1. Im lặng và lắng nghe
Chúng ta thường quan sát xem người khác có chịu lắng nghe mình hay không mà quên mất phải làm điều ngược lại. Hãy tuân theo nguyên tắc 70/30 – lắng nghe 70% thời gian và nói 30% thời gian còn lại. Hãy hỏi những câu hỏi cần thiết rồi im lặng. Đối phương sẽ nói ra tất cả những gì bạn cần biết. Khuyến khích đối phương nói bằng cách hỏi nhiều câu hỏi mở – câu hỏi không chỉ trả lời đơn giản là "có” hay "không" để có thêm nhiều thông tin hữu ích.
2. Hãy nói về lợi ích của đối phương
Những nhà thương thuyết giỏi luôn biết cách nhìn tình huống dưới con mắt của đối phương. Thay vì chỉ nhắm đến thắng lợi, hãy tìm cách hiểu đối phương và cho họ thấy cách để thỏa mãn nhu cầu của họ. Nếu bạn giúp đối phương hài lòng, họ sẽ có khuynh hướng đáp ứng yêu cầu của bạn hơn. Nhưng hãy lưu ý rằng làm họ thỏa mãn là giúp họ thấy các lợi ích họ nhận được chứ không phải làm theo tất cả yêu cầu của họ.
3. Nhẹ nhàng giải quyết tình huống
Trong đàm phán, người nào làm chủ được thời gian và kiên nhẫn hơn sẽ có lợi thế hơn. Sự bình tĩnh của bạn có thể tác động tới đối phương vì họ sẽ tin rằng bạn đang không phải chịu áp lực nào để đàm phán thương vụ này.
4. Hướng đến kết quả tốt nhất
Những nhà đàm phán thành công là những người lạc quan. Chiến lược để đạt được kết quả tốt hơn là khởi đầu với một tư thế tích cực. Người bán nên đòi hỏi cao hơn kết quả mình nghĩ sẽ nhận được, và người mua nên đưa ra giá ít hơn giá mình sẵn sàng trả. Người nào nhắm tới kết quả cao hơn sẽ làm tốt hơn. Giữ mình luôn ở trong trạng thái lạc quan, nhẹ nhàng là bạn đã đi được nửa đường tới một cuộc đàm phán thành công.
CHIÊU DƯƠNG