Sau một năm tài chính đáng thất vọng của Sony, CEO Sony Kaz Hirai đã chịu trách nhiệm cho thất bại đó bằng cách thực tế và tự trọng nhất, đó là trả lại tiền thưởng – Ảnh: digitaltrends |
Kể từ cuối những năm 1970, thị trường đã chứng kiến mức lương trả cho CEO tăng chóng mặt – tăng 725% tính từ năm 1978, trong khi lương của nhân viên cơ bản chỉ tăng khiêm tốn 10%. Khoản chi cho CEO được công ty xếp vào dạng đầu tư cho nhóm lãnh đạo tài năng có thể bảo đảm thành công cho công ty.
CEO lương cao – công ty làm ăn càng thất bát!
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chiến lược đó là đúng đắn, tuy nhiên nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia lại cho thấy điều ngược lại: công ty trả lương càng cao cho CEO thì làm ăn càng thất bát trên đường dài!
Nghiên cứu của chuyên gia Michael J. Cooper (Trường đại học University of Ugah), Huseyin Gulen (Trường Purdue University) và P. Raghavendra Rau (Trường University of Cambridge) cho thấy nhóm công ty trả lương cao nhất cho CEO ghi nhận lợi nhuận sụt giảm bất thường đến 10% trong vài năm qua. Với các giao dịch khổng lồ thì 10% là một con số quá lớn.
Các nhà nghiên cứu không chỉ chứng minh hiệu suất tổng thể của công ty suy giảm khi mức lương CEO tăng, mà còn tiếp tục giảm sâu nếu CEO đó tại vị càng lâu. Kết quả chứng minh đúng với cả 2 nhóm CEO lương cao nhất và CEO lương thấp nhất, với sự tương phản rõ nét dễ nhận thấy.
Điều đó có nghĩa khoản tiền lớn mà công ty trả cho CEO thực chất sẽ rất phí phạm xét về lâu dài. Nhưng tại sao lại có tình trạng này? Nghiên cứu đưa ra một lý giải duy nhất – CEO quá tự tin. Không khó để hình dung ra một người sẽ tự cao như thế nào nếu anh ta sở hữu một tài khoản kếch xù và tự nghĩ mình đang làm việc cực kỳ hiệu quả.
"CEO quá tự tin cũng sẽ đi cùng với những quyết định tương tự. Họ mạnh tay đầu tư hay tham gia nhiều vụ sáp nhập. Các chuyên gia chỉ ra rằng các vụ sáp nhập của CEO lương cao thường có tỉ lệ sai lầm lớn hơn nhóm CEO khác. Quan trọng nhất là họ không đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty khi tự tin quá mức vào bản thân.
Một ví dụ điển hình là trường hợp hãng ôtô lớn nhất nước Mỹ General Motors trong những thập kỷ qua. Sự yếu kém từ tuyến lãnh đạo đã khiến GM mất uy tín trên thị trường khi gây ra ít nhất 13 cái chết liên quan đến lỗi công tắc đánh lửa. CEO hiện tại Mary Barra đã phải xin lỗi về việc hãng này đã lơ là để xảy ra quá nhiều sai sót như vậy, dù bà không phải là người đưa ra quyết định trong quá khứ.
Sự quá tự cao của bộ sậu lãnh đạo GM đầu những năm 2000 thể hiện ở chỗ họ đã bỏ qua các bước giám sát cần thiết và nay, 10 năm sau, GM đang lãnh đủ hậu quả.
Lợi nhuận trước mắt – cái bẫy cho tương lai
CEO có thể tạo ra một tổ chức hoạt động tiếp nhận các ý kiến phản hồi nhưng không phải lúc nào cũng cho nhân viên được quyền đánh giá chính xác những gì đang xảy ra. Với văn hóa "trên bảo dưới phải nghe", nhân viên cấp dưới không thể phản hồi nếu sếp không muốn nghe và vô tình dẫn đến quyết định sai lầm của CEO.
CEO cũng là người nắm vận mệnh của các cổ đông và thành viên HĐQT, nhưng đa số là họ chăm chăm cho “ghế” của mình nhiều hơn là sức khỏe lâu dài của công ty. Kiểu trả lương theo giá trị tài sản có thể là công cụ kềm chế những hành vi đó nhưng nó thực sự không đem lại hiệu quả tối đa.
Các chuyên gia đề xuất ý kiến nên trả lương cho CEO dựa theo kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, CEO là người đưa ra quyết định phải làm hài lòng cổ đông là đem tiền về ngay, bất chấp tổn hại về sau.
Lợi nhuận trước mắt có thể là cái bẫy cho doanh nghiệp trượt dài trong tương lai. Thêm vào đó, cách quản trị "mì ăn liền" cũng không thu phục được nhân viên cấp dưới, vì khi công ty ăn nên làm ra thì họ vẫn chỉ nhận cố định mức lương cũ, trong khi CEO lại hưởng lợi tức.
Vẫn còn một số cách khác để buộc CEO phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, nhất là khi dẫn đến suy giảm cổ phiếu và hiệu suất công ty. Dù vậy, trả lời với tạp chí Forbes, chuyên gia Michael Cooper cho biết đừng nên mong đợi một phương pháp tối ưu, ngoại trừ việc công ty phải khắt khe hơn, dám cắt lương CEO khi công ty không thành công như kỳ vọng.
"Mỹ là quốc gia đang rất căng thẳng về khoảng cách thu nhập quá lớn giữa người lao động trung bình với lương CEO", ông Cooper nói.
Cũng có nhiều trường hợp CEO sẵn lòng giảm lương khi công ty hoạt động trì trệ. Gần đây, CEO Sony Kaz Hirai và nhóm lãnh đạo đã trả lại mức thưởng 10 triệu USD. Sau một năm tài chính đáng thất vọng của Sony, Hirai đã chịu trách nhiệm cho thất bại đó bằng cách thực tế và tự trọng nhất – trả lại tiền thưởng.
C.LUÂN
(Theo USA Today)