Khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của bạn. TalentSmart đã tiến hành nghiên cứu với hơn một triệu người và phát hiện ra rằng 90% những người thành công có kỹ năng quản lý cảm xúc, giữ bình tĩnh khi chịu áp lực.
Theo nghiên cứu mới của Đại học California – Berkeley, ngày càng có nhiều người bị stress. Ở mức độ có thể kiểm soát, căng thẳng giúp não phát triển các tế bào mới, kích thích não làm việc và sáng tạo, gia tăng trí nhớ. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ có thể tàn phá sức khoẻ bạn từ thể chất đến tinh thần.
Bên cạnh việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, và béo phì, căng thẳng sẽ làm giảm khả năng nhận thức của bạn. Những nghệ sĩ nổi tiếng đã học cách đối phó với bất cứ sự căng thẳng nào xảy ra trong môi trường của họ, đảm bảo rằng họ không bị stress liên tục. Và sau đây là 9 chiến thuật đã giúp những người thành công chống lại sự căng thẳng:
1. Họ đánh giá cao những gì họ có
Chiêm ngưỡng và biết ơn những điều mình có giúp cải thiện tâm trạng, bởi vì nó làm giảm đến 23% hóc môn gây stress. Nghiên cứu tiến hành tại Đại học California, Davis tìm thấy rằng những người làm việc hằng ngày với thái độ biết ơn thì tâm trạng, năng lượng và cơ thể luôn ổn định.
2. Họ tránh hỏi “Nếu như…?”
“Sẽ như thế nào nếu như…?” là câu hỏi giống như ném thêm nhiên liệu vào ngọn lửa làm bùng lên sự căng thẳng và lo lắng. Thay vì suy nghĩ đến câu hỏi đó và chìm sâu vào lo lắng, bạn nên dành nhiều thời gian và năng lượng để kiểm soát nỗi sợ hãi của mình. “Nếu như…” chỉ là một sự việc không thực sự tồn tại, vậy tại sao bạn lại để nó gây ra thêm căng thẳng cho mình!
3. Họ luôn giữ suy nghĩ tích cực
Khi bạn suy nghĩ tích cực trong 1 phút, bạn có 1 phút không bị căng thẳng. Vì thế, bạn cần dẫn dắt những suy nghĩ của mình hướng về những điều tích cực.
Mọi thứ sẽ dễ dàng khi bạn có tâm trạng tốt. Ngược lại sẽ là một thách thức nếu tâm trí của bạn tràn ngập trong những suy nghĩ tiêu cực.
Trong những lúc quá căng thẳng, bạn có thể nghĩ về một điều tích cực đã làm trong ngày, hôm qua hay tuần trước. Hãy luôn chuẩn bị cho mình những điều tích cực để thoát ra khỏi sự căng thẳng.
4. Họ ngắt kết nối
Không khó để khiến những căng thẳng bị gián đoạn. Bạn chỉ cần tắt điện thoại, ngừng xem Facebook, không đọc báo trong lúc stress, bạn sẽ tạm cắt đứt những “nguyên liệu” gây nên sự căng thẳng.
Bạn nên tập thói quen này vào cuối tuần để não được thực sự nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian ngắn, tái tạo sức khoẻ, tâm trạng tốt lên và có thể giải quyết được mọi việc tốt hơn sau đó.
5. Họ hạn chế lượng caffeine trong thức uống của mình
Cà phê có thể kích thích sinh ra Adrenaline – đây là một cơ chế sinh tồn mà buộc bạn phải đứng lên để chiến đầu hoặc bỏ chạy khi phải đối mặt với mối đe doạ. Cơ chế này giúp bạn tư duy và phản ứng nhanh nhạy hơn. Tức là cà phê đặt não và cơ thể vào trạng thái kích thích, cảm xúc mạnh hơn.
Do đó, khi đang cảm thấy căng thẳng, bạn nên chọn một loại thức uống nhẹ nhàng, không chứa caffeine vì nó có thể khiến tình trạng của bạn thêm tồi tệ.
6. Họ ngủ
Ngủ đủ giấc là cách để tăng trí thông minh, cảm xúc và quản lý mức độ căng thẳng. Khi bạn ngủ, não bộ được nạp năng lượng. Do đó, bạn sẽ thức dậy với trạng thái tỉnh táo và sáng suốt.
Ngược lại, thiếu ngủ sẽ làm bạn mất kiểm soát, thiếu tập trung, giảm trí nhớ và gia tăng sự căng thẳng. Những dự án lớn và nhiều thử thách sẽ làm cho bạn cảm thấy như mình không còn chút thời gian nào để ngủ. Thế nhưng dành thời gian để ngủ đủ giấc mới là chìa khoá giúp bạn giải quyết tốt khối lượng công việc đó.
7. Họ không dùng các từ ngữ tiêu cực
Một cách để không gây thêm sự căng thẳng chính là loại bỏ ngay những từ ngữ hàm chứa sự thất vọng, chán nản, như: “vô nghĩa”, “không bao giờ”… Đồng thời, thay vì nghĩ ngợi lung tung, bạn hãy viết những suy nghĩ của mình ra.
Nghiên cứu cho thấy, các suy nghĩ tiêu cực thường làm mọi việc tệ hại hơn bản chất sự việc. Khi viết, bạn chỉ có thể diễn đạt lại nghĩa đen của sự việc, cụ thể hoá những điều đang suy nghĩ. Cách làm này cũng giúp bạn làm chậm đà suy nghĩ tiêu cực, bảo vệ bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
8. Họ thở
Đây là cách đơn giản nhất để làm gián đoạn các căng thẳng. Lúc này, bạn chỉ cần tập trung vào hơi thở, não của bạn sẽ bị chi phối và không bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Giữ tư thế ngồi thẳng, thoải mái, tạm tắt điện thoại và bạn chỉ việc hít thở đều đặn, theo dõi nhịp thở ra – hít vào của mình. Bạn chậm rãi đếm từng nhịp thở cho đến khoảng 20 lần, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mình có sự thay đổi. Và bất cứ khi nào bạn quên mất đã đếm đến bao nhiêu nghĩa là bạn vừa mất tập trung. Khi đó hãy bắt đầu thực hiện lại bài tập đơn giản nhưng thực sự hiệu quả cho não và tâm trạng này.
9. Họ nhờ sự trợ giúp
Chắc chắn không ai làm việc và thành công một mình. Vì thế, bạn đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ khi cần thiết.
Khi có thêm sự giúp đỡ, bạn sẽ có cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Đôi khi, sự cổ vũ tinh thần, chia sẻ khó khăn từ đồng nghiệp, gia đình cũng tiếp thêm năng lượng tích cực để bạn vượt qua khó khăn, cho bạn một cách nhìn lạc quan hơn. Và nhờ vậy sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi sự căng thẳng.
Contact us and we would love to answer any questions you may have.
Message Submitted!