Berkshire Hathaway – công ty khổng lồ của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – đang thu hút sự quan tâm của truyền thông về các cáo buộc liên quan đến sự thiếu minh bạch trong hoạt động.
Berkshire Hathaway – công ty khổng lồ của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – có cổ phần trong Coca-Cola. Ảnh: Fortune
Càng trong những năm gần đây, công ty đầu tư kếch xù với 517 tỷ USD tài sản càng mập mờ trong công bố số liệu tài chính, tạp chí Newsweek nhận xét.
Mặc dù nổi tiếng trả lãi cổ đông hơn 693.000% kể từ khi ra đời năm 1965, Berkshire Hathaway lại lọt top những doanh nghiệp thiếu minh bạch nhất nước Mỹ.
“Có quá nhiều thứ chúng ta không biết về công ty này, gây khó khăn cho việc thẩm định chất lượng lợi nhuận”, ông Meyer Shields, chuyên gia chứng khoán tại ngân hàng đầu tư Keefe, Bruyette & Woods nhận xét.
Kinh doanh bằng niềm tin
Năm nay Buffett đã 84 tuổi, sở hữu khối tài sản 72,9 tỷ USD, là người giàu thứ nhì hành tinh theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Khi Berkshire Hathaway sắp đến hạn công bố báo cáo lợi nhuận vào tháng Ba tới, câu hỏi đặt ra là liệu Buffet có về hưu không.
Giữa bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận chững lại, sự ra đi của Buffet có thể làm lung lay văn hóa “kinh doanh bằng niềm tin” của gã khổng lồ đầu tư trong nhiều thập kỷ.
Buffett xây dựng hình ảnh như một ông thánh, không phải vì những tài sản kếch xù hay khoản thưởng hậu hĩnh cho nhà đầu tư, mà là vì Berkshire Hathaway tự cho mình quyền không cần công bố các chỉ số cơ bản trong hoạt động.
Khi Berkshire Hathaway sắp đến hạn công bố báo cáo lợi nhuận vào tháng Ba tới, câu hỏi đặt ra là liệu Buffet có về hưu không.
“Những gì họ công bố thiếu sót rất nhiều so với chuẩn trung bình của các công ty tài chính khác”, ông Jim Shanahan, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Edward Jones nhận xét.
Trong thống kê gần nhất, tổ chức Minh bạch quốc tế chấm Berkshire Hathaway chỉ 35/100 điểm, vào hàng thấp nhất thế giới, chỉ cao hơn 4 ngân hàng của Trung Quốc và Sberbank của Nga.
Ma trận công ty con
Berkshire Hathaway là một công ty dịch vụ tài chính, về cơ bản thông qua hai công ty bảo hiểm ô tô là Geico và Gen Re.
Tuy nhiên công ty có cơ cấu sở hữu phức tạp trong nhiều lĩnh vực, từ đường sắt, xây dựng, vận hành trực thăng, đồ lót, đồ gia dụng, năng lượng tới thực phẩm.
Công ty có giá trị thị trường vào khoảng 366 tỷ USD, thu lợi nhuận 19,5 tỷ USD năm 2013.
Berkshire Hathaway sở hữu cổ phần tại nhiều công ty lớn như Coca-Cola, Wells-Fargo, IBM và American Express.
Trong một số ngành như đường sắt, công ty công bố khá đầy đủ các thông số liên quan tới doanh thu, lợi nhuận, chi phí và phân bổ chi phí.
Tuy nhiên trong một số địa hạt khác, đặc biệt là bảo hiểm, Berkshire Hathaway kín như bưng. Công ty này gói mọi số liệu tài chính từ các ngành vào một bản báo cáo hợp nhất duy nhất.
Berkshire Hathaway là một công ty dịch vụ tài chính.
Không giống các tập đoàn lớn khác, công ty này không có phòng quan hệ cổ đông để liên lạc với Phố Wall, cũng không có các cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý.
