi sắp họp với nhà đầu tư, và slide thuyết trình của tôi cần chỉnh sửa một chút về định dạng…”.
Vấn đề là, cụm từ này sẽ cho thấy tầm quan trọng của bạn, và đảm bảo cái Tôi của bạn được bảo vệ. Vì dù có thể bạn cần một chút sự hỗ trợ về vấn đề PowerPoint, bạn vẫn là người sẽ thuyết trình với nhà đầu tư, bạn vẫn là người sẽ làm phần việc “nặng ký” nhất.
Hơn nữa, với cụm từ này, bạn sẽ không thể hiện sự ra lệnh – thói quen thường thấy ở nhiều ông chủ, nhà lãnh đạo, mà câu nói trên chỉ là một lời yêu cầu nhẹ nhàng. Đây là cách tiếp cận hiệu quả hơn.
Khi bạn cần sự hỗ trợ, bất kể vấn đề đó là gì và bất kể người bạn cần tìm kiếm là ai, hãy vứt bỏ đi giọng kẻ cả để đưa ra lời yêu cầu một cách chân thành và khiêm tốn: “Bạn có thể giúp tôi?”.
Khi đó, người tiếp nhận chắc chắn sẽ nói “Chắc chắn rồi” hoặc “Tôi có thể cố gắng” hoặc “Bạn cần gì?”. Không ai có thể nói “Không” với bạn, dù là một người lạ.
Bằng cách thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng người khác, và bằng cách trao cho họ sự tự do chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bạn sẽ không chỉ nhận được sự giúp đỡ mình muốn, mà còn nhận được sự giúp đỡ mình thực sự cần. Bạn sẽ nhận được nhiều hơn rất nhiều.Khi mọi người có được cảm giác hài lòng và tự hào đến từ sự tôn trọng và tin tưởng mà bạn dành cho họ, sau này, họ cũng sẽ dễ dàng kêu gọi sự giúp đỡ mà họ cần từ bạn hơn.
Bởi vì bạn đã cho họ thấy rằng việc thể hiện điểm yếu, kêu gọi sự giúp đỡ là hết sức bình thường. |
Chỉ cần lưu ý rằng, khi nói, đừng đặt bản thân mình lên trên người khác. Đừng khiến cho lời yêu cầu của mình quá cụ thể, cũng đừng nói ra cụ thể những điều bạn cần. Thay vào đó, hãy nói về những điều bạn không thể làm được. Ví dụ: “Tôi không giỏi về PowerPoint, và các slide thuyết trình của tôi trông không ổn lắm”, hoặc “Chúng ta phải chuyển tài liệu này đi vào thứ Ba, và đến giờ tôi vẫn chưa có ý tưởng nào để thực hiện phần việc này”, hoặc “Tôi bị đi lạc, và tôi không thể tìm thấy khách sạn của mình”…
Khi bạn nói theo cách đó, một số điều kỳ diệu sau đây sẽ lập tức xảy ra với người tiếp nhận thông tin:
1. Bạn thể hiện sự tôn trọng ngay lập tức
Trong câu nói của bạn chứa đựng thông điệp ngầm là “Bạn hiểu biết nhiều hơn tôi”, hay “Bạn có khả năng làm điều tôi không thể làm được”, “Bạn có kinh nghiệm (hoặc tài năng) mà tôi không có”, “Tôi tôn trọng bạn”…
Mức độ tôn trọng này cực kỳ mạnh mẽ, thể hiện sự trao quyền của bạn đối với người tiếp nhận.
2. Bạn thể hiện sự tin tưởng ngay lập tức
Bạn thừa nhận điểm yếu của mình, và bạn ngầm thể hiện rằng bạn tin tưởng người khác vì họ có được hiểu biết mà bạn không có.
Thông điệp ngầm trong câu nói của bạn là “Tôi tin tưởng bạn”.
Mức độ tin cậy này cũng cực kỳ mạnh mẽ, và thể hiện sự trao quyền của bạn đối với người tiếp nhận.
3. Bạn thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe ngay lập tức
Bạn đã không cố gắng đưa ra yêu cầu chính xác về cách mà người khác nên giúp đỡ mình. Bạn trao cho họ sự tự do quyết định.
Thông điệp ngầm bạn đã truyền tải là “Bạn không cần phải nói cho tôi những điều mà bạn nghĩ rằng tôi muốn nghe, hãy nói với tôi những điều bạn nghĩ rằng tôi nên làm”.
Mức độ tự do quyết định này cũng cực kỳ mạnh mẽ, đồng thời thể hiện sự trao quyền của bạn đối với người tiếp nhận.
Và cuối cùng, bạn nên nói 2 từ khác cũng mạnh mẽ không kém 5 từ trên: “Cảm ơn!”.
Bích Trâm (DNSG)
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!