Ngôi đền Phật giáo Borobudur – một trong những di tích lớn của đất nước Hồi giáo Indonesia
Ngày 23/5 vừa qua Chính phủ Indonesia vừa tuyên bố nước này đã tiếp tục mở rộng lệnh cấm khai thác gỗ để bảo vệ rừng nhiệt đới. Trong những năm gần đây, Indonesia đã ký nhiều lệnh cấm tương tự và thu về hiệu quả rõ rệt khi diện tích rừng bị phá hủy hàng năm của Indonesia đã giảm mạnh (Diện tích rừng bị phá hủy từ 1.125.000 m2 năm 2010 xuống còn 450.000 m2 năm 2012. )
Tổ chức Greenpeace đã nhiều lần cảnh báo Indonesia về nạn chặt phá rừng nguyên sinh tràn lan tại quốc gia này. Việc chặt phá rừng đang hủy hoại môi trường và làm mất nơi sống của nhiều loài thú quý hiếm, trong đó có đười ươi.
Tuy nhiên, sau khi nghe tuyên bố mới này của Chính phủ Indonesia, thay vì ủng hộ nhiệt tình, Greenpeace lại bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" rằng, những lệnh cấm của Chính phủ Indonesia vẫn khó ngăn được hoạt động thực tế của các công ty khai thác.
Mặc dù chưa được áp dụng, lệnh cấm này lại vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các công ty khai thác gỗ địa phương. Thậm chí họ còn cho biết sẽ kiện Chính phủ Indonesia nếu tiếp tục cương quyết với chính sách này.
Để có thể phản ứng quyết liệt như vậy, tiềm lực của các "công ty địa phương" cũng không phải là nhỏ. Tại đảo quốc nơi mà những tỷ phú giàu nhất tập trung tại hai lĩnh vực thuốc lá và cọ dầu, có lẽ khó có chuyện người ta gạt bỏ hàng chục tỉ USD để bảo bảo vệ đời sống cho đười ươi.
Indonesia từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia trù phú, nhiều tài nguyên, và các tỷ phú Indonesia cũng lớn lên từ việc khai thác sự màu mỡ này. Thậm chí, nếu xét về độ giàu, cả về lượng và chất thì các tỉ phú Indonesia còn có nhỉnh hơn nền kinh tế lớn nhất khu vực Singapore. Cách thức làm giàu của họ cũng khác. Trong khi các tỉ phú Singapore phần lớn giàu lên nhờ vào bất động sản và ngân hàng thì tại Indonesia, thuốc lá và cọ dầu mới là "món tủ".
Indonesia mới là nước có nhiều tỉ phú nhất Đông Nam Á
Rất nhiều tỉ phú Indonesia làm giàu nhờ thuốc lá và dầu cọ
Nhìn qua những tỉ phú có tài sản dẫn đầu Indonesia ta đều thấy có tham gia vào hai ngành này. Anh em R.Budi và Michael Hartono – 2 người giàu nhất Indonesia là ông trùm trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá với thương hiệu thuốc lá Djarum. Cùng với thuốc lá, anh em Hartono cũng tham gia vào lĩnh vực cọ dầu, ngân hàng, trung tâm thương mại và cả viễn thông. Năm ngoái, tài sản của họ đạt 15 tỉ USD.
Susilo Wonowidjojo, tỉ phú giàu thứ ba với khối tài sản 7.4 tỉ USD cũng sở hữu PT Gudang Garam, một trong những tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn nhất quốc gia này. Năm ngoái, tài sản của Sulio đã sụt giảm mạnh, mất hơn 3 tỉ USD, chủ yếu là do việc đánh mất thị phần thuốc lá tại Indonesia và việc bị cấm bán tại Mỹ.
Nếu tỉ phú giàu số một và số ba Indonesia sản xuất thuốc lá thì người giàu thứ hai, Eka Tjipta hiện là chủ sở hữu của nhà máy sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới với diện tích trồng cọ của nó lên tới hơn 450.000 ha. Bất chấp những chỉ trích của Greenpeace, Golden Agri – Resource, tập đoàn của Eka Tjipta vẫn làm ăn rất tốt. Tài sản của ông trùm dầu cọ năm ngoái đạt 7.7 tỉ USD.
Có thể kể thêm một vài cái tên khác trong lĩnh vực này như Salim Anthoni, người giàu thứ 4 Indonesia, bên cạnh doanh thu chính từ mì ăn liền hiện cũng đang nắm giữ trên 1.000 km2 đồn điền cọ dầu và khai thác gỗ. Sukanto Tanoto, người đang có 2,8 tỉ USD hiện sở hữu công ty dâu cọ Asian Agri và nhà máy làm giấy Asia Pacific Resources International.
Khai thác than – một ngành cũng phá hoại môi trường không kém cũng đã từng rất phát triển tại Indonesia và đem lại nhiều tỉ USD. Tuy nhiên, những năm ngành này đang sụt giảm mạnh khi giá than lao dốc và nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh. Low Tuck Kwong, tỉ phú trong lĩnh vực khai thác than đã mất tới 46% tài sản của mình trong năm 2012 và chỉ còn 2 tỉ USD.
Tải sản của những người giàu nhất Indonesia theo số liệu của Forbes
(đơn vị: tỷ USD)
Một điểm thú vị là tương tự Singapore, nhiều tập đoàn lớn tại Indonesia cũng do các đại gia đình quản lý. Ngoài top 4 gia đình dẫn đầu danh sách, có thể kể đến gia đình Boenjamin Setiawan hoạt động trong ngành dược hay gia đình Mochtar Riady hoạt động đa ngành.
Đặc biệt hơn, rất nhiều trong số các gia đình này có gốc Hoa. Người gốc Hoa dường như đang thể hiện "tài làm ăn" của mình khi cả R.Budi, Eka Tjipta và Susilo – 3 người giàu nhất Indonesia đều là người gốc Trung Quốc nhập cư.
Trang Lam
Theo Trí Thức Trẻ