Giáo sư giàu nhất thế giới và đam mê “lập công ty”

David Cheriton là một trong số ít tỷ phú có học vị giáo sư (Ảnh: Forbes)
 
Vị giáo sư ngành khoa học máy tính của trường ĐH Stanford tự coi mình là "gàn". Món đồ xa xỉ nhất mà ông đã từng mua là một chiếc Honda Odyssey "cho bọn trẻ". Tuy nhiên, ông có một niềm đam mê tốn kém khác là "lập công ty". Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán cho Cisco Systems và Sun Microsystems với giá hàng trăm triệu USD. Hơn 50 triệu USD kiếm được từ giao dịch đó ông tiếp tục đầu tư vào 17 công ty khác nhau, từ VMware cho đến gần đây nhất là Arista Networks.
 
Tuy nhiên, vụ đầu tư đáng nhớ nhất của ông là khi ký tờ séc 100.000 USD cho hai cậu sinh viên ĐH Stanford, Larry và Sergey năm 1998. Tờ séc đó giờ đây trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo giá trị cổ phiếu Google. Ông nói: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư".
 
Thời gian là tất cả
 
Giáo sư Cheriton, 61 tuổi, là một người rất kín tiếng. Kết quả search Google về ông chỉ ra vài trang web đơn sơ, với phông chữ Times New Roman, không hề có LinkedIn, Facebook hay thậm chí Twitter, như người ta thường thấy ở dân Thung lũng Silicon. Khi hỏi sinh viên của Stanford, cũng chẳng mấy người biết về ông.
 
Đó là cách sống mà Cheriton ưa thích. Ông vẫn đi lại bằng chiếc Volkswagen Vanagon 1986 mua từ thủa hàn vi, vẫn sống trong ngôi nhà giản dị ở Palo Alto từ 30 năm nay, và thậm chí tự cắt tóc, cạo râu cho mình. "Đó không phải là vì tôi tiết kiệm hay khó tính, mà chỉ là vì tôi thấy cắt tóc cho mình rất dễ và đỡ mất thời gian".
 
Với một người làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, Cheriton hiểu rằng thời gian là tất cả. Công cụ tìm kiếm Google mà ông đầu tư vào cho phép hàng tỷ người trên thế giới tiếp cận với thông tin họ cần nhanh nhất có thể. 
 
Công ty mới nhất của ông, Arista Networks, tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây), nhanh gấp hai lần tốc độ chuyển dữ liệu tốt nhất hiện của Cisco và Juniper Networks. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn đối thủ trong vài phần tỷ của giây và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
 
Thông minh và tự lập
 
Là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, ông lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại duy thoái. Bố mẹ ông, hai kỹ sư người Canada, đã luôn khuyến khích con tự tìm con đường đi riêng của mình. 
 
Cheriton được các anh chị miêu tả là một cậu bé độc lập, tự tin. Khi còn đi học, cậu không thích tham gia các đội thể thao của trường mà dành thời gian xây cho mình một căn nhà gỗ riêng trong vườn của gia đình để tránh xa những đứa trẻ khác. 
 
Cậu bé thông minh đã rời khỏi trường trung học từ năm lớp 11 bởi cậu thấy chương trình học quá "thấp" so với mình. Bố cậu nói: "Nó đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con".
 
Là một cậu bé thông minh và ham tìm hiểu, Chariton đã không hề bị mắng mỏ khi chọn theo học chương trình ghi ta cổ điển và nghệ thuật trình diễn, đam mê lớn nhất của cậu khi còn là sinh viên. 
 
Sau khi bị trượt khoa âm nhạc của Đại học Alberta, Chariton lại tìm được mối quan tâm khác, đó là toán học và sau đó là khoa học máy tính. Ông theo học tại Đại học British Columbia và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Waterloo.
 
Năm 1981, trong khi tìm vốn tài trợ nghiên cứu, Cheriton đến Stanford khi Thung lũng Silicon mới bắt đầu hình thành. Tại đây, ông đã gặp Andy Bechtolsheim, một nghiên cứu sinh người Đức rất xuất sắc, người đã thiết lập mạng máy tính Stanford University Network, gọi tắt là SUN. Bechtolsheim mời Cheriton tham gia phát triển phần mềm cho máy tính nối mạng. Cheriton đã không chỉ tham gia viết phần mềm mà còn bắt tay vào cả thiết kế phần cứng.
 
