Những thách thức mới trong ngành là lý do khiến doanh thu của IBM đã giảm trong 9 quý liên tiếp. Trong quý gần đây nhất, Tập đoàn báo cáo doanh số bán đạt 24,4 tỉ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính năm tài chính 2013, doanh số bán là 99,8 tỉ USD, giảm gần 5% so với năm trước đó.
|
Cơ cấu doanh thu của IBM |
Doanh thu từ 3 lĩnh vực cốt lõi gồm dịch vụ, phần mềm và phần cứng cũng tăng trưởng một cách ì ạch. Nhưng có lẽ điều mệt mỏi nhất là khách hàng doanh nghiệp đang thay đổi thói quen mua sắm: ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn trả tiền cho phần mềm dịch vụ (một dạng phần mềm chạy trên web có thể truy cập từ xa qua máy tính, điện thoại thông minh… mà khách hàng sẽ trả tiền hằng tháng), thay vì đầu tư vào hệ thống phần cứng cồng kềnh và tốn kém.
Rắc rối hơn cho Rometty là trong khi bà chật vật tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng, bà còn phải hoàn thành lời hứa mà vị tiền nhiệm Sam Palmisano để lại: lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) của IBM sẽ đạt 20 USD vào năm 2015 (IBM dự kiến sẽ đạt EPS 18 USD/cổ phiếu trong năm nay).
Có lẽ vì sự chậm chạp này mà kể từ tháng 1.2012, khi Rometty trở thành CEO, cổ phiếu của IBM chỉ tăng khoảng 4%, so với mức tăng 58% của chỉ số S&P 500.
Sức hút của Rometty
IBM từng tự làm mới mình trong quá khứ, nhưng lần này nó không đơn giản chỉ là cuộc chuyển giao công nghệ từ mô hình máy chủ mainframe sang mô hình client/server (một mô hình nổi tiếng trong mạng máy tính, theo đó máy con – đóng vai trò là máy khách – gửi một yêu cầu đến máy chủ – đóng vai trò người cung ứng dịch vụ – và máy chủ sẽ xử lý và trả kết quả về cho máy khách), mà là hàng loạt cuộc chuyển giao xảy ra cùng một lúc. Đó là cuộc chuyển giao sang điện toán đám mây, đại dữ liệu và các công cụ di động và xã hội ở nơi làm việc.
Không chỉ vậy, IBM giờ nhận thấy mình phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mới, từ nhà bán lẻ trực tuyến Amazon cho đến cỗ máy tìm kiếm Google. “Nhanh nhạy” lại không phải là cái mà người ta nghĩ đến khi nói về IBM. Ban lãnh đạo và hội đồng quản trị của Tập đoàn phần lớn không hề thay đổi trong nhiều năm. Một sự thật khá thú vị là độ tuổi trung bình của 13 thành viên Hội đồng Quản trị là 64.
Nhưng nếu ai có thể bứt phá ra khỏi lối mòn thì người đó chỉ có thể là Rometty. “Bà ấy có một khả năng độc đáo khiến bạn cảm thấy thoải mái trong quá trình diễn ra một cuộc thay đổi. Điều đó rất khó diễn tả”, John Kelly, Phó Chủ tịch cấp cao tại Bộ phận Nghiên cứu IBM, nhận xét.
Rometty cũng cho thấy bà có thể đi rất nhanh. Việc bà sắp xếp lại các khoản đầu tư chiến lược của Tập đoàn là một ví dụ, nhưng để thành công, Rometty biết rằng cần phải đi nhanh hơn và táo bạo hơn.
Nhưng đi nhanh là chuyện không dễ khi bộ máy của IBM quá đồ sộ. Tập đoàn đang có hơn 431.000 nhân viên trên toàn thế giới, hoạt động tại 170 quốc gia. Nó bán mọi thứ từ hệ thống lưu trữ cho đến phần mềm quản lý làm việc theo nhóm, các sản phẩm hạ tầng đám mây và hàng ngàn sản phẩm khác. Bộ phận Dịch vụ toàn cầu của IBM, chuyên tư vấn cho doanh nghiệp cách sử dụng công nghệ, lại là một trong những hãng tư vấn lớn nhất thế giới.
Quy mô lớn như thế nhưng Rometty không hề e ngại. “Có lẽ là bởi vì tôi đã quen với quy mô lớn như vậy. Tôi cảm thấy Tập đoàn dù hoạt động rộng khắp nhưng lại rất tập trung”, bà nói. Đó là bởi vì “IBM mới” trong chiến lược lột xác của Rometty chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi: đại dữ liệu, đám mây và các công nghệ di động và xã hội.
