Đánh giá về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 "Trên đường gập ghềnh tới tương lai" do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố ngày 27/5, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa hoài nghi: ngoài các khía cạnh do chuyên gia phân tích thì liệu còn một sự ảo tưởng, chủ quan, chiến lược đề ra một đường, chiến thuật lại đi một nẻo, kỷ luật yếu kém trong cách đề ra chính sách và điều hành nền kinh tế của chúng ta hiện nay hay không?
Theo Ts. Võ Đại Lược – Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương: "Các tác giả cho rằng năm 2012 kinh tế Việt Nam có chiều hướng xấu đi, năm 2013 chưa có dấu hiệu tốt lên. Nhưng vấn đề mức độ về tình hình xấu đang ở mức nào? Ví dụ, xấu hơn 2011 một chút thôi, hay xấu đến mức suy thoái, thậm chí đình lạm?
Một số chuyên gia nhận định tình hình kinh tế hiện nay không chỉ xấu đi, không phải gập ghềnh ở chỗ "nhô lên", mà nhỡ vào điểm "rơi xuống" thì sẽ ra sao? Nếu đánh giá thực thì mới có giải pháp đúng; nếu không, chúng ta mới chỉ đánh giá ở mức có suy giảm, và như thế giải pháp đưa ra sẽ không phù hợp".
Thiếu thông tin "chuẩn", số liệu sẽ "lơ mơ"
Ngoài ra, ông Lược cho rằng nhóm tác giả cần có phân tích các giải pháp hiện nay của Chính phủ. Chẳng hạn, giải pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Nếu nhìn lạm phát 3 tháng đầu năm 2013 xuống thấp là thành công, thì tính toán tại sao Chính phủ lại có thể làm cho giá giảm xuống như vậy; Chính phủ không phải làm gì mà chủ yếu do tổng cung và tổng cầu tự giảm. Hay đánh giá giải pháp về công ty xử lý nợ xấu được thành lập: liệu cơ chế hoạt động của nó có thể xử lý được không?
Đây là một câu hỏi mà nhiều ý kiến còn nghi ngại. Bởi trên thực tế, để xử lý nợ xấu vào năm 1998, Indonesia phải mất 50% giá trị GDP cho vấn đề này, đi theo đó là hàng loạt ngân hàng thương mại phải phá sản. Gần như Việt Nam không có sự trả giá đấy, như thế có xử lý được vấn đề nợ xấu hay không?
Vẫn theo ông Lược, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn ổn định tỷ giá, vấn đề này có tác động gì không? Trong Báo cáo, nhận định về chính sách này cơ bản là đúng đắn. Liệu có thực sự đúng đắn không khi chính sách lãi suất trần cho vay tự do, thể hiện tính hành chính rất mạnh. Bên cạnh đó, NHNN vừa trực tiếp kinh doanh và độc quyền vàng đã đẩy giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhau cao như vậy thì đúng hay không đúng?.
"Cũng cần phải có phân tích về tái cơ cấu của Chính phủ. Về mảng này, trong Báo cáo phân tích vẫn còn rất "mờ nhạt". Nếu phân tích tất cả các giải pháp này thì thấy rằng tình hình có vẻ rất nghiêm trọng nhưng khi đưa ra giải pháp lại rất "bình thường", thậm chí dưới mức bình thường", ông Lược nói.
Còn theo Ts. Lê Xuân Nghĩa: "Chắc chắn Báo cáo thường niên không thể nói hết các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam được, mà phải lựa chọn chủ đề. Tuy nhiên, trong chọn chủ đề lại gặp phải hạn chế, có thể có những chủ đề rất hay nhưng lại thiếu thông tin để phân tích, đánh giá một cách chuẩn xác, mà chỉ có thể nhận định một cách "lơ mơ". Vì vậy, tôi rất thông cảm với nhóm tác giả chọn chủ đề như vậy là vừa phải".
FDI "xách tai" kinh tế Việt Nam đi lên
Năm 2013 là năm vô cùng quan trọng, đây là lúc Việt Nam cần xem xét vấn đề thương mại công bằng và thực hiện luật chống hạn chế cạnh tranh của Việt Nam. Ông Nghĩa sợ rằng: "Chúng ta "loay hoay" xử lý xong nợ xấu, tiền tệ, lạm phát…, đến khi "quay lại" thì công nghiệp Việt Nam chẳng có gì. Tức là, dường như bị các doanh nghiệp (DN) quốc doanh lớn, DN nước ngoài lớn "giết chết", một số ngành kinh tế, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong các ngành như: thức ăn gia súc, hóa mỹ phẩm, đồ uống, bánh kẹo… sẽ bị xóa sổ trên bản đồ công nghiệp của Việt Nam".
