Ngày 12/7, Ngân hàng thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm.
Đại diện WB, ông Deepak Mishra cho rằng, việc tăng lương tối thiểu, cùng với việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện,… sẽ là những yếu tố chính đẩy lạm phát năm 2013 tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của chính phủ.
Tuy nhiên, ông Deepak nhận định, duy trì mức lạm phát một con số vẫn có thể coi là thành công của chính phủ.
Cùng với lạm phát, bản báo cáo không cho thấy kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn. WB nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng hơn 5% trong ít nhất là 2 năm tới. Đây là giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi đất nước ta bắt đầu đổi mới. Một điểm đáng chú ý là quá trình này diễn ra ngay cả sau khi nền kinh tế thế giới đã bước ra khỏi khủng hoảng và đang ấm dần lên.
So sánh với các nước trong khu vực, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng giảm xuống thời kỳ hậu khủng hoảng.
"Rất đáng lo ngại khi chỉ số GDP của chúng ta thấp hơn những quốc gia lân cận như Malaysia, Thái Lan hay Phillipines. Bản thân những quốc gia này đã có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam rồi, thế nhưng tỉ lệ tăng trưởng GDP của họ cũng cao hơn", ông Deepak cho biết.
Ba vấn đề lớn mà nền kinh tế trong nước vẫn đang vướng phải đó là thâm hụt ngân sách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập. Riêng lĩnh vực cải cách DNNN, từ khi Chính phủ đề ra chủ trương cải cách khu vực này đến nay đã được 2 năm, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất hạn chế. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lo nhất nhưng cuộc khủng hoảng hệ thống đã tạm thời được đẩy lùi.
Bên cạnh những tín hiệu không tốt, WB cũng đưa ra nhiều xu hướng tích cực của nền kinh tế. Rõ ràng nhất là cán cân thanh toán của Việt Nam đang tương đối vững chắc, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng đa dạng hơn, các mặt hàng nguyên liệu như gạo, dầu thô không còn chiếm tỉ trọng cao như trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài dù thể hiện thái độ lo lắng nhưng vẫn lạc quan về tương lai. Theo khảo sát về triển vọng kinh doanh ASEAN 12/13 của AmCham Singapore và phòng thương mại Mỹ tổ chức, Việt Nam vẫn là quốc gia số 1 trong khu vực với 57% số phiếu bình chọn.
"Có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang là một bức tranh hỗn hợp với những điểm sáng tối lẫn lộn. Trong khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng vừa phải trong trung hạn, việc chậm thực hiện các cải cách về cơ cấu sẽ bào mòn niềm tin của nhà đầu tư và khiến triển vọng tăng trưởng ngày càng xấu đi", ông Deepak cho biết.
Trần Dũng
Theo Trí Thức Trẻ