Điều đáng nói là chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học đến từ Nhật này xưa nay chưa bao giờ phát minh ra cái gì cả. Son cũng chẳng có tí vốn lận lưng nào và cũng chẳng có kiến thức gì về công nghệ. Cái mà Son có chỉ là sự tự tin và quyết tâm làm tới cùng những mục tiêu đã đặt ra.
Chính nhờ bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ cùng sự kiên trì, bền bĩ, Son đã thuyết phục được những người sở hữu các kỹ năng, kiến thức mà ông thiếu tham gia dự án đầy tham vọng của mình. Trong đó, có cả một chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ ông chưa từng gặp trước đó bao giờ.
Kiên trì đến cùng
Hiện nay, vị Tổng Giám đốc (CEO) 55 tuổi của SoftBank, một tập đoàn điện thoại di động Nhật, đang cai quản cả một đế chế thương mại rộng khắp nước Nhật. Và đế chế này đang vươn ra thế giới với tuyên bố đầy bất ngờ vào giữa tháng 10.2012 rằng sẽ mua lại 70% cổ phần của Sprint Nextel, nhà khai thác dịch vụ di động lớn thứ ba nước Mỹ với giá 20,1 tỉ USD.
Thương vụ này sẽ tạo ra một tập đoàn di động với tổng cộng 96 triệu người sử dụng và doanh thu 81 tỉ USD, đưa nhà khai thác dịch vụ di động lớn thứ ba nước Nhật SoftBank trở thành tập đoàn đứng thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon. Sau khi thương vụ kết thúc, Công ty Sprint mới sẽ gồm 10 thành viên Hội đồng Quản trị, trong đó phần lớn là do Tổng Giám đốc SoftBank chỉ định.
Về phần mình, Son sẽ hoàn thành được lời hứa vào năm 2006 khi ông mua lại bộ phận điện thoại di động Nhật của Vodafone để qua mặt đối thủ trong nước NTT DoCoMo trong vòng 10 năm. “Lúc đó mọi người đều cười nhạo tôi”, ông nhớ lại.
Nhưng giờ thì ít ai dám chế nhạo ông. Theo Tạp chí Forbes, Masayoshi Son là người giàu thứ ba nước Nhật với khối tài sản 6,9 tỉ USD. Nếu thương vụ Sprint Nextel tiếp tục xuôi chèo mát mái thì tập đoàn sau sáp nhập sẽ có doanh thu hằng năm 81 tỉ USD, trong khi DoCoMo chỉ có 54 tỉ USD.
Liệu thương vụ này có quá tham vọng khi SoftBank không có kinh nghiệm trên các thị trường ngoài nước Nhật? Mặc dù SoftBank đang bơm vào Sprint Nextel 8 tỉ USD cùng với công nghệ về truyền tải dữ liệu di động tốc độ cao, nhưng tập đoàn này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn tại Mỹ, nơi Sprint cũng đang chật vật bám đuôi các đối thủ trong nước với chỉ 16% thị phần.
Thế nhưng, như từng chứng kiến qua thương vụ Vodafone, Son đã luôn làm cho giới phê bình phải kinh ngạc và dập tan mọi hoài nghi về khả năng của ông. Và lần này, có thể Son sẽ lại đúng. Bản thân Son rất tự tin rằng mình sẽ làm được. “Chúng tôi có một chiến lược và có một kế hoạch vững chắc để biến nó trở thành hiện thực. Hãy chờ mà xem”, ông nói.
Tuổi thơ cơ cực
Son lớn lên ở khu phố người Hàn Quốc nghèo khổ ở Tosu, một vùng nông thôn xa xôi nằm ở phía Tây Nam Tokyo (ông bà của Son là người Hàn Quốc nhập cư vào Nhật). Cha ông chăn nuôi heo và bán rượu lậu trước khi bắt đầu thử sức ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bất động sản và các tiệm chơi máy giật xèng (đánh bạc).
Khi còn là một cậu bé, Son đã cùng bà nội đi lượm thức ăn ở thùng rác nhà hàng xóm để về cho heo ăn. Khi đó, Son ngồi trên đống thức ăn thừa chở bằng chiếc xe kéo bằng tay. “Chúng nhầy nhụa và rất kinh khủng. Tất cả mọi người trong gia đình đã phải làm việc rất cực khổ”, Son nhớ lại.
