Hợp tác kinh tế Việt – Nga: Hướng tới kim ngạch thương mại 20 tỷ USD

DN Việt Nam vẫn nhiều do dự
 
4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Nga dự kiến đạt được trong năm 2013 là con số quá nhỏ so thị trường Nga 130 triệu dân và Việt Nam hơn 90 triệu người. Chưa kể, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, hợp tác, phát triển. Đây là nhìn nhận của Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Igor Ivanovich Shuvalov về mối bang giao kinh tế giữa hai nước Việt Nga.
 
Điều này được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thừa nhận. Theo ông, kim ngạch thương mại giữa hai nước còn rất thấp nếu so với doanh số xuất khẩu 130 tỷ USD dự kiến đạt được năm nay của Việt Nam. Còn ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho biết, trên thực tế, nhiều DNNVV của Việt Nam rất quan tâm đến việc đầu tư, kinh doanh tại thị trường Nga. Nhưng đa số họ vẫn còn do dự hoặc chưa tìm được cách tiếp cận với thị trường này.
 
Một số khó khăn, vướng mắc mà DN Việt Nam thường gặp là khó tiếp cận đầu mối cung cấp thông tin thị trường, vùng kinh tế, ngành hàng; khó tiếp cận các thông tin cụ thể, chi tiết và hướng dẫn về hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng nhập khẩu…
 
Bên cạnh đó, phương thức thanh toán cũng chưa thuận lợi cho hai bên, do phần lớn DNNVV của Nga vẫn giữ thói quen thanh toán trực tiếp, rất ít DN thanh toán theo phương thức mở L/C. Đồng thời, Nga cũng áp dụng các rào cản thương mại và phi thương mại nhằm hạn chế hàng nhập khẩu. Thủ tục xin cấp thị thực vào Nga còn phức tạp, chi phí cao, thời hạn thị thực ngắn…
 
Nhìn sang đầu tư trực tiếp của Nga vào lãnh thổ Việt Nam cũng khá khiêm tốn. Tính đến cuối tháng 8/2013 mới có 92 dự án của DN Nga đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 19 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Còn Nga là nước đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 17 dự án, tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
 
Kéo “sở trường” của Nga vào Việt Nam
 
“Hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cần phải được thúc đẩy hơn nữa để tương xứng với tiềm năng…”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. Ông cho biết, Việt Nam được đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn và triển vọng nhờ có sự ổn định về chính trị xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn lao động trẻ, sáng tạo chi phí thấp và đặc biệt là sự kết nối chặt chẽ của thị trường Việt Nam với 600 triệu dân của khu vực ASEAN.
 
Chính phủ Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất nhằm cải cách kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho nhà đầu tư. “Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam khuyến khích nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ…”, Phó Thủ tướng gợi ý hướng hợp tác.
 
Để DN Nga hiểu rõ hơn về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã giới thiệu riêng về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng… mà DN Nga có thế mạnh. Theo ông, hiện mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình trên 7%/năm trong giai đoạn 2010 – 2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15%/năm.
 
Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm cả về công nghệ kỹ thuật và quản lý trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ dầu thô quốc gia.
 
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, Chính phủ Việt Nam đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho sản xuất điện và giao thông, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng, phát triển năng lượng nguyên tử…
 
Trong lĩnh vực khai khoáng, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản; thực hiện thí điểm việc đấu giá quyền khai thác mỏ, rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi; đẩy mạnh việc đổi mới và hiện đại hoá công nghệ, thiết bị khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo khai thác tiết kiệm, tối đa tài nguyên, chế biến sâu khoáng sản để gia tăng giá trị kinh tế… Đây là lĩnh vực Việt Nam đang rất cần sự hợp tác từ phía DN Nga.
 
Ông Igor Ivanovich Shuvalov:
Chính phủ Liên bang Nga cho rằng, Việt Nam cần phải trở thành một đối tác quan trọng không chỉ chính trị mà cả kinh tế thương mại. Hiện chúng ta đã có mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 20 tỷ USD vào năm 2020. Chúng tôi đã nỗ lực và sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt dược mục tiêu này mà một trong những giải pháp thực hiện là thành lập liên minh kinh tế Á – Âu để đi vào hoạt động từ 2015, tiếp đó là ký kết các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ liên minh này với Việt Nam, đàm phán với Việt Nam tham gia liên minh thuế quan… Với Hiệp định này, cái lợi với Nga là thêm nhiều cơ hội đầu tư lâu dài vào nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các dự án công nghiệp dầu khí, năng lượng. Chúng tôi khẳng định Nga là đối tác đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực này và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Ông Phạm Gia Túc:
VCCI cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Nga nhằm hỗ trợ DN Việt Nam thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và đầu tư tại Nga, đặc biệt là hỗ trợ tư cách pháp nhân, thành lập DN và văn phòng đại diện tại Nga. Tuy nhiên, những hoạt đồng này dường như chưa đủ sức giải quyết khó khăn nội tại trong quan hệ thương mại đầu tư song phương. VCCI đề nghị hai bên cần xây dựng khung khổ pháp lý để cơ quan chính quyền địa phương của Nga ủng hộ và tạo điều kiện cho DN Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại Nga thuận lợi, khắc phục khó khăn, cản trở về thủ tục hành chính.

 

Theo Trần Hương

Thời báo Ngân hàng
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928