Nhiều người tin rằng Rometty sẽ thành công với chiến lược mới này, vì bà là người có tinh thần hợp tác và có khả năng chuyển tải thông điệp rất rõ ràng. “Bà ấy cực kỳ tự tin nhưng lại rất thân thiện. Đó là sự kết hợp hiếm thấy”, Ann Winblad, Giám đốc Điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Hummer Winblad Venture Partners, nhận xét.
Vị CEO của Apple, Tim Cook cũng dành những lời có cánh cho Rometty. “Bà ấy cực kỳ thông minh. Bà ấy có khả năng đặc biệt trong các mối quan hệ hợp tác và có thể đưa ra những quyết định gay go và làm điều đó rất dứt khoát. Bà nhìn được bản chất vấn đề như vốn dĩ của nó”, ông nói.
Rometty từ một kỹ sư tại IBM cách đây 33 năm đã leo lên nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trước khi được chọn để điều hành IBM vào tháng 1.2012. Đó là vì bà luôn không ngừng tiến lên phía trước và đây cũng là phương châm làm việc của bà. Khi mới lên nhậm chức CEO chỉ vài tuần, bà đã đưa tất cả 17 phó chủ tịch cấp cao sang thung lũng Silicon để họp mặt với các công ty đầu tư mạo hiểm lớn như NEA và Accel Partners. Đây là lần đầu tiên đối với IBM. “Đó là cách Rometty cho thấy điều đó rất quan trọng. Không chỉ chúng tôi cần phải mua lại các công ty mới thành lập mà với vị thế là các nhà lãnh đạo, chúng tôi cũng phải hòa nhịp theo xu thế của thế giới”, Claudia Fan Munce, Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư mạo hiểm nội bộ của IBM, nói.
Giao tiếp rõ ràng bên trong IBM cũng là một trọng tâm lớn đối với Rometty. Tại buổi gặp gỡ đầu tiên với nhân viên khi ở vị trí CEO, bà đã tập hợp các phó chủ tịch cấp cao trong một phòng họp và nêu lên 3 điều mà các vị ấy đã làm tốt và những điều mà họ có thể cải thiện thêm. Các nhà điều hành đã rất bất ngờ trước không khí cởi mở mà Rometty tạo ra. “Tôi chưa từng thấy điều này xảy ra. Bà ấy đã gửi một thông điệp rất rõ ràng đến mọi người trong phòng họp rằng các bạn là một phần của nhóm và các bạn thực sự làm tốt ở một số điều”, Kelly, Bộ phận Nghiên cứu IBM, nhớ lại.
Là một kỹ sư chuyên ngành khoa học máy tính, Rometty chưa bao giờ lãng phí thời gian trong việc tiếp cận đội ngũ kỹ sư. Một trong những điều đầu tiên bà làm là gửi thông điệp đến cho 3.000 nhà nghiên cứu của IBM trên toàn thế giới. “Những từ đầu tiên bà nói ra là đây là thời đại mới của máy tính: thời máy tính có khả năng nhận thức”, Dharmendra Modha, một nhà khoa học tại IBM, cho biết. Modha và các đồng nghiệp đều rất phấn chấn vì đó là điều họ muốn nghe: IBM một lần nữa sẽ là một công ty công nghệ có lợi thế cạnh tranh.
Chính thái độ cởi mở đã giúp Rometty gặp thuận lợi trong việc tái cấu trúc bộ phận nghiên cứu nhiều tháng sau đó. Nỗ lực tái cấu trúc này là lần đầu tiên trong gần 2 thập niên qua. Trước đây, các phòng nghiên cứu của IBM được sắp xếp theo các bộ phận truyền thống như phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Nhưng dưới chiến lược mới, họ được tổ chức lại xoay quanh 3 trụ cột công nghệ chính: đại dữ liệu, điện toán đám mây và các công nghệ di động và xã hội.
Để chuyển tải thông điệp này đến mọi thành viên trong IBM, bà đã mở ra các chương trình huấn luyện. Chẳng hạn, năm ngoái, Rometty đã tung ra một chương trình giáo dục trực tuyến gọi là Think Academy không chỉ cho nhân viên mà còn cho các đối tác. Đề tài mà các lớp học này nghiên cứu rất đa dạng từ thời đại mới của an ninh dữ liệu đến việc các nền tảng đám mây đang thay đổi, cho đến thách thức cơ sở hạ tầng của châu Phi, mà nhiều đề tài trong số đó là chính bà tự dạy, tự học được. “Khi Tập đoàn trải qua một cuộc lột xác mới, tất cả thành viên trong IBM cần phải cùng nhau xây dựng tiếng nói chung”, bà nói.
