ADB: Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam
Ổn định vĩ mô
 
ADB nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã ổn định trong năm 2012 nhờ việc thắt chặt chính sách đã kiềm chế lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán. Tăng trưởng kinh tế chậm lại dẫn đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm ngoái, song hoạt động tín dụng vẫn bị hạn chế do những tồn tại của hệ thống ngân hàng.
 
Tăng trưởng GDP trong năm 2012 giảm xuống 5,0%, mức thấp nhất trong 13 năm, do các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ trong năm 2011 tiếp tục có tác động sang năm 2012. Mặc dù làm giảm kết quả tăng trưởng, song các chính sách này đã đạt được mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái, góp phần đạt thặng dư cán cân vãng lai ở mức kỷ lục và khôi phục dự trữ ngoại hối.
 
Tuy nhiên, tiến bộ trong việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng hay giải quyết nợ xấu rất hạn chế. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 13,6% trong tháng 1/2013 so với 14,6% trong tháng 4/2012. Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức sàn 9% theo quy định của cơ quan quản lý, song trạng thái vốn của các ngân hàng có thể yếu hơn so với báo cáo nếu họ đánh giá chưa đầy đủ mức độ nợ xấu và không trích lập đủ dự phòng.
 
Báo cáo của chính phủ cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Về chính sách tài khóa, chính phủ duy trì mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2013 là 4,8% GDP. Trong tháng 1, chính phủ cho phép các DN nhỏ và vừa và các DN thâm dụng lao động được hoãn nộp thuế thu nhập DN và thuế GTGT, đề xuất hỗ trợ và giảm thuế để phục hồi thị trường bất động sản. Khả năng cung cấp gói kích thích tài chính lớn hơn bị hạn chế bởi nợ công, hiện nay đã tăng lên đến 55% GDP, và các nghĩa vụ nợ tiềm tàng nằm ở các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại.
 
Kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng ở Trung Quốc và một số thị trường khác trong năm nay, và dự báo tăng trưởng của một số nước công nghiệp lớn trong năm 2014.
 
30.000 tỷ đồng chưa xoay chuyển được thị trường bất động sản
 
Cân nhắc tình hình hiện nay, ADB dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2013 ở mức 5,2%, và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển trong năm 2014. Lạm phát dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trong năm nay, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014. Dự báo này dựa trên giả định thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá hối đoái so với tiền đồng nhìn chung ổn định, và các chính sách kích thích có kiềm chế.
 
Việc làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại sẽ mở đường cho việc tăng cường mạnh mẽ hoạt động tín dụng. Sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt. Về vấn đề này, vào tháng 1/2013 Chính phủ đã công bố một gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp tinh giản quy trình cấp giấy phép xây dựng.
 
Tuy nhiên, đại diện ADB cũng đánh giá rằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp được rót vào bất động sản sẽ không phải là một động thái làm xoay chuyển thế cục của thị trường này mà chỉ có ý nghĩa với một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể.
 
"Đó sẽ là bước đi tích cực giúp người có thu nhập thấp tiếp cận tốt hơn với nhà ở. Nhưng nếu đặt vấn đề là 30.000 tỷ đồng này có giải cứu được thị trường bất động sản thì tôi e là không. Vì hiện tồn kho bất động sản ở phân khúc cao cấp là rất lớn, cho nên việc tăng nhu cầu của phân khúc thu nhập thấp sẽ không phải là câu trả lời cho vấn đề của thị trường", ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết.
 
Bất chấp những quan ngại, ADB đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Minh chứng cho điều này là sự gia tăng FDI từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh giành FDI ngày càng tăng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là cạnh tranh đến từ Indonesia.
 
Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại lên đến 7% – 8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện kịp thời và cương quyết các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và cải thiện các khía cạnh khác của môi trường đầu tư.
 
(Theo Vnmedia)
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928