Kinh tế toàn cầu đang có sự dịch chuyển từ các nước phát triển sang mới nổi. Ảnh: Bloonberg. |
Xét về kinh tế toàn thế giới, Marc Faber cho rằng, đối với các nước nằm trong danh sách phát triển họ đã đạt tới đỉnh của chu kỳ kinh tế và đang bão hòa.
Cụ thể, tương lai giá trị của cổ phiếu Mỹ sẽ giảm đi, thay vào đó cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam sẽ tốt hơn. Hiện, tỷ trọng tăng trưởng của các nước nằm trong khối G20 đang có sự xê dịch và đi xuống. Minh chứng rõ nét nhất hiện nay là tỷ trọng ở các nước G20 giảm từ 50% xuống 30%, trong khi đó các nước mới nổi, có cả Việt Nam tăng từ 50% lên 70%.
Thông tin về Biển Đông thời gian gần đây có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế cũng như mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các hạng mục đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số Vn-Index có nhiều đợt suy giảm đột ngột, nhưng theo kinh nghiệm đầu tư ở thị trường các nước trên thế giới, Marc Faber cho rằng chuyện đó vẫn ở mức bình thường, trên thế giới còn có nhiều đợt bán tháo kinh khủng hơn. Mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều so với S&P 500 của Mỹ và Russel 2000. Đặc biệt cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam kéo dài từ năm 2007 đến nay vẫn chưa là gì so với các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Kết quả giải quyết khủng hoảng của Việt Nam cũng được ông đánh giá là tốt nhất trong các cuộc khủng hoảng xảy ra ở các nước phát triển.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu, tiềm năng du lịch. Nếu biết cách khai khác và quản lý tốt, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Đánh giá về căng thẳng Biển Đông trong thời gian tới, Marc Faber cho rằng tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục leo thang. Bởi lẽ, ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc là phải có đủ nguồn dầu hỏa, nguyên vật liệu kim loại cho hơn một tỷ người dân, cho nên việc tạo ra xung đột căng thẳng trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản chưa thể dừng lại. Ngoài ra, sự can thiệp của Mỹ vào các nước khu vực châu Á càng làm cho Trung Quốc dễ bị tổn thương và phản ứng mạnh hơn.
Song, theo Marc Faber, kinh tế thế giới sẽ vẫn luân chuyển. Kinh tế của Mỹ đã đạt được đỉnh và trở thành siêu cường kinh tế. Còn tại Hong Kong, năm 1973, chỉ số Hang Seng đạt mức khá tốt, tuy nhiên sau đó thị trường rớt mạnh. Cũng trong thời điểm1970-1980, chứng khoán Nhật tăng hơn 20 lần. Lúc đó, giá trị vốn hóa tại thị trường này chiếm 20% toàn thế giới. Đến năm 1989, mức tăng này không còn nữa mà dần chuyển dịch sang Hàn Quốc, Trung Quốc rồi đến Việt Nam.
Chia sẻ thêm về nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Việt Nam đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Dự kiến 2015 sẽ ký kết được 16 Hiệp định thương mại tự do với 55 nước và vùng lãnh thổ thế giới.
Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 238 tỷ USD. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có trên 17.000 tài khoản được mở bởi nhà đầu tư và cá nhân tổ chức nước ngoài.
Hồng Châu ghi