Quan điểm đó thể hiện rất rõ ở mọi cơ sở của IBM. Bàn ghế đều được bố trí theo kiểu văn phòng mở, có bánh xe gắn ở chân để nhân viên có thể dễ dàng dịch chuyển khi cần giao tiếp với nhau. Đặc biệt, tòa nhà bằng kính tại số 51 Astor Place nằm ở trung tâm thung lũng Silicon giờ là nơi đóng đô của bộ phận mới thành lập Watson gồm hơn 600 nhân viên. Với dinh cơ đồ sộ, bộ phận này giống như là trụ sở của một công ty lớn mới thành lập, hơn là một văn phòng của IBM. Đó là mục đích của Rometty. Vì nhân viên IBM sẽ không chỉ là hàng xóm của Facebook ở phía bên kia đường, của Twitter và Google chỉ cách đó vài dãy nhà, mà còn cùng sống trong một hệ sinh thái năng động của nền công nghệ tiên tiến và các ý tưởng mới lạ. Michael Rhodin, Phó Chủ tịch bộ phận Watson, cho biết: “Chúng tôi cần phải tạo ra mọi sợi dây kết nối. Và chúng tôi tái thiết kế không gian một cách cố ý sao cho chúng tôi có giao tiếp với nhau theo cách ấy”.
Đã hơn 3 năm kể từ khi siêu máy tính Watson – kết quả sau hàng thập kỷ nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo trong các phòng thí nghiệm của IBM – đã đánh bại trí tuệ con người trong trò chơi truyền hình nổi tiếng Jeopardy của Mỹ. Và kể từ khi Rometty lên làm CEO, bà đã xem đó là ưu tiên hàng đầu để đưa Watson, một hệ thống máy tính có khả năng nhận thức có thể “đọc” và sàng lọc hàng triệu trang giấy về đề tài khoa học chỉ trong vài giây, trở thành một lĩnh vực kinh doanh sinh lợi. Điều đó có nghĩa là phải thử sức siêu máy tính này trong những môi trường làm việc thực sự và khai mở nó như một nền tảng để các nhà phát triển bên thứ ba có thể tạo ra các ứng dụng.
Đầu năm nay, Rometty không chỉ đưa Watson trở thành một bộ phận độc lập mà còn tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào việc phát triển và thương mại hóa Watson. Trong đó có một quỹ đầu tư trị giá 100 triệu USD dành cho các công ty mới thành lập chuyên phát triển ứng dụng cho siêu máy tính này. “Watson chỉ mới cho thấy bước đầu các hệ thống máy tính có khả năng nhận thức có thể làm được những gì. Chúng sẽ trở nên thông minh hơn, có khả năng phân tích sâu sắc và có nhiều giác quan hơn chỉ là đọc dữ liệu: chúng sẽ thấy, cảm nhận và sờ nắm được”, Kelly nói.
Hiện tại, Watson đang được thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có y tế. Tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, các bác sĩ đang “huấn luyện” hệ thống Watson nhanh chóng sàng lọc dữ liệu từ nhiều tạp chí y khoa và dữ liệu bệnh nhân nhằm giúp các chuyên gia y tế chọn được liệu pháp điều trị tốt nhất để chữa bệnh ung thư. “Khả năng học hỏi của Watson thực sự là độc nhất vô nhị”, Craig Thompson, Tổng Giám đốc bệnh viện và trung tâm nghiên cứu này, cho biết.
Một tín hiệu đáng mừng là như Rhodin nói, Watson đã có hàng tá khách hàng chịu trả tiền, trong đó có Mayo Clinic và USAA, công ty hoạch định tài chính và bảo hiểm cho những người phục vụ trong quân đội và các cựu chiến binh.
Cuộc chiến đám mây
Rometty cũng nhận thấy mặc dù sở hữu nhiều bí quyết công nghệ, nhưng IBM sẽ không thể một mình làm mọi thứ. Đó là lý do tháng 7 vừa qua, bà tuyên bố IBM và Apple sẽ cùng hợp tác để phát triển các dịch vụ được thiết kế dành cho hệ điều hành iOS của nhà sản xuất iPhone này. Bridget van Kralingen, Phó Chủ tịch cấp cao Bộ phận Dịch vụ doanh nghiệp toàn cầu của IBM, cho biết nhiều khách hàng lớn đã đăng ký cùng phát triển các ứng dụng di động với IBM và Apple và đội ngũ kinh doanh của 2 công ty cũng được đào tạo để có thể bán sản phẩm của nhau.
