Sinh viên ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng tham gia giao lưu
Bà Phan Tuyết Mai, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn nhấn mạnh: "Đây là lần thứ hai các SV Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận với tư tưởng, quan điểm kinh doanh của Lương Văn Can – "Người thầy của giới doanh nhân" – người đã có nhiều tư tưởng tiến bộ về kinh thương và cổ súy cho đạo làm giàu phù hợp với đạo lý của dân tộc.
Các anh chị doanh nhân đi trước rất mong muốn góp phần truyền bá tư tưởng làm giàu có đạo đức trong kinh doanh, phụng sự đất nước cho SV và tạo ra một lớp doanh nhân trẻ trong tương lai lấy tư tưởng của danh nhân Lương Văn Can làm nền tảng đạo đức. Bên cạnh đó, giải thưởng này đã thổi bùng lên nơi các bạn SV mong ước biến ý tưởng kinh doanh sáng tạo thành hiện thực và quyết tâm vượt khó khăn, thử thách để mạnh dạn bước vào thương trường".
Các doanh nhân – diễn giả của chương trình
Tiến sĩ Đoàn Gia Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng ghi nhận: "Doanh nhân TP. Hồ Chí Minh luôn là một hình ảnh đẹp về những người đi đầu trong thương trường, nỗ lực vượt khó. Sự thành công của nhiều doanh nghiệp thành phố đã đi vào các bài giảng, hội thảo của sinh viên các chuyên ngành. Các cuộc giao lưu và cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can là một sáng kiến rất hay giúp cho các SV kinh tế có dịp tiếp cận học hỏi kinh nghiệm, trao đổi những vướng mắc về quá trình khởi nghiệp kinh doanh trong tương lai".
Các sinh viên nghèo vượt khó học giỏi được nhận học bổng Doanh nhân Sài Gòn
Chủ đề "Văn hóa ứng xử khi khởi nghiệp" được SV hào hứng khai thác, chất vấn, xin ý kiến, kinh nghiệm với các doanh nhân. Trước những băn khoăn về quá trình đào tạo rộng, làm sao để lựa chọn chuyên ngành sâu, ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ với các em những kinh nghiệm tâm huyết trong sự nghiệp kinh doanh – sáng tạo của mình: "Nếu cứ lẩn trốn thất bại, sợ hãi rủi ro thì không bao giờ bạn có được thành công trong cuộc sống. Hãy đối mặt và vượt qua nó bằng niềm tin vào con đường bạn đã chọn". Ông Mười cho biết, Vissan luôn mở rộng cửa cho sinh viên vào thực tập, rèn luyện kỹ năng, trau dồi văn hóa.
Hãy đi làm thuê để có kinh nghiệm trước khi khởi sự một dự án cá nhân; trau dồi kỹ năng sống, giao tiếp, tổ chức công việc là lời khuyên chân thành và rất thực tế của những doanh nhân đi trước.
Sinh viên tiếp tục tìm đến doanh nhân, mong được trao đổi thêm những điều còn băn khoăn
SV miền Trung vốn có truyền thống tinh thần vượt khó cao và rất ham học hỏi. Tại buổi giao lưu, nhiều SV đã đặt những câu hỏi hay như: Làm sao để quản trị rủi ro cho các dự án còn non trẻ của sinh viên? Làm sao để tiếp cận môi trường kinh doanh tốt ở các tập đoàn lớn? Tại sao các doanh nghiệp ít giúp đỡ SV thực tập và người mới có bằng tốt nghiệp nhưng chưa có kinh nghiệm công việc?…
Sau gần ba giờ đồng hồ giao lưu chính thức, thời gian đã hết, nhưng SV vẫn tìm đến các doanh nhân để tiếp tục trao đổi thêm những điều các em thắc mắc. Từng nhóm doanh nhân – SV vẫn nán lại trên sân trường. SV Phan Thi Công nói rất chân tình: "Chúng em đã dự cuộc hội thảo của các doanh nghiệp tổ chức, nhưng đa số là những buổi giới thiệu, P.R cho doanh nghiệp hoặc sản phẩm. Hiếm có một cuộc giao lưu như hôm nay để chúng em được tiếp cận và được giải đáp các vấn đề khởi nghiệp không hề có trong sách vở. Ví dụ như về đạo làm giàu của danh nhân Lương Văn Can chúng em hoàn toàn chưa biết. Em tin rằng việc tham gia cuộc thi Tài năng Lương Văn Can sẽ giúp cho các thí sinh lớn lên sau mỗi dự án".