Giúp nhân viên cấp dưới lần đầu làm sếp: “Hãy học, quên và học lại”

"Người mù chữ của thế kỷ 20 là người không thể đọc hoặc viết.
Người mù chữ của thế kỷ 21 là người không thể học, quên và học lại".
 
- Alvin Toffler -
 
Một điểm khác biệt rõ ràng và nổi bật xuất hiện giữa những nhà quản lý tiếp tục tiến lên trên con đường sự nghiệp và những người nhanh chóng rơi vào trạng thái không tiến lên, đó là sự nhạy bén trong học hỏi.
 
Những người liên tục lớn mạnh là những người có khả năng học nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều này không có nghĩa là phải thu thập thêm kiến thức. Lấy bằng MBA, đọc nhiều sách báo hơn, hay tham gia nhiều hội thảo hơn sẽ không mang lại quá nhiều thay đổi.
 
Những người sở hữu sự nhạy bén với việc học thường có chiến lược học, nếu theo trực giác. Họ hiểu rằng mọi thứ cần phải thay đổi khi họ thay đổi vai trò hay vị trí. Và họ rất thành thạo trong một thói quen cả đời là liên tục tái khám phá bản thân thông qua việc "học, quên và học lại".
 
Vậy sao lại phải quên?
 
Chẳng lẽ những gì học được trong quá khứ là vô ích? Nếu vậy có phải tốt hơn là cứ học, học nữa và học mãi? Nói cách khác, hãy đơn giản là chất đống những kiến thức mình học được để nó càng cao, càng sâu và càng rộng. Hãy xem xét tình huống giả định sau.
 
Giả sử nhân viên cấp dưới của bạn làm ở vị trí đại diện bán hàng được 3 năm. Anh ta đã làm việc rất tốt, liên tục vượt hạn mức năm này qua năm khác. Bạn rất ấn tượng, không chỉ với tài thực hiện các thương vụ của anh ta mà còn vì mối quan hệ tốt mà anh ta đã thiết lập được với khách hàng của mình. Năm sau đó, bạn bổ nhiệm anh ta làm giám đốc bán hàng, quản lý 5 đại diện bán hàng khác.
 
Là cấp trên, trách nhiệm của bạn là hướng dẫn vị "sếp mới" quản lý nhóm của anh ta đạt các mục tiêu bán hàng mà bạn giao cho khu vực anh ta phụ trách. Anh ta sẽ không còn phải tự mình thực hiện công tác bán hàng nữa.
 
Về vấn đề học, quên và học lại, anh ta cần phải khám phá những điều gì ở mình cho vị trí mới này?
 
Anh ta xuất sắc trong việc bán hàng và quản lý mối quan hệ với khách hàng. Là một nhà quản lý, thành tích này là vô giá. Thành viên trong nhóm chắc chắn sẽ hết sức tôn trọng anh ấy. Nhưng là quản lý, anh ta không thể tiếp tục lệ thuộc vào kỹ năng bán hàng của mình.
 
Hãy nói với anh ta rằng, các trách nhiệm mới của anh ta bao gồm hoạch định, lên ngân sách, lập chiến lược và quản trị đội ngũ bán hàng. Với anh ta, những lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ, cần phải nhanh chóng học hỏi chúng.
 
Vậy anh ta cần quên cái gì? 
 
Một nhân viên bán hàng tài giỏi như nhân viên này sẽ đam mê sự chạy đua đầy kích thích để giành được một khách hàng lớn. Anh ta cũng ham thích xây dựng sự trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, bây giờ anh ta phải biết rằng việc sử dụng thời gian để tự mình hoàn tất một hợp đồng là không còn xác đáng nữa. Đó không còn là công việc của anh ta. 
 
Hãy nói rõ với người đó rằng, điều anh ta cần làm là đặt ra các chỉ tiêu cho nhân viên và giúp họ hoàn tất các thương vụ. Bây giờ, anh ta phải gạt bỏ những cuộc chạy đua đầy kích thích của mình vì biết rằng khi nhân viên của mình thành công thì anh ta cũng sẽ thành công.
 
"Chẳng lẽ đó không phải là sự lãng phí tài năng khi tôi phải cố quên những kỹ năng đã tạo nên thành công của mình?" Anh ta sẽ hỏi bạn câu đó. 
 
Hãy nói rằng: "Đúng vậy, nhưng như thế là hiểu sai khái niệm "quên". Không ai nói rằng anh phải đào sâu chôn chặt những kỹ năng độc đáo của anh cả, anh vẫn có thể tiếp tục dùng nó làm đòn bẩy nhưng theo cách khác".
 
"Ví dụ, anh có thể huấn luyện cho những nhân viên đại diện bán hàng của mình về nghệ thuật thuyết phục, hoàn tất hợp đồng và xây dựng quan hệ. Thực ra đây là một yêu cầu chủ yếu trong công việc của anh. Bằng cách làm tốt việc đó, có thể anh đã tạo ra nhiều bản sao khác nhau của chính mình.
 
Hãy tưởng tượng nhóm của anh sẽ thành công đến mức nào nếu anh có thể từ từ nâng cao năng lực của mỗi đại diện bán hàng".
 
"Một cách khác để tập trung tài năng của anh là việc thỉnh thoảng thực hiện "sự hỗ trợ chiến đấu" cho nhân viên khi họ cần phải tương tác với những người giỏi thương lượng, hoặc những người có khả năng ra quyết định gây ảnh hướng lớn, từ phía khách hàng".
 
"Kỹ năng của anh cũng có ích trong nội bộ công ty khi tương tác với đội ngũ quản trị cấp cao. Việc thuyết phục các nhân vật quan trọng trong công ty về các ý tưởng và suy nghĩ của mình là một khía cạnh quan trọng của vai trò quản lý". 
 
Kiểm định các giả định và chiêm nghiệm
 
Vì đây là năm đầu tiên người nhân viên này lên làm quản lý, nên sẽ còn vô số cơ hội để học hỏi những điều mà anh ta có thể đã học trước đây.
 
Đã bao giờ bạn đọc lại một cuốn sách sau một khoảng thời gian vài năm chưa? Đôi khi, thật bất ngờ, chúng ta sẽ tìm ra những ý nghĩa mới và sâu xa hơn của câu chuyện? Tại sao vậy? Có thể bởi vì có một số tình huống đã xảy ra trong thời gian qua khiến bạn suy nghĩ lại. Những từ mà chúng ta vô tình gặp trong cuốn sách đó chỉ đơn thuần bổ sung thêm cho những bài học ngầm ẩn bên dưới mà thôi.
 
Với người nhân viên đó hay với chính bạn nữa, nếu bạn cũng lần đầu lên chức "sếp". Là một nhà quản lý mới, ai cũng sẽ trải nghiệm nhiều thành công và thất bại. Hi vọng rằng điều này sẽ khiến bạn kiểm định lại các giả định và quan niệm mà bạn từng cho là bất khả xâm phạm. Việc học lại sẽ mang lại sự chín chắn hơn nhiều trong suy nghĩ và sự linh hoạt trong tính cách mỗi người.
 
 
K.Anh
Theo Infonet
Contact CEO Club

Contact us and we would love to to answer any questions you may have.

Contact Information
  • 33A Truong Son Street, Ward 4, Tan Binh District, Ho Chi Minh City, Vietnam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Secretary Information
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928