Johnson hiện là Chủ tịch của bộ phận Dịch vụ tài chính thuộc Quỹ đầu tư Fidelity, một quỹ tương hỗ tư nhân khổng lồ được thành lập bởi Edward C.Johnson II, ông của Johnson.
Không phải là cái tên quen thuộc như những tỷ phú thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí, song Abigail Johnson được xem là người phụ nữ quyền lực nhất trong giới tài chính hiện nay.
Được xếp hạng thứ 60 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, Johnson lãnh đạo một trong những công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Bà cũng là một trong số rất ít nữ doanh nhân giữ chức vụ cao cấp trong giới lãnh đạo của ngành.
Sau đây là một số chia sẻ của Abigail Johnson với Forbes về những kinh nghiệm lãnh đạo của mình.
1. Công việc của bạn sẽ không bao giờ kết thúc
Khi cha bà – Edward “Ned” Johnson III về hưu thì Johnson chắc chắn sẽ trở thành CEO kế nghiệp. Chưa bao giờ Johnson tự mãn hay thoải mái trong vai trò người kế vị.
"Bất kể chức vụ của bạn trong công ty cao đến thế nào, bất kể việc đang làm có tốt đến đâu thì công việc của bạn cũng không bao giờ kết thúc. Mỗi ngày bạn thức dậy và thế giới xung quanh lại thay đổi, khách hàng mỗi lúc lại yêu cầu cao hơn. Đối thủ cạnh tranh thì không ngừng tạo áp lực lên bạn bằng những bước đi mới và cố gắng hạ gục bạn mọi lúc mọi nơi", Johnson nhận định. Do đó, bà luôn sẵn sàng cho mọi thử thách.
Vì theo bà, để góp phần đưa tổ chức của mình tiến lên thì "mỗi ngày bạn phải thức dậy với một nguồn năng lượng mới đi cùng hàng loạt ý tưởng sáng tạo". Và đó là lý do mà công việc sẽ không bao giờ kết thúc.
2. Hãy tin vào khả năng của mình
Từ những gì học được ở trường đại học, từ những thử thách đã vượt qua tại Fidelity, và từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình, Johnson học được rằng: "Rất nhiều người sẽ cho bạn lời khuyên, tùy vào mức độ của thân thiết của bạn và người đó. Những lời khuyên này có thể có giá trị hoặc không. Song thực tế, chỉ có bạn mới hiểu điều gì là tốt nhất cho bản thân mình. Rốt cuộc thì bạn chính là người hiểu mình nhất" – bà chia sẻ.
3. Giao tiếp một cách hiệu quả
Vào tháng 8/2012, từ công việc Giám sát bộ phận Quản lý Tài sản, Johnson được đề bạt lên Chủ tịch Dịch vụ tài chính của Fidelity. Vai trò mới đòi hỏi bà thay đổi phong cách lãnh đạo từ việc dẫn dắt một nhóm mà bà hiểu rõ đến một tổ chức rộng lớn, đa dạng và quy củ hơn.
Bà cho biết: "Ở vị trí mới, có rất nhiều nhân viên bán hàng xuất sắc và chuyên gia marketing làm việc dưới quyền, rồui hàng ngàn cuộc gọi báo cáo từ đại diện các trung tâm dịch vụ khách hàng". Với đặc thù công việc như vậy, Johnson nhận ra rằng mình phải thận trọng khi tương tác với các nhân viên.
Bà "đã phải học cách giao tiếp với nhiều nhóm quản lý với những định hướng và sự quan tâm khác nhau.Và đó đích thực là thách thức về năng lực lãnh đạo". Sau những nỗ lực hết mình của bản thân, Johnson đã chiếm được cảm tình của các đồng nghiệp như một nhà lãnh đạo biết đồng cảm.
4. Hoàn thiện cả những việc nhỏ nhặt
Mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học và trở thành sinh viên năm nhất trường Hobart and William Smith, Johnson bắt đầu vị trí đầu tiên của mình tại Fidelity với công việc nhận đơn đặt hàng.
“Tôi có nhiệm vụ điền đúng các đơn hàng mà khách hàng yêu cầu”, Johnson cho biết, “Đó là một công việc khá đơn giản, nhưng nó giúp tôi hiểu rằng tôi cần phải có trách nhiệm với những thứ quan trọng trong cuộc sống của mọi người, và phải thực hiện chúng một cách chuẩn xác”.
5. Bất ngờ không bao giờ là tốt
Phong cách lãnh đạo của Johnson là đặt nhiều câu hỏi và thường xuyên thăm dò ý kiến của mọi người. Nếu mọi thứ đang tốt thì tại sao chúng lại tốt? Nếu công việc đang có vấn đề thì chúng ta cần phải làm gì để giải quyết chúng? Ý tưởng nào sẽ giúp chúng ta đạt gần đến mục tiêu đề ra? Và thậm chí là những câu hỏi như liệu những mục tiêu đặt ra đã hợp lý chưa? Chúng ta đã làm tốt việc thiết lập mục tiêu chưa?…
Bà yêu cầu các cộng sự phải minh bạch trong công việc, nhấn mạnh việc thiết lập những mục tiêu đi cùng cách thức để đo lường, theo dõi tiến trình đi đến mục tiêu đó.
Lý do cho những yêu cầu này là vì Johnson "không thích sự bất ngờ ngay cả khi chúng là điều tốt".
Bà mong đợi tất cả các quản lý dưới quyền phải nắm rõ những gì đang diễn ra trong phạm vi công việc của họ và có thể mô tả, một cách chi tiết, làm cách nào để hướng tổ chức đến những mục tiêu đã thiết lập.
6. Đừng để những sự cố tác động đến bạn
Trong quá trình công tác của mình, Johnson cho biết một trong những sai lầm lớn nhất mà bà gặp phải là việc để mất hai đối tác chiến lược. Một kinh nghiệm "cực kỳ khó khăn và đau đớn cho cá nhân tôi lẫn các cộng sự thời điểm đó". Sự cố này đã luôn nhắc cô phải hết sức tập trung và trực tiếp đảm nhiệm công việc lãnh đạo của mình.
Bất ổn sẽ xảy ra khi người lãnh đạo không còn đủ sức ảnh hưởng để dẫn dắt tổ chức của mình. Lời khuyên của Johnson là "khi công việc đang không đi đúng theo lộ trình hoạch định thì đó là lúc người lãnh đạo phải bước lên để dẫn dắt tổ chức trở lại lối đi đúng".
Và bà sẵn sàng làm mọi thứ để tránh kinh nghiệm đau thương kia lặp lại, đồng thời lèo lái con tàu khéo léo.
7. Luôn nhìn về phía trước
Cha của Johnson, một một doanh nhân nổi tiếng với tư duy sáng tạo, chính là người định hình cho bà tính tò mò và tư duy đổi mới ngay từ rất sớm. Từ nhỏ bà đã say mê học hỏi, luôn hướng về phía trước và không ngừng tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.
"Đừng cho rằng câu trả lời luôn có sẵn từ một ai đó hay từ một việc gì đó. Đôi khi điều này đúng, nhưng bạn luôn phải nghĩ xa hơn nữa. Bạn phải nghĩ rằng lời giải tốt nhất cho bạn và tổ chức của bạn không hề có sẵn. Và nó tùy thuộc vào việc bạn khám phá và làm việc với đồng đội ra sao để tìm ra cách thức đi đến thành công", Johnson chia sẻ.
Theo LÂM NGHI – VY KHÁNH
Theo Doanh nhân Sài Gòn