Từ nhỏ, Son đã sớm xây dựng một niềm tin vững vàng vào năng lực của mình mà sau này ông đã khai thác triệt để trong kinh doanh. Điều này càng được củng cố nhờ sự động viên và niềm tin của cha ông rằng một ngày nào đó Son sẽ là nhân vật số 1 tại Nhật. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không nên hài lòng với việc làm một con người bình thường và rằng tôi là một thiên tài”, ông nói.
Năm 1981, chẳng được trang bị gì nhiều ngoài sự tự tin vốn có và lòng khâm phục đối với Soichiro Honda, nhà sáng lập hãng xe Honda, Son đã rời nước Mỹ, quay lại quê nhà, thành lập một cửa hàng ở Fukuoka, thuộc đảo Kyushu.
Từ việc đặt “căn cứ” tại một ngôi nhà gỗ 2 tầng đã xuống cấp, Công ty của Son, tiền thân của SoftBank, đã nhanh chóng bành trướng trở thành nhà phân phối phần mềm và máy tính cá nhân lớn nhờ tận dụng được cơn sốt tiêu dùng máy tính. Sau đó, Son đã vươn ra lĩnh vực băng thông rộng và đầu tư vào một loạt các công ty từ Yahoo! cho đến TV Asahi, Aozora Bank và Nasdaq Japan.
Khi liên tục chuyển hướng chiến lược như vậy và cùng với các khoản đầu tư dường như hơi ngẫu hứng đã khiến cho nhiều người chỉ trích ông là người cơ hội, chỉ giỏi phát hiện, đánh hơi thương vụ nhưng lại không có đủ nguồn lực để phát triển nên những công ty thực sự.
Việc ông không ngại rót một số tiền khổng lồ vào các lĩnh vực kinh doanh mới đã khiến cho một giám đốc tài chính của SoftBank tỏ ra lo ngại về việc Công ty sẽ giống như “một chiếc xe đạp sẽ té ngã nếu bạn ngừng đạp”. Nhưng Son phản bác lại một cách cứng rắn: “Vậy thì hãy đạp mạnh hơn”.
Hong Liang Lu, một người bạn lâu năm và cũng là đối tác kinh doanh của Son, mô tả Son là “kẻ đánh bạc có giấc mơ”. Cho đến nay, canh bạc của Son trong lĩnh vực điện thoại di động đã đơm hoa kết trái. SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường vào năm 2007 về một gia đình đa sắc tộc có cha là một chú chó.
Chiến dịch này được đánh giá là một trong những chiến dịch marketing thành công nhất tại Nhật lúc đó, đã giúp SoftBank tăng gấp đôi lượng người thuê bao và bám sát gót 2 đối thủ DoCoMo và KDDI.
Và Son cũng giành được tiếng tăm là một chàng David khác người đã chống lại được cùng lúc với 2 gã khổng lồ Goliath của ngành điện thoại di động. Son hy vọng có thể lặp lại thắng lợi này với Sprint Nextel tại Mỹ và đưa đế chế di động của ông trở thành lớn nhất thế giới trong khi ông còn sống.
Hiện tại, Son đã lên kế hoạch tấn công thị trường này. Mặc dù Dan Hesse, Tổng Giám đốc Sprint Nextel, sẽ tiếp tục giữ vị trí CEO, nhưng Son lại là người bắn phát súng đầu tiên trong cuộc chiến cam go giành thị trường ở Mỹ.
Ngày 18.10, Sprint Nextel đã công bố kế hoạch nâng cổ phần sở hữu tại Clearwire, nhà cung cấp dịch vụ băng thông di động có độ phủ sóng cao, nhằm tăng cường sức mạnh cho Sprint Nextel trong việc đối đầu với AT&T và Verizon Wireless. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chống lưng của SoftBank.
Khi còn là một sinh viên ở Berkeley, Son đã vạch ra kế hoạch cho cả đời: xây dựng nên một sự nghiệp lớn trong độ tuổi 40-50 và chuyển giao quyền lực cho người kế vị trong độ tuổi 60. Ở độ tuổi 55, ông đang trong trận chiến cam go đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành dịch vụ di động. Và mục tiêu nói trên của Son, vốn đang hừng hực sức sống, có thể sẽ phải được hoãn lại.
Theo Nhịp cầu đầu tư