Jon Yarbrough: Từ chiếc bàn Bi-lắc tới đế chế trò chơi tỷ đô

Chân dung tỷ phú Jon Yarbough
Thông thường người ta có nhiều cách để kiếm ra tiền nhờ chiếc bàn Bi-lắc, nhưng từ xuất phát điểm khiêm tốn đó mà tạo ra được khối tài sản có giá trị 10 con số thì khá hiếm gặp. Jon Yarbrough là một ngoại lệ, người đã xây dựng lên đế chế thiết bị trò chơi trị giá hàng tỉ đô và gia nhập danh sách Forbes 400 năm nay với vị trí số 368.
Trước khi dấn thân vào lĩnh vực Game, Yarbrough từng là một sinh viên đại học Tennessee Tech với mục tiêu trở thành kỹ sư lành nghề. Chàng trai trẻ từng thực tập ở NASA với vị trí hỗ trợ nhóm nghiên cứu phát triển tàu thăm dò Viking. Trong một lần cao hứng, Yarbrough đã mua một chiếc bàn chơi Bi lắc và khi kết thúc đợt thực tập, cậu mang chiếc bàn về nhà.
Không may, chiếc bàn quá lớn so với không gian nhà của Yarbrough, do đó cậu phải mang nó đi gửi ở một khu trò chơi địa phương. Và điều bất ngờ đã xảy ra: sau tuần đầu tiên chàng trai phát hiện ra 200 USD trong hộp đựng tiền để bên chiếc bàn Bilắc đó, trong khi số tiền cậu bỏ ra để mua chiếc bàn ban đầu chỉ có 500 USD. Thế là Yarbrough nảy ra ý tưởng mua thêm nhiều bàn Bi lắc nữa để kiếm tiền. Nhờ có nguồn thu này, cậu thậm chí có thể trả hết khoản nợ ở trường đại học của mình.
Kể từ bước ngoặt tình cờ đó, Yarbrough chính thức chuyển hướng sự nghiệp sang lĩnh vực trò chơi điện tử.
Cuộc phiêu lưu bắt đầu
Với số tiền kiếm được từ mấy chiếc bàn Bi lắc, Yarbrough thành lập công ty Video Gaming Technology (VGT). Tiếp đó, khi tham gia một hội thảo về trò chơi điện tử, anh biết được rằng thay vì tốn một núi tiền vào việc viết trò chơi, người ta có thể mua nội dung từ các công ty của Nhật Bản. Do đó, Yarbrough tập trung sự đầu tư của mình vào một mảng nhỏ hơn: những chiếc máy chơi điện tử.
Sau một thời gian kinh doanh trong vai trò nhà phân phối máy chơi điện tử, Yarbrough lại thấy có điều gì đó không ổn. Lợi nhuận thấp và thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt bất lợi với một người vừa chân ướt chân ráo gia nhập như Jon. Vì điều này, công ty của anh đã năm lần bảy lượt đứng trên bờ vực phá sản.
Yarbrough bèn tìm kiếm hướng đi mới. Anh tự hỏi vì sao doanh nghiệp của mình không thể tự sản xuất ra những chiếc máy trò chơi, thay vì mua lại của công ty khác rồi bán đi. Thế là Jon thuê một đội ngũ kỹ sư lành nghề và giao cho họ nhiệm vụ tạo ra những chiếc máy tốt nhất trên thị trường. Đó là những tháng ngày khó khăn đối với toàn thể nhóm phát triển: Họ làm việc ngay trong garage nhà Yarbrough, người phụ trách phần vỏ, người phụ trách phần mềm, Jon phụ trách việc tìm kiếm khách hàng và thu thập đơn đặt hàng. Kết quả là ba công ty phân phối thiết bị chơi game lớn nhất vùng Nam Carolina đều đặt mua sản phẩm của họ.
Yếu tố cốt lõi của thành công
Yarbrough bên những chiếc máy trò chơi thế hệ II của mình.
Hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua, Yarbrough đúc kết lại rằng doanh nghiệp của ông đã thành công với những yếu tố không thể thiếu là may mắn và tính đúng thời điểm. Thị trường thiết bị trò chơi được chia thành ba cấp I, II và III. Khi Yarbrough bắt đầu nhảy vào phân khúc số II cũng là lúc một loạt chính sách được chính phủ ban hàng để kiến tạo thị trường, đồng thời cộng đồng người Mỹ bản địa cũng bắt đầu ưa thích dòng máy này.
Tất cả các yếu tố thời thế đã hỗ trợ cho sự ăn lên làm ra của Yarbrough, và công ty VGT trở thành đơn vị chuyên cho thuê máy chơi game thế hệ II lớn nhất ở Oklahoma, không những thế còn mở rộng phạm vi hoạt động ra Washington và California. Năm 2013, VGT đạt được danh thu 235 triệu USD, trong đó mức EBITDA lên tới 157 triệu USD, với hơn 20.200 máy chơi game được cho thuê trên toàn quốc.
Tiếng gọi của Aristocrat
Tháng 7 vừa qua, VGT đã được chuyển nhượng thành công cho Aristocrat, mang lại cho Yarbrough vị trí số 368 trong bảng xếp hàng Forbes 400 năm 2014.
Khi đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, VGT nhận được lời đề nghị từ người khổng lồ Aristocrat – một công ty phát triển thiết bị trò chơi lớn của Úc. Yarbrough cân nhắc và nhận thấy đây là một cơ hội rất tốt cho những đứa con tinh thần của ông phát triển với tầm vóc lớn hơn. Tháng 7 vừa rồi, VGT chính thức được chuyển giao cho Aristocrat với mức giá 1.28 tỉ USD.
Thương vụ này giúp cho Yarbrough bất ngờ lọt vào top 400 người giàu nhất nước Mỹ theo bình chọn của tạp chí Forbes với khổi tài sản ròng được ước tính vào khoảng 1.7 tỉ USD. Nhưng lợi ích mà nó mang lại cho doanh nhân này không chỉ có vậy, người ta khá bất ngờ khi nghe Jon chia sẻ rằng khi không còn phải trực tiếp quản lý VGT nữa, ông sẽ có nhiều thời gian hơn cho sở thích từ thời niên thiếu của mình: bay lượn. Yarbrough tâm sự thời gian trước kia, do quá bận rộn nên ông đã không thể lấy được bằng lái máy bay, nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Người đàn ông này đã có cơ hội hoàn thành giấc mơ dang dở và đã kịp sở hữu một chiếc máy bay của riêng mình.
Hải Hà
Theo Infonet/Forbes
Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928