Tiếp tục mở đường đón doanh nghiệp Nhật Bản

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của nước ta. Theo nhận định của một số cơ quan, trong thời gian tới nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là mới đây Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Chọn Việt Nam
 
Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho biết, tính đến tháng 6-2013, cả nước có 15.067 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 218,8 tỷ USD; trong đó Nhật Bản có 1.990 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 32,6 tỷ USD, đứng đầu trong số các nước đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam và cách xa các nước trong khu vực về số vốn đầu tư. Theo các chuyên gia kinh tế, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng là một tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. 
 
TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút số lượng dự án của nhà đầu tư Nhật Bản. Đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho rằng, nhìn chung đa số dự án đầu tư của Nhật Bản vào TP hoạt động rất tốt. Nhiều dự án sau khi hoạt động được một thời gian đều xin mở rộng đầu tư. Với tình hình đầu tư của Nhật Bản tại TPHCM thời gian qua và những chính sách cải thiện môi trường đầu tư của TP, cũng như của cả nước, trong thời gian tới nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào nước ta nói chung và TPHCM nói riêng sẽ còn tăng cao. Nằm trong nhóm các địa phương thu hút nhiều dự án và vốn đầu tư Nhật Bản, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều lượt doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến Đồng Nai tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cụ thể, có 20 dự án của DN Nhật Bản được cấp phép đầu tư 6 tháng đầu năm 2013 với tổng vốn 183,5 triệu USD, chiếm 54,2% tổng vốn thu hút mới 6 tháng đầu năm 2013.
 
Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư
 
Liên quan đến nhà đầu tư Nhật Bản, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp là sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; môi trường và tiết kiệm năng lượng; điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản và đóng tàu thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Các ngành được ưu tiên phát triển trong chiến lược công nghiệp hóa giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của DN trong và ngoài nước, trước hết là DN Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
 
Quan điểm chiến lược công nghiệp hóa là đóng góp vào thực hiện chính sách phát triển công nghiệp tổng thể của Việt Nam, tập trung vào phát triển sáu ngành công nghiệp ưu tiên đã chọn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam và sử dụng hiệu quả để tạo ra những ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế. Chiến lược công nghiệp hóa phải tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam; tạo dựng và củng cố liên kết sản xuất giữa DN Nhật Bản và DN trong nước; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam…
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm cải thiện nền kinh tế, cải tiến xúc tiến đầu tư trong thời gian tới đối với Nhật Bản, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trong sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn V. Đồng thời tăng cường kết nối với các hiệp hội, địa phương của Nhật Bản; nâng cao hiệu quả của các mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản; tăng cường xúc tiến đầu tư chuyên đề tập trung vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên hợp tác. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đã được phép đầu tư triển khai việc kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả. 
 
Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho biết, sắp tới sẽ chú trọng kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực cơ khí, điện tử… Xúc tiến thành lập khu kỹ nghệ Việt- Nhật ở Khu công nghiệp Hiệp Phước nhằm thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật cao trong lĩnh vực cơ khí. Ngoài ra, sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản; kết nối với cơ quan ngoại giao để giới thiệu các khu đất có tiềm năng cần thu hút đầu tư. Với nhiều nỗ lực và hàng loạt giải pháp, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong tương lai.
 
 
 
"Trong 3 năm gần đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng rất mạnh. Năm 2012, vốn đầu tư Nhật Bản chiếm hơn 50% vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam"
Ông Nguyễn Bá Cường 
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư)
 
 
 
Theo ĐÌNH LÝ
 
Sài Gòn giải phóng
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928