Thế nhưng, sóng gió đã nổi lên từ năm 2008, mà khởi nguồn của nó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào lúc thị trường bất động sản Ireland phát triển đỉnh điểm, Sean Quinn đã mua tới 28% cổ phần của Anglo Irish Bank bằng tiền đi vay của chính ngân hàng này. Khi thị trường bất động sản Ireland bị sụp đổ, cổ phiếu Anglo Irish Bank “rơi tự do” và trở thành đống giấy lộn cùng với việc ngân hàng này bị quốc hữu hóa trong năm 2009. Không thể thanh toán các khoản nợ khổng lồ cho Anglo Irish Bank, Sean Quinn đã buộc phải gán nợ Quinn Group vào tháng 4 năm 2011. Thậm chí, ngân hàng này còn tuyên bố nếu việc tịch thu Quinn Group vẫn không đủ thì các tài sản cá nhân khác của Sean như nhà cửa, đất đai cũng sẽ phải “đội nón ra đi”. Vị tỷ phú lừng lẫy một thời đã phải ngậm ngùi tuyên bố phá sản, trao Quinn Group, “đứa con đẻ” của mình cho ngân hàng nhà nước. Thâm chí, ông còn phải thụ án 9 tuần trong tù sau khi đã phá sản.
Allen Stanford: Từ “hiệp sĩ” thành “kẻ cắp”
Tỷ phú “một thời” Allen Stanford từng được tạp chí Forbes xếp hạng người giàu thứ 605 thế giới với khối tài sản 2,2 tỷ USD năm 2006, từng được phong tước Hiệp sỹ của đảo quốc Antigua & Barbuda năm 2002 vì những nghĩa cử hào phóng của mình… Ông chủ quản lý các hoạt động kinh doanh với tổng giá trị tài sản lên tới 50 tỷ USD không chỉ nổi tiếng nhờ lối sống xa hoa, sở hữu nhiều máy bay, du thuyền, đội bóng cricket chuyên nghiệp mà còn nổi tiếng khi bị phanh phui là “kẻ đánh cắp cuộc sống của người khác” để làm giàu cho bản thân.
Năm 2009, Ủy ban chứng khoán (SEC) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu vào cuộc điều tra Allen Stanford. Sự thật được phơi bày, tập đoàn tài chính Stanford của Allen là thực chất là kinh doanh trá hình theo kiểu mô hình Ponzi. Allen đã sử dụng tiền của khách hàng với mục đích đầu tư để chi tiêu cho cuộc sống xa hoa của mình. Hơn 50.000 khách hàng ở 131 quốc gia và vùng lãnh thổ (tập trung chủ yếu ở Mỹ, châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribe) đã bị lừa với tổng số tiền lên tới 6,7 tỷ USD.
Năm 2012, sau nhiều lần trì hoãn, Allen Stanford ra tòa và chính thức bị “truất ngôi” tỷ phú cùng với cuộc sống xa hoa của mình bằng mức án 110 năm tù cho hành vi lừa đảo xuyên quốc gia.
Eike Batista: Từ tỷ phú giàu nhất Brazil thành “chúa chổm”
Eike Batista, tỷ phú Brazil, ông chủ của Tập đoàn dầu khí OGX sinh ra trong một gia đình khá giả ở Brazil. Cha ông là Bộ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng. Khi mới 20 tuổi, Batista đã kiếm được tài sản đầu tiên bằng việc mua vàng tại vùng Amazone và bán lại ở các thành phố lớn tại Brazil, châu Âu.Tháng 3 năm 2012, theo bảng xếp hạng của Bloomberg, Eike Batista là người giàu thứ 8 thế giới với số tài sản 34 tỷ USD. Thậm chí, Eike Batista còn mạnh mẽ tuyên bố rằng ông có tham vọng trở thành người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, hào quang đó chẳng kéo dài bao lâu khi số tài sản 34 tỷ USD của ông đã nhanh chóng bốc hơi chỉ trong vòng chưa đầy 20 tháng. Nguyên nhân là cổ phiếu Tập đoàn dầu khí OGX Petroleo & Gas Participacoes của Batista mất giá tới 90% trong năm qua, do không đạt mục tiêu sản xuất và lợi nhuận, thậm chí còn lỗ hơn nửa tỷ USD năm ngoái. Công ty mẹ của OGX – EBX Group cũng chìm ngập trong nợ nần. Trước tình hình thua lỗ nghiêm trọng mà không có cách nào cứu vãn được, tỷ phú Eike Batista đã phải đệ đơn xin phá sản vào ngày 30/10/2013 với số tài sản còn lại chưa đến 1% trong tổng số tài sản của ông năm 2012.
Bjorgolfur Gudmundsson: Từ sở hữu 1.2 tỷ USD đến hai bàn tay trắng
Tỷ phú Bjorgolfur Gudmundsson, người từng giàu thứ 2 Iceland cũng không tránh khỏi sự nghiệt ngã của số phận khi lâm vào cảnh tay trắng vì đầu cơ thua lỗ. Gudmundsson sở hữu ngân hàng Landsbanki –ngân hàng lớn thứ hai tại quốc đảo xinh đẹp Iceland. Năm 2007, ông mua Câu lạc bộ West Ham với giá 85 triệu bảng.
Năm 2008, Ngân hàng Landsbanki bị Chính phủ quốc hữu hóa để tránh đổ vỡ. Kết cục, khối tài sản 1,2 tỷ USD của Gudmundsson đã trở thành con số 0. Đến năm 2009, công ty Hansa của ông tiếp tục đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Để giải quyết những khó khăn về tài chính, Bjorgolfur Gudmundsson đã chấp nhận bán lại West Ham cho tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản CB Holding để có tiền trả nợ. Hiện tại ông đã trở về xuất phát điểm với hai bàn tay trắng.
Alberto Vilar: Nhà đầu cơ vào tù vì “niềm đam mê âm nhạc”
Alberto Vilar sinh ra ở Cuba nhưng gia đình ông chuyển đến Mỹ sinh sống. Nhờ sự nhạy bén và cẩn trọng trong kinh doanh, Vilar đã gặt hái được nhiều thành công. Ông từng được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 254 trong tổng số 500 người giàu nhất thế giới. Tài sản riêng của Vilar chỉ có hơn 1 tỷ USD, nhưng tổng số vốn mà công ty Amerindo Investment Advisors Inc. của Vilar quản lý và kinh doanh đã lên tới gần 100 tỷ USD.
Có lẽ do mải mê với chiến thắng mà Vilar đã quên cảnh giác khi ông đầu cơ vào ngành công nghệ. Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, ngành công nghệ thế giới cũng trên bờ vực lao đao, các khoản đầu tư không mang về lợi nhuận. Không những thế, Vilar còn là một fan cuồng … opera. Ông cam kết ủng hộ các nhà hát opera nổi tiếng nhất trên thế giới số tiền tổng cộng lên tới gần 250 triệu USD. Việc cam kết chi tiền vô độ cho các nhà hát opera, dùng tiền của thân chủ và vay nợ đầm đìa để chi cho các nhà hát ấy đã khiến tỷ phú này “ngã ngựa”. Thân chủ khởi kiện và tháng 11 năm 2008, Vilar bị bắt và đưa ra tòa xét xử vì tội lừa đảo, làm giả mạo giấy tờ và rửa tiền. Tháng 3 năm 2009, Vilar bị kết án 9 năm tù.
Nhàn Lê (khampha.vn)