Cũng theo Sở Kế hoạch-Đầu tư TP, trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển kinh tế giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, việc tổ chức điều hành các chương trình hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước chưa mang tính liên tục, thường xuyên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung ký kết chưa cụ thể, nhất là đối với đối tượng trực tiếp tham gia và thụ hưởng kết quả của các chương trình là DN, nhà đầu tư và người lao động. Số dự án và vốn đăng ký đầu tư, kinh doanh của các DN TPHCM tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa xứng so với tiềm năng, thế mạnh của TPHCM; tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với dự kiến. Việc huy động các nguồn lực tài nguyên (đặc biệt là đất, nguồn nước, giống cây-con, vốn tín dụng và nhân lực qua đào tạo) còn nhiều bất cập về chính sách, pháp luật.
Việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đầu tư vào hạ tầng kinh tế, xã hội (đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi) tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn thấp, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành-nghề tỉnh, thành chưa kết nối với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng dẫn đến hạn chế, co hẹp vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực trong phát triển cấp vùng, miền. Các chính sách về thuế, tín dụng cho người nông dân, cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư và người sản xuất…
Theo ĐÌNH LÝ
Sài Gòn giải phóng