Có lẽ bây giờ động thái cần làm nhất là làm sao khai thác tốt khoản đầu tư 2 tỉ USD đã bỏ ra mua lại công ty điện toán đám mây SoftLayer vào năm ngoái. Chỉ vài tháng trước khi mua lại SoftLayer, IBM đã thua trước Amazon khi nhà bán lẻ trực tuyến này đã thắng thầu trong hợp đồng phát triển và vận hành một trung tâm đám mây cho cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA. “Lúc đó Amazon có sản phẩm tốt hơn IBM. Đây là một bài học cho chúng tôi”, Rometty nói.
Kể từ sau thất bại này, IBM đã đầu tư rất mạnh vào đám mây. Tập đoàn không chỉ mua lại SoftLayer mà còn chi 1,2 tỉ USD mở 40 trung tâm dữ liệu mới dựa trên nền tảng đám mây trên khắp thế giới, trong đó có hai trung tâm an ninh mới được thiết kế riêng cho Chính phủ Mỹ. “Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi IBM quyết định mua lại SoftLayer và xây dựng sản phẩm trên hạ tầng đám mây tầm vóc quốc tế này. Đây thực sự là một hạ tầng đám mây có thể cạnh tranh trực diện với các nhà cung cấp khác”, Frank Gens, trưởng chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Mỹ IDC, nhận xét.
Hiện nay, IBM không chỉ có năng lực đám mây của SoftLayer mà còn có một nền tảng mới gọi là BlueMix dành cho các nhà phát triển muốn chạy ứng dụng trên đám mây. Doanh thu đám mây của Tập đoàn đã tăng trưởng tới 69% từ năm 2012 đến năm 2013. Nhưng con số chỉ 4,4 tỉ USD doanh số bán từ đám mây vẫn là một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu gần 100 tỉ USD hằng năm của Tập đoàn. Nếu xét ở quy mô này, nhiệm vụ đưa mảng đám mây trở thành một nguồn thu lớn của “IBM mới” càng trở nên thách thức.
Không chỉ đám mây, các khoản đầu tư của bà vào Watson và các thương vụ hợp tác với đối tác ở mảng di động đã ra hoa kết trái, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp vào doanh thu đang sụt giảm ở các bộ phận lớn hơn của IBM. Đó là chưa nói đến châu Phi, một canh bạc khác của Rometty (cuối năm 2013, bà đã mở một trung tâm nghiên cứu IBM ở Nairobi, trung tâm đầu tiên ở châu lục này) cũng phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mới có thể hái ra tiền từ khoản đầu tư này.
Trong thời gian này, vẫn chưa rõ khi nào IBM mới quay trở lại thời kỳ tăng trưởng doanh thu, một câu hỏi Rometty đã từ chối trả lời. Tháng 4 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, vốn sở hữu hơn 6,5% cổ phần ở IBM, đã nói lên vấn đề doanh thu đang sụt giảm ở tập đoàn này. “Điều này đối với tôi không phải là một sự ngạc nhiên lớn với những gì họ đã báo cáo. Nhưng nó có thể là một sự ngạc nhiên từ 1-2 năm trở đi”, ông nói.
Trước những thách thức của IBM, hầu như ai cũng đồng tình rằng cuộc chuyển mình của IBM sẽ chưa hoàn tất trong ngắn hạn. IBM vẫn xếp thứ 23 trong danh sách Fortune 500 và sản phẩm dịch vụ của nó vẫn được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp. Thực tế là công nghệ của nó đang có mặt ở 90% số ngân hàng và 80% hãng hàng không trên toàn thế giới. Hơn nữa, 70% lưu lượng dữ liệu doanh nghiệp chạy qua các hệ thống của IBM.
Lột xác một gã khồng lồ như IBM sẽ là một thách thức lớn cho Rometty nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Đối với Rometty, bà tự tin mình đã tìm được các mảnh ghép thích hợp để thực hiện cuộc lột xác. “Bài học lớn nhất mà tôi học được ở IBM là phải không ngừng đổi mới. Đó là cách mà chúng tôi đã sống tới 103 tuổi như hiện nay”, bà nói
(Theo Fortune)