Theo Forbes, tổng tài sản ước tính của vị tỷ phú 90 tuổi Jim Pattinson vào khoảng 6,9 tỷ USD, giúp giữ vị trí người giàu thứ 237 trên toàn thế giới và đồng thời là người giàu thứ 5 tại đất nước Canada.
Tỷ phú Jim Pattinson là một doanh nhân, nhà đầu tư và mạnh thường quân nổi tiếng người Canada. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Jim Pattison Group – tập đoàn tư nhân có quy mô lớn thứ hai tại xứ sở lá phong đỏ, với khoảng 45.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Không chỉ nổi tiếng với danh hiệu một trong số những cá nhân giàu nhất đất nước, Pattison còn được biết đến là một trong các mạnh thường quân hào phóng nhất Canada. Hằng năm, quỹ từ thiện do ông sáng lập đều cho đi 10% số tiền mà vị tỷ phú này kiếm được với mục đích hoạt động từ thiện.
Đặc biệt, vào năm 2017, vị tỷ phú đã dành hẳn 75 triệu USD để thành lập một trung tâm y tế mang tên ông tại thành phố Vancouver – số tiền lớn nhất từ trước đến nay một cá nhân từng hiến tặng cho một cơ sở y tế tại Canada. Trước đó, vị tỷ phú cũng nhiều lần dành tặng các số tiền lên tới hàng chục triệu USD cho các bệnh viện lân cận khác.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ của cuộc Đại suy thoái năm 1929 (Great Depression) mà hệ quả của nó là tỷ lệ thất nghiệp tại Canada chạm ngưỡng 32%, nên ngay từ nhỏ, Pattinson đã sớm phải bươn chải để phụ giúp gia đình cũng như học cách thoát nghèo.
Từ năm lên 7, ông đã tập tành kinh doanh bằng cách bán hạt giống và có công việc thực thụ đầu tiên vào 2 năm sau: gõ cửa từng nhà để bán báo tháng.
Lên cấp 3, vị tỷ phú vẫn tiếp tục nỗ lực vừa làm vừa học và đã trải qua vô số công việc, từ nhân viên đội nghi thức đám cưới ở khách sạn, nhân viên giao hàng cho tới người hái trái cây hay lao động phổ thông v.v..
Sau khi tốt nghiệp, Pattison theo học chuyên ngành thương mại tại Đại học British Columbia (UBC). Thời gian này, ông làm nhân viên rửa xe tại một cửa hàng ô tô và bắt đầu tân trang những chiếc xe cũ để bán lại cho các sinh viên trong trường với giá 150 USD.
Bén duyên với công việc kinh doanh ô tô, vị tỷ phú đã nghỉ học tại UBC để đến làm việc hẳn tại đại lý xe hơi Bowell McLean. Tới năm 1961, khi mới 33 tuổi, Pattison đã sở hữu một cửa hàng ủy nhiệm từ General Motors của riêng mình. Với sự trợ giúp đắc lực từ ngân hàng Royal Bank là khoản vay gấp 8 lần định mức thông thường, có thể nói, Pattison là người đã giúp mở đường cho ngành mua bán xe hơi tại Canada.
Tại cửa hàng của ông thời bấy giờ, người mua được trả góp thay vì phải trả toàn bộ tiền lúc mua xe. Mặc dù khoản vay của Pattison là rất lớn, song công việc tại cửa hàng vẫn rất phát đạt. Sau 7 năm, chỉ riêng công việc kinh doanh xe hơi đã giúp vị tỷ phú kiếm được hơn 1 triệu USD.
Được biết, kể từ khi sở hữu cửa hàng ủy nhiệm vào năm 1961 cho đến nay, vị tỷ phú đã tiếp tục thâu tóm hơn 200 công ty lớn nhỏ, góp phần đưa Jim Pattison Group trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành khổng lồ, với doanh thu đạt 10,1 tỷ USD vào năm 2018.
Không chỉ hoạt động trong ngành ô tô, tập đoàn của vị doanh nhân còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như quảng cáo, truyền thông, thiết bị nông nghiệp, F&B, giải trí, xuất khẩu, tài chính, bất động sản và phân phối v.v..
Nhờ khả năng kinh doanh, đầu tư tài ba của mình, tỷ phú Jim Pattison còn được mệnh danh là “Warren Buffett” của Canada. Và, hồi cuối tháng trước, khi chính thức bước sang tuổi 90, vị tỷ phú này đã chia sẻ với kênh Global News 7 lời khuyên thành công để có một cuộc sống cũng như sự nghiệp viên mãn.
