Dễ nhìn thấy trên biểu đồ, đã có sự tăng vọt kể từ quý I/2010 đến thời điểm hiện tại và đây có thể coi là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ giữa năm 2009. Trước đó, ngoại hối Việt Nam từng đạt 23,9 tỷ USD vào năm 2008 và liên tục giảm cho đến 2011 trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
Hồi tháng 9, báo chí trong nước dẫn nguồn bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV cho biết, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt mốc 22-23 tỷ USD, tương ứng khoảng 11,5 tuần nhập khẩu – cao hơn cả con số cập nhật của ADB công bố.
Con số 2,4 tháng nhập khẩu đã tăng so với số liệu mà ADB cung cấp hồi tháng 4/2012. Tại thời điểm này, ADB cho biết, quý I/2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 17 tỷ USD tương đương 2 tháng nhập khẩu, tăng khoảng 3,5 tỷ USD so với con số được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào giữa năm 2011.
Còn theo báo cáo của Chính phủ cũng vào thời điểm cuối tháng 4, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã đủ thanh toán cho 9 tuần nhập khẩu – nếu tính tương ứng giá trị tuần nhập khẩu mà ADB sử dụng thì con số này vào khoảng 19 tỷ USD.
Sau đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng của ngành kế hoạch và đầu tư sáng 4/7/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "hé lộ", dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay. Và như vậy, theo Thủ tướng, từ con số 9 tỷ USD hồi cuối năm ngoái thì dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng thêm gần 10 tỷ USD chỉ trong vòng 6 tháng.
Dự trữ ngoại hối đóng vai trò quan trọng việc đánh giá tiềm lực tài chính của một quốc gia. Hầu hết các quốc gia duy trì và quản lý dự trữ ngoại hối nhằm phục vụ các mục tiêu cơ bản như thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá, duy trì tính thanh khoản của thị trường ngoại hối để hạn chế tác động tiêu cực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.
Dự trữ ngoại hối giúp duy trì lòng tin về khả năng đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ nước ngoài của nền kinh tế, khả năng hỗ trợ giá trị của đồng nội tệ, thể hiện khả năng đảm bảo tài chính của quốc gia, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đây cũng là nguồn dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp và thảm họa mang tính quốc gia.
Do vậy, trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 27/7/2012, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu chỉ tiêu tỉ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm phải đảm bảo trên 200%.
Nếu so khuyến nghị của IMF, dự trữ ngoại hối của một quốc gia nên tương đương 12 đến 14 tuần nhập khẩu, thì mức đạt được hiện tại của Việt Nam còn thấp, song so dữ liệu quá khứ thì tình hình đã được cải thiện một cách nhanh chóng và đáng kể trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, từ đầu năm đến nay đã mua vào 9 tỷ USD và cung ra thị trường 180.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nguồn dự trữ ngoại tệ trở nên dồi dào không thể không nói đến sự cải thiện trong cán cân thương mại của cả nước. Theo đó, thặng dư cán cân thương mại 6 tháng đầu năm ước tính ở mức 4 tỷ USD, so với mức thâm hụt 2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2011.
Thặng dư tài khoản thanh toán ước tính ở mức 4,8 tỷ USD, trái ngược so với mức thâm hụt 1,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Còn số liệu mới nhất cập nhật từ Tổng cục Thống kê ước tính, lũy kế 9 tháng, cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD.
Ước tính sơ bộ của ADB cũng cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ổn định ở mức 3,8 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Ngoài ra, theo dự báo của ADB, trong năm nay, thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay sẽ thấp hơn so dự báo đưa ra trước đó vì hoạt động xuất khẩu mạnh hơn dự kiến. Dự kiến thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm tới sẽ lớn hơn, mặc dù ít hơn so với dự báo 2012. Cũng theo nhận định của tổ chức này, trạng thái dự trữ ngoại hối được cải thiện sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tiền đồng ở phạm vi nhất định.
Nguồn: Dân Trí
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!