Năm 1982, Bechtolsheim rời Stanford để thành lập Sun Microsystems nhưng Cheriton vẫn tiếp tục sự nghiệp dạy học. Ông hầu như tránh xa trào lưu bỏ học, bỏ dạy để đi mở công ty như nhiều sinh viên và đồng nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ đã trở thành tỷ phú, như cựu giáo sư Stanford Jim Clark, người sáng lập Netscape.
 
Khi Bechtolsheim rời SUN năm 1995, ông bắt đầu tìm kiếm ai đó hiểu về những vấn đề phần mềm cơ bản phía sau những kết nối Ethernet. Ông gọi điện cho Chertion và hai người thành lập ra Granite Systems, một công ty chuyển mạch Ethernet. Chỉ sau 14 tháng thành lập, hai người đã bán công ty này cho Cisco với giá 220 triệu USD. 
 
Năm 2001, hai người lại gặp nhau và lập nên công ty mạng lưới Kealia, rồi bán lại cho Sun với giá 120 triệu USD. Trong những lần hợp tác đó, cả hai đã cùng làm vụ đầu tư thành công nhất của họ, đó là mỗi người đầu tư 100.000 USD cho hai chàng sinh viên sáng lập Google.
 
Page và Brin không phải là hai sinh viên của Cheriton, nhưng họ tìm đến ông sau khi biết về thành công của ông với Granite, với hy vọng ông sẽ cho truyền họ kinh nghiệm về việc thương mại hoá thuật toán PageRank. Đang thắng lớn với Granite (sở hữu 10% công ty này, sau khi bán, ông thu được hơn 20 triệu USD), ông đã sẵn lòng giúp họ.
 
Bechtolsheim cũng có suy nghĩ tương tự. Ông đã mất một thời gian để hiểu về sự phổ biến của công cụ tìm kiếm cũng như ý đồ thu tiền trên mỗi đường link của người sáng lập. Ông nhớ lại: "Tôi đã nghĩ nếu họ có 1 triệu hit mỗi ngày, và 5 cent mỗi đường link, ít nhất họ sẽ không phá sản".
 
Cheriton và Bechtolsheim tự nhận họ là "nhà đầu tư vô tình" vào Google. Tuy nhiên, Ron Conway, một nhà đầu tư có mặt ở khắp Thung lũng Silicon, người mà Cheriton đã giới thiệu đầu tư vào Google nói: "Họ là những người cực kỳ thông minh, vì thế họ thu hút được nhiều kỹ sư thông minh khác để cùng chia sẻ ý tưởng với mình".
 
Phải nghĩ lớn
 
Rất nhiều sinh viên khác đã tìm đến văn phòng của Cheriton để tìm kiếm lời khuyên và cả tiền bạc. Sam Liang, một cựu sinh viên của Cheriton, sau khi rời khỏi Google đã đến gặp giáo sư cũ của mình để chia sẻ về ý tưởng một nền tảng cho di động có thể theo dõi trực tuyến vị trí và thói quen của người dùng. Liang đã nhận được nhiều hơn 100.000 USD từ Chariton để thành lập công ty Alohar Mobile.
 
"Tiêu chuẩn của ông cực kỳ cao", Liang nói. Những cuộc họp nghiên cứu với Chariton là thời gian căng thẳng nhất trong tuần của anh. "Ông bảo tôi: Phải nghĩ lớn. Cậu phải tạo được tác động đối với cả thế giới", Liang nhớ lại.
 
Siddharth Batra, cựu sinh viên cao học của Stanford, người từng nhận tài trợ của Cheriton cho công ty của mình năm 2009, rất ngưỡng mộ thầy cũ của mình ở sự chú ý đến chi tiết. "Các kỹ sư công nghệ rất dễ chia sẻ ý tưởng với David, bởi vì ông hiểu rất nhanh vấn đề họ trình bày. Nếu tôi đến gặp một vị chủ tịch hay giám đốc quỹ đầu tư, chắc chắn họ sẽ rất khó hiểu những gì chúng tôi đang làm".
 
Cheriton cho biết ông luôn tránh xa những trào lưu thị trường, mạng xã hội được coi là một trong số đó. Ông chỉ tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người, như cách mà Google giúp các sinh viên hoàn thành bài viết của mình vào lúc 3 giờ sáng. 
 
"Tôi có một niềm tin rằng nếu bạn mang đến giá trị thực sự cho thế giới và thực hiện theo cách hiểu biết , thị trường sẽ không quên bạn", Cheriton nói.
 
 
Theo Vnmedia
Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928