1. Hãy vui vẻ mỗi ngày và yêu công việc của bạn
Vị tỷ phú người Canada cho biết, hằng ngày, kể từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, ông đều cảm thấy hạnh phúc. Và, bí quyết hạnh phúc của ông đến từ việc bản thân được làm công việc mà mình yêu thích.
Dù đó có là công việc mua bán xe hơi như dạo trước hay điều hành một tập đoàn khổng lồ như hiện nay, Pattison vẫn luôn tìm thấy được niềm vui trong công việc. Đó cũng là lý do mà ở tuổi 90, ông vẫn đều đặn và chăm chỉ lao động mỗi ngày.
2. Hãy học hỏi từ tất cả mọi người
Dù có cơ hội được làm bạn với nhiều người nổi tiếng, như gia đình tổng thống Bush, tổng thống Reagan, và cả bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey; song Pattison tin rằng, để thực sự thành công, một cá nhân phải biết học hỏi từ tất cả mọi người.
Vốn có xuất thân vô cùng bình thường trước khi sở hữu vị trí như ngày hôm nay, vị tỷ phú nhấn mạnh rằng, sự khôn ngoan không hề là đặc ân chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu, có học thức, địa vị hay giàu có trong xã hội.
3. Bán hàng phải xuất phát từ sự chính trực
Với Pattison, nghệ thuật bán hàng đòi hỏi ở một người sự trung thực, chăm chỉ cũng như sự quan tâm đến khách hàng. Vị doanh nhân người Canada cũng thường hay sử dụng lời ví dụ về việc một người phải biết “móc mồi vào lưỡi câu cho phù hợp với từng loại cá” trong tác phẩm “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie để khuyên các nhân viên bán hàng phải biết tập trung vào nhu cầu của khách hàng, chứ không phải những sản phẩm mà họ có.
4. Thanh danh là tài sản quan trọng nhất
Sự trung thực và thanh danh của bản thân được Pattison xem trọng hơn cả. Trên thực tế, vị tỷ phú chia sẻ, ông rất đỗi tự hào về thanh danh tiếng mình và tin rằng nó là yếu tố quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc.
Mặc dù chưa bao giờ tiết lộ lý do tại sao ông lại tin vào điều này đến vậy, nhưng có một điều chắc chắn, là mỗi khi nhắc đến cái tên Jim Pattison, ai ai cũng sẽ nghĩ ngay đến một vị doanh nhân cứng rắn mà trung thực.
5. Sự thay đổi là “mẹ” của cơ hội
Khi được hỏi, liệu việc xây dựng và phát triển một đế chế kinh doanh ở thời điểm hiện tại có dễ dàng hơn so với lúc trước hay không, Pattison đã gật đầu. Vị tỷ phú khẳng định điều này dựa trên 2 yếu tố: Sự tiếp cận với nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn và sự thay đổi diễn ra thường xuyên hơn.
Đối với vị doanh nhân, tất cả mọi thay đổi đều kéo theo cơ hội, nghĩa là, càng có nhiều sự thay đổi, thì cơ hội xuất hiện càng nhiều. Và, may mắn thay, thế giới ngày nay đang ở trong thời đại mà sự thay đổi diễn ra liên tục.
6. Hãy cho đi 10% những gì mình làm được, và cống hiến thời gian lẫn công sức cho cộng đồng
Từ rất lâu trước khi sở hữu cơ ngơi như ngày hôm nay, Pattison đã luôn thực hiện thói quen cho đi 10% này. Tính đến nay, ông đã dành tặng ít nhất hơn 100 triệu USD cho các bệnh viện địa phương.
Mỗi năm, quỹ từ thiện do ông sáng lập dành tặng hàng triệu USD đến các tổ chức từ thiện như Vancouver Symphony Foundation, Food Banks Canada, Pathways Clubhouse và Đại học Ryerson v.v..
Ngoài các hoạt động quyên góp từ thiện, Pattison còn rất tích cực trong các hoạt động đóng góp cho cộng đồng. Được biết, trong suốt 6 năm, vị tỷ phú đã đảm nhận vai trò chủ trì hội chợ triển lãm thế giới Vancouver’s Expo 86 mà không hề nhận thù lao.
Ước tính, trong suốt thời gian diễn ra hội chợ này, đã có hơn 22 triệu lượt người ghé thăm quê nhà của Pattison, góp phần tạo ra hơn 2 tỷ USD cho nền kinh tế Canada.
Khởi Vũ (DNSG)
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!