Trang web của công ty thiết kế tối giản, Buffett không cho phép ghi âm hay ghi chép trong các buổi họp thường niên.
“Tiết lộ rất ít”
Buffett là người ý thức hơn hết về sự thiếu hụt này. “Vì sự hạn chế của phương pháp kế toán truyền thống, các bản báo cáo lợi nhuận hợp nhất tiết lộ rất ít thông tin về hoạt động làm ăn thực sự của chúng tôi”, ông từng viết.
Ví dụ, Berkshire Hathaway có cổ phần trong Clayton Homes, một công ty xây dựng nhà xã hội cho người thu nhập thấp.
Berkshire Hathaway không công bố hạn mức cho vay so với giá trị của căn nhà, hiện có bao nhiêu người đang vay, điểm tín dụng trung bình của người vay hay tỷ lệ chuyển nhượng.
Không ai dám chắc liệu Berkshire Hathaway có che giấu hành vi khuất tất sau bỏ bọc kế toán. Nhưng vì các công ty kiểm toán có quy tắc kế toán khác với công ty tài chính dịch vụ như Berkshire Hathaway, rất nhiều rủi ro liên quan đến bảo hiểm không được thông báo trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC).
Qua một loạt các giao dịch phức tạp, bao gồm chuyển lỗ từ các công ty bảo hiểm về Berkshire Hathaway, thì công ty của Buffett là nơi hội tụ của chất chồng các khoản nợ bảo hiểm, Jonathan Terrell, cựu lãnh đạo tại công ty bảo hiểm Zurich Financial Services nhận xét.
Không ai dám chắc liệu Berkshire Hathaway có che giấu hành vi khuất tất sau vỏ bọc kế toán.
Ông Terrell gợi lại một vụ việc năm 2013. Công ty con chuyên về tái bảo hiểm của Berkshire Hathaway – National Indemnity Company – cho biết cần tới 17 tỷ USD dự trữ để tái bảo hiểm các yêu cầu chuyển lỗ liên quan tới ô nhiễm môi trường.
Đây là con số khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử ngành này tại Mỹ. Tuy nhiên nó không xuất hiện trong hồ sơ đệ trình lên SEC của Berkshire Hathaway, vì quy định không bắt buộc.
Đầu năm 2014, Bộ tài chính Mỹ thể hiện sự lo ngại đối với quy mô của công ty. Bloomberg dẫn lời nguồn thân cận cho biết cơ quan này cho rằng Berkshire Hathaway có “quy mô tương đối quan trọng” đối với Mỹ và kinh tế quốc tế. Do đó, công ty này có thể cần được liên bang giám sát, chịu kiểm soát vốn và thanh khoản chặt chẽ hơn.
“Say đắm với Buffet”
Vậy tại sao các cổ đông không yêu cầu Berkshire Hathaway minh bạch hơn trong công bố số liệu?
Thường khi đã đạt đến quy mô này, Berkshire Hathaway được cổ đông hoàn toàn tin tưởng. Chỉ cần cổ tức vẫn về đều đặn, ít ai quan tâm tới việc công ty hoạt động ra sao, hoặc thậm chí không biết nên quan tâm điều gì.
Thường khi đã đạt đến quy mô này, Berkshire Hathaway được cổ đông hoàn toàn tin tưởng.
“Cổ đông của Berkshire không giống các cổ đông bình thường, họ tin tưởng, thần tượng và say đắm với Buffet”, ông Kass, chủ tịch công ty Seabreeze Partners Management nói.
“Với họ, nghi ngờ Buffet giống như nghi ngờ chính ông nội mình vậy. Buffet được họ ưu ái đặc biệt”, James McRitchie, chủ nhân của trang phân tích tài chính CorpGov.net so sánh.
Vậy nên người ta cho rằng chỉ khi Buffett về hưu, hoặc có sự vụ xảy ra, mọi thứ mới bị phơi bày, giống như câu tục ngữ: “Cháy nhà mới ra mặt chuột”.
LỀ PHƯƠNG (BizLIVE)