Ông đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 vừa qua?
Theo tôi, kinh tế Việt Nam 2012 đã trải qua một năm đầy khó khăn. Đây là năm bộc lộ một cách rầm rộ các căn bệnh của nền kinh tế đã tích lại từ nhiều năm trước đây.
Đầu tiên phải kể đến là nợ xấu của Ngân hàng và hàng tồn kho cao trong DN. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đóng băng và tiêu dùng người dân bị giảm sút. Tỉ lệ tồn kho không bán được trong bất động sản rất lớn. Ước tính hiện có khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng đang ứ đọng ở trong thị trường bất động sản và đang ngày càng tăng lên. Việc các thế chấp tín dụng đều gắn liền đến bất động sản khiến nhiều người đặt câu hỏi không biết khoản nợ 1 triệu tỉ còn lại bao nhiêu.
Nhiều DN không trả được nợ đã vay, gây nên căn bệnh đóng băng tín dụng. Một nền kinh tế mà tín dụng đóng băng thì không thể tăng trưởng được. Vì vậy yêu cầu cấp bách hiện tại là giải quyết nợ xấu. Phải biết nợ xấu nó là bao nhiêu, nợ xấu nằm ở đâu, ở lĩnh vực nào, ngân hàng nào, doanh nghiệp nào. Và trên cơ sở đó phải có phương án giải quyết thích hợp.
Theo cách nhận định của ông, bức tranh của nền kinh tế 2012 là rất ảm đạm?
Ảm đạm nhưng vẫn có tiềm lực và hoàn toàn có khả năng phát triển. Chúng ta vẫn có ưu thế nguồn lao động dồi dào, có nguồn vốn. Điều Việt Nam cần làm là đổi mới thể chế thị trường, phát trển nguồn nhần lực, đầu tư công, doanh nghiệp sản xuất, phân bổ lại bộ máy phân quyền ở nước ta. Nếu chúng ta tiến hành cải cách kịp thời thì vẫn còn hy vọng.
Điều quan trọng là chúng ta có muốn làm không.
Kể từ Hội nghị TƯ 3, diễn ra ngày 10/10/2011 đến nay, chúng ta đã đề cập tới tái cấu trúc đầu tư công, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tái cấu trúc Ngân Hàng nhưng chưa đạt nhiều thành công
Trong khi đó, ba lô DN Nhà nước đang ngày càng nặng. Số nợ của DN Nhà nước hiện đã rất lớn, lên tới 1,3 triệu tỉ. Tỉ lệ nợ trên tiền vốn tự có đến 10 – 12 lần. Như vậy khả năng trả nợ rất thấp. Theo công bố của Bộ Tài chính, 700 ngàn tỉ đồng tiền vốn cho DN Nhà nước hiện không đem lại chút lãi nào.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến tham nhũng, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ. Nhưng đến giờ vẫn chưa chỉ ra lợi ích nhóm của nhóm nào? Tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng ở đâu thì không ai biết.
Vậy ông đánh giá thế nào về nền kinh tế sang năm 2013?
Tôi nghĩ năm 2013 vẫn chưa phải là 1 năm phù hợp để doanh nghiệp mở rộng phát triển mà sẽ tiếp tục là 1 năm tái cấu trúc. Quá trình này sẽ còn kéo dài thêm 2,3 năm nữa mới có thể thay đổi được.
Ngoài ra, cần phải có những cải cách mạnh mẽ. Chúng ta cần thay đổi động lực phát triển, thay đổi các chính sách cải cách từ chính phủ, DN nhà nước, đầu tư công, ngân hàng và giải quyết nợ xấu.
Nếu chúng ta làm tốt thì còn có tiềm năng để tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta làm không tốt thì nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khan hơn năm 2012.
Các DN nên làm gì để chuẩn bị cho năm 2013 sắp tới?
Các DN nên tìm mọi cách để cắt lỗ, thậm chí bán dưới giá để giải quyết nợ đi để phá tan băng tín dụng.
Hiện thu ngân sách năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra nên rất khó có chuyện Nhà nước móc hầu bao ra hỗ trợ DN, vì thế các DN sẽ phải tự lo cho mình.
Đối với DN đã trải qua một năm 2012 đầy khó khăn, cần phải tự định vị lại mình đang ở đâu. Mình đang phát triển hay đang hấp hối, để từ đó điều chỉnh lại. Vấn đề mà DN phải giải quyết.
Điều chỉnh lại những gì đầu tư sai, nếu có nợ phải giải quyết nợ, cắt nợ để có thể kinh doanh được.
Nhiều lĩnh vực hiện tại có thể đầu tư được như lĩnh vực y tế và giáo dục, doanh nghiệp nên dựa vào đó để định hướng lại, tái cấu trúc để có thể tiếp tục phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Trang Lam
Theo TTVN
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!