Marissa Mayer, CEO của Yahoo!, xuất hiện trên bìa tạp chí Fortune với một vẻ ngoài hoàn hảo, cô được đưa vào danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh năm 2012.
Trong khi đó Sheryl Sandberg, người phụ nữ quyền lực thứ hai ở đế chế mới Facebook, chỉ sau nhà sáng lập Mark Zuckerberg, xuất hiện trên bìa tờ Time, với dòng tựa đề khiêu khích: "Xin đừng ghét, chỉ vì cô ấy thành đạt".
Giữ lần lượt hai vị trí 14 và 8 trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, thật khó để không đặt họ lên bàn cân và làm một phép so sánh nhỏ.
Chưa bao giờ, trong lịch sử tiếp thị nhân vật, người ta lại thấy mật độ xuất hiện của phụ nữ trước công chúng dày đặc đến thế.
Sandberg có mặt khắp mọi kênh giao tiếp công chúng. Cô xuất hiện trong tiệc ra mắt bộ phim tài liệu tôn vinh thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg cùng với cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Tim Geithner.
Hôm sau, cô ăn tối cùng với Jamie Dimon, Giám đốc Điều hành ngân hàng JP Morgan Chase. Sandberg cũng mới phát hành cuốn sách, tựa đề: "Lean in: Woman, Work and the Will to Lead", tạm dịch: Đào sâu: Phụ nữ, Công việc, Thiên hướng Dẫn đầu. Buổi giới thiệu cuốn sách này cũng được kênh CBS (Mỹ) ghi hình đến 60 phút.
Marissa Mayer cũng không hề kém cạnh đàn chị khi tự ném mình vào cuộc chiến truyền thông bằng một tuyên bố "nhân viên Yahoo! không được làm việc tại nhà".
Cả Mayer lẫn Sandberg đều nổi tiếng, xinh đẹp và tài năng, nhưng họ lại có cách thể hiện khác nhau về hình ảnh một phụ nữ thành đạt. Trong khi Sandberg cổ vũ cho hình mẫu phụ nữ mới, quyền lực nhưng cân bằng, thì Mayer, ngược lại, khẳng định hình ảnh mình là đầy sắt đá và tham vọng.
Tương đồng và khác biệt
Marissa Mayer
Trước khi trở thành những phụ nữ nổi danh như ngày hôm nay, Mayer và Sandberg đều có một khoảng thời gian đáng nhớ và thành công tại Google.
Họ xuất thân trong những gia đình trung lưu hiếu học và có điều kiện thuận lợi. Họ cũng có cùng tư tưởng là đưa ra những xu hướng mới có thể chi phối mạnh mẽ đến việc quản trị, tuy nhiên theo 2 hướng trái ngược nhau.
Trong khi Sandberg áp dụng chính sách tan sở lúc 5:30 chiều và dành thời gian sum họp bên gia đình, Mayer lại bắt buộc các nhân viên Yahoo! đang tận hưởng không khí làm việc tại nhà bao lâu nay phải có mặt ở nhiệm sở hằng ngày.
Cả 2 đều là người ôm ấp những mơ ước lớn. Nhưng trong khi Sandberg mạnh dạn từ bỏ Google và bước chân vào "đế chế mới" Facebook thì Mayer kiên trì ở lại, hy vọng tìm được một ghế trong ban quản trị. Mayer cho rằng thăng tiến sẽ đến một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cuối cùng cô cũng rời bỏ Google để đến với vị trí đầy thử thách tại Yahoo!.
Chung đáp số: Thành công
Sheryl Sandberg
Sandberg vốn là con gái út trong một gia đình có truyền thống theo nghề y. Cô là con gái của một bác sĩ, tiến sĩ nhãn khoa và là em gái của hai bác sĩ khác.
Trong gia đình mọi người đều làm ngành y, Sheryl quả là một trường hợp đặc biệt: Cô học Trường Kinh doanh Harvard, khởi nghiệp tại Ngân hàng Thế giới, dưới quyền của Larry Summers và sau này tiến thẳng vào Bộ Tài chính Mỹ.
Sandberg sau đó từ chính trường chuyển hướng sang kinh doanh, cũng thành công rực rỡ như tất cả những công việc khác cô đã làm.
Trong thời gian làm việc tại Google, Sandberg tham gia quản lý doanh số bán hàng toàn cầu và phát triển kinh doanh nhằm biến Google thành một cỗ máy in tiền.
Mayer, ngược lại, xuất thân là một thạc sĩ khoa học máy tính của Đại học Stanford và là thế hệ kỹ sư công nghệ nữ đầu tiên của Google. Cô đã làm việc cho hãng công nghệ này ngay sau khi tốt nghiệp.
Cha cô cũng là kỹ sư. Cô tham gia các dự án phát triển sản phẩm. Mayer không ngại làm việc mỗi tuần tới cả trăm giờ và có một niềm say mê đặc biệt với công việc.
Trong khi Sandberg xây dựng một hình ảnh mềm mỏng, tôn vinh nữ quyền, thì mặc dù nhỏ hơn 7 tuổi, Mayer lại tự xếp mình vào một thế hệ khác và không xem mình là một đại diện của nữ quyền.
Cô cho rằng, "nữ quyền" là một từ rất tiêu cực. Trong khi Sandberg dành nhiều thời gian và tâm huyết thay đổi thế giới, thì ngược lại, Mayer dành phần lớn thời gian vào việc tập trung phát triển Yahoo!. Cô nói: "Thứ tự ưu tiên của tôi là Chúa, gia đình và Yahoo!".
Mayer đã bị rất nhiều áp lực khi yêu cầu nhân viên Yahoo! phải có mặt tại văn phòng thay vì làm việc tại nhà. Cô đã tạo ra một tiền lệ được xem là đẩy cao sự ức chế nhân viên, đi ngược xu thế chung.
Thế nhưng, gần đây sức ép này đã giảm bớt, khi có một công ty như Best Buy cho biết sẽ đi theo con đường của Yahoo! và cho rằng đây là một quyết sách đúng.
Khi chiêu mộ Mayer, ban điều hành Yahoo! đã đưa ra yêu cầu duy nhất: "Làm tất cả những gì có thể để đảo ngược tình hình ở Yahoo!". Và nỗ lực của cô đã được đền đáp xứng đáng khi giá cổ phiếu kể từ đó đã tăng tới 45%.
Hai người phụ nữ, hai cách nhìn, hai cách tiếp cận. Tuy nhiên, họ đều rất thành công và đang ngày càng khẳng định rõ hơn vị trí của mình, không chỉ tại nơi mà họ làm việc, mà còn với công chúng.
Nguồn: NCĐT