* Theo quan điểm của ông, đâu là lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam kém thế trên sân nhà?
– Ngành logistic của Việt Nam có quá nhiều công ty nhỏ, thậm chí nhiều công ty có ít hơn 20 người. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận quá nhỏ của lĩnh vực này không cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tích lũy đủ tài chính để phát triển nguồn lực.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài với khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói đã khống chế toàn bộ thị phần và chỉ để lại cho doanh nghiệp Việt Nam những phân đoạn đơn giản như: vận chuyển gần, làm thủ tục hải quan…
* Với những điểm yếu ông vừa chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để có thể rút ngắn khoảng cách với những người khổng lồ?
– Các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn có nhiều lựa chọn để thành công. Đó là đẩy mạnh quá trình liên kết, xúc tiến phát triển thị trường mua bán và sáp nhập (M&A), làm vệ tinh cho các chủ hàng có chuỗi cung ứng lớn; chọn phân khúc thị trường phù hợp, song song với việc đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin; tận dụng kho hàng có sẵn và xây dựng dịch vụ logistics xung quanh nó.
Các doanh nghiệp Việt Nam có khuynh hướng cung ứng vừa đủ cho sản xuất để dễ dàng bán hàng và xuất khẩu hàng hóa. Kết quả là các chức năng phụ của chuỗi cung ứng không đồng bộ, chẳng hạn, thu mua sẽ lệch pha với sản xuất và phân phối.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên đánh giá lại chu trình chuỗi cung ứng để từ đó phát hiện, sửa chữa những thiếu sót nhằm phát triển được lợi thế của mình.
Nhìn chung, cách làm là nên bắt đầu từ các bước cung ứng đơn giản rồi đến phức tạp, tinh vi. Để làm được như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên đồng hành với các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp về chuỗi cung ứng để đảm bảo theo đuổi được mục tiêu.
* Vậy các doanh nghiệp Việt cần thiết kế chuỗi cung ứng năng động trong điều kiện thị trường biến đổi nhanh như thế nào? Làm cách nào để thúc đẩy sáng tạo trong chuỗi cung ứng, thưa ông?
– Chuỗi cung ứng năng động yêu cầu một nền tảng hoạt động ổn định, từ đó mới có thể đáp ứng linh hoạt trước mọi điều kiện. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm, kỹ năng vận hành tốt quy trình kinh doanh và tư duy chiến lược về chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp phải linh hoạt khi mua sắm thiết bị, máy móc để sử dụng theo yêu cầu thay đổi liên tục của khách hàng.
Sáng tạo trong chuỗi cung ứng là tiến trình phức hợp và bao gồm nhiều bước, từ nghiên cứu và phát triển, thu mua, vận hành cho đến sản xuất. Năng lực sáng tạo được đo lường từ khi thai nghén sản phẩm cho đến khi bán hàng ra thị trường và tỉ lệ thành công của sản phẩm mới.
Để thúc đẩy sáng tạo phải kết nối với nhiều nguồn lực trong doanh nghiệp, từ hiểu biết thị trường cho đến xây dựng ý tưởng để đánh giá hệ thống phân phối có phù hợp và có khả thi.
Dưới góc nhìn của tôi, để gia tăng giá trị chuỗi cung ứng, Việt Nam nên đi theo con đường của Nhật Bản và Hàn Quốc cách đây 40 năm, khi đó họ bắt chước những giá trị tối ưu của phương Tây (như bắt chước sản xuất các mẫu sản phẩm thành công) và củng cố nền tảng cơ bản để từng bước xây dựng thương hiệu mới, có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
* Kho vận có phải là rào cản chính trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam?
– Tôi không cho là như vậy, vì Việt Nam đã có sự kết nối khá tốt hệ thống vận tải đa phương thức và công suất các cảng làm hàng đã được nâng cao.
Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt địa lý và một số tính chất đặc thù của Việt Nam thì vẫn có nhiều thách thức đối với ngành logistics, như khoảng cách khá xa giữa các vùng, địa phương sản xuất, xuất khẩu cùng với cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.
Điều này tương tự Indonesia và Philippines vốn có hàng trăm đảo, tạo ra thách thức lớn cho chuỗi cung ứng. Kế nữa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể sở hữu được hệ thống kho vận tốt do giá đất đắt đỏ và phải đối mặt với tình trạng kẹt xe hàng ngày ở các đô thị lớn.
* Năm 2014 Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực logistics. Ông tiên lượng thế nào về triển vọng thị trường và mức độ bám trụ của doanh nghiệp Việt Nam?
– Tình huống năm 2014 không thay đổi nhiều các vấn đề mà thị trường logistics đang có hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều điểm mạnh, cho dù ngày càng nhiều các doanh nghiệp logistics nước ngoài tràn vào Việt Nam. Những điểm mạnh ấy là sự hiểu biết khách hàng và sở hữu nhiều kho tàng, cơ sở hạ tầng.
Doanh nghiệp logistics nước ngoài chiếm lợi thế về công nghệ, có hệ thống kết nối toàn cầu và nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm. Trong bối cảnh này, theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên tập trung vào một thị trường, phân khúc hay quy trình mình có thế mạnh trong chuỗi cung ứng.
Hiểu rõ sức mạnh của mình để xây dựng nền tảng khách hàng là chiến lược đúng mà doanh nghiệp Việt Nam cần theo đuổi.
* Có thể tin đến một ngày doanh nghiệp logistics Việt Nam bắt kịp xu hướng thế giới không, thưa ông?
– Thị trường logistics Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào năm 2014 thì vai trò của Chính phủ càng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp logistics hội nhập sâu vào khu vực và thế giới.
Chính phủ phải có định hướng chính xác trong quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho các dự án phát triển trong lĩnh vực này và xây dựng khả năng kết nối vận tải đa phương thức.
* Xin cảm ơn ông!
THIÊN THẢO/DOANH NHÂN