Vẫn theo ông Nghĩa, Báo cáo đề cập khá chi tiết về hiệu ứng kinh tế, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, muốn Báo cáo đề cập sâu hơn vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như thế nào đến chính sách của Việt Nam: "Chúng ta thấy rất rõ khi vào WTO thì tăng trưởng lại thấp hơn, lạm phát thì tăng lên gấp đôi chu kỳ trước đó. Điều này cho thấy Việt Nam bị rơi vào hiện tượng mà người Mỹ gọi là hiệu ứng "phởn phơ".
Có nghĩa tự thấy mình giàu lên quá dễ, giống như các DN của Việt Nam thấy mình quan hệ với chính quyền, "kiếm" được vài mảnh đất và tự nhiên thấy mình trở thành "đại gia" một cách dễ dàng. Tương tự, Chính phủ thì thấy đầu tư FDI vào thì thu được đủ thứ tiền từ thuê đất đai, văn phòng… rồi hỗ trợ thị trường trong nước mạnh lên, và cũng tự cảm nhận Việt Nam giàu lên quá nhanh. Do đó, chúng ta đã bị rơi vào hiệu ứng "phởn phơ" ngay trong quá trình hoạch định chính sách".
"Nhìn nhận lại tất cả các mục tiêu đề ra đều nằm trên hội chứng "phởn phơ". Đấy là tư duy trưởng giả mới nổi, nhờ có tác động nhất định của đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế", ông Nghĩa cho biết.
Đánh giá về tác động của FDI, ông Nghĩa cho rằng 2 làn sóng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam có tác động "xách tai" kinh tế Việt Nam từ dưới "bùn đen" lên: "Đầu tiên là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, yếu tố nước ngoài đã "lôi" chúng ta dậy từ cuộc khủng hoảng đó. Lần này, Việt Nam cũng gặp phải cuộc khủng hoảng mà do chính mình gây ra, tất nhiên cũng có sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Tôi có cảm tưởng, yếu tố đầu tư nước ngoài trong năm 2012 – 2013 đang có tác dụng "xách tai" nền kinh tế Việt Nam để kéo lên".
Ts. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
————————————
Báo cáo cần phải chú ý phân tích thêm về những giải pháp dài hạn và ngắn hạn để giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Đặc biệt phải biết kết hợp khéo léo cả 2 giải pháp này, cân bằng cải cách để có thể ứng cứu các DN đang gặp khó khăn và tập trung vào tái cơ cấu các DN nhà nước. Nhóm tác giả đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu (XK), hàm ý phụ thuộc nhiều hơn vào bên ngoài, từ đó đã đặt ra bài toán chính sách cho khu vực XK, bởi trong thời gian qua, thế mạnh XK của Việt Nam vẫn đang thuộc về khu vực FDI.
Ts. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
————————————
Dự báo của VEPR là "quá an toàn". Tác động vĩ mô không chỉ dựa vào bên cầu mà cả bên cung, và các câu chuyện xóa đói giảm nghèo không chỉ là ngân sách mà cả là tín dụng. Rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ. Ngoài ra, "bẫy" tự do hóa thương mại trong WTO chính là việc chỉ thuần túy so sánh lợi thế tĩnh với lao động giá rẻ, mà quên đi sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc cũng như mạng sản xuất toàn cầu, đồng thời sự dịch chuyển ở khu vực Đông Á, trong đó có ASEAN cũng như Việt Nam.
Ts. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế
————————————
Tình hình kinh tế trong năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn, các giải pháp ngắn hạn có thể giải quyết được tạm thời những vấn đề gặp phải, nhưng cần thiết phải có một kế hoạch lâu dài để những vấn đề nan giải, như: nợ xấu, thị trường bất động sản… được giải quyết một cách triệt để. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nghiên cứu kỹ hơn về nợ công ở châu Âu và các giải pháp giải quyết. Vì bài học từ khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển nhìn qua thì có thể xa vời, nhưng là bài học thiết thực mà Việt Nam cần phải chú trọng. Bên cạnh đó, Báo cáo chưa đề cập đến vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế Việt Nam, đó là khoản nợ lên đến 1.334.000 tỷ đồng của các DN nhà nước.
Theo Việt Nguyễn
Thời báo kinh doanh