Cụ thể, Nhật Bản là đối tác thương mại song phương lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với Nhật Bản thì Việt Nam là đối tác xếp thứ 17 về xuất khẩu hàng hóa và thứ 15 về nhập khẩu hàng hóa. Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. FDI của Nhật vào Việt Nam tính đến tháng 8/2013 đạt gần 33 tỷ USD với hơn 2.000 dự án; vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 4,35 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư vào VN.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, điểm tích cực nhất của môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với năm 2011 là cơ sở hạ tầng đã được cải thiện hơn nhiều, đặc biệt là hạ tầng điện. Tình trạng lạm phát cũng được cải thiện, chất lượng lao động của VN được đánh giá cao hơn. WB dự báo tăng trưởng GDP của nước ta năm 2014 khoảng 5,4%.
Ông Linh dẫn nguồn từ Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2013-2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, Việt Nam đã tăng 5 bậc xếp hạng trong năm nay, lên vị trí thứ 70. Nguyên nhân chủ yếu nhờ có sự cải thiện, chất lượng cơ sở hạ tầng cho giao thông và năng lượng.
Việt Nam cũng được đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn và đầy triển vọng nhờ có sự ổn định về kinh tế xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn lao động trẻ, cần cù, sáng tạo với chi phí thấp và đặc biệt là sự kết nối chặt chẽ của thị trường VN với thị trường khổng lồ của Trung Quốc và thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN.
Trong một báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nghiên cứu 4.000 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại châu Á – châu Đại Dương cho thấy, khảo sát với 250 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam thì có 65,9% số các doanh nghiệp này có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1- 2 năm tới. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 57,8% ở khu vực, chứng tỏ các doanh nghiệp Nhật vẫn có niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nguyễn Hằng
Theo Trí Thức Trẻ