Trường phái lãnh đạo Chuyển giao, được biết đến là phong cách lãnh đạo kiểu quản lý, tập trung vào vai trò của người giám sát, tổ chức và hoạt động nhóm. Lí thuyết lãnh đạo này được giới thiệu lần đầu bởi nhà nghiên cứu xã hội học Max Weber, và sau này được phát triển bởi Bernard M. Bass vào đầu những năm 1980.
Trường phái lãnh đạo Chuyển giao (Transactional Leadership) được xây dựng dựa trên bốn giả định cơ bản:
Động lực làm việc của con người dựa trên thưởng và phạt.
Hệ thống xã hội làm việc hiệu quả nhất dưới một chuỗi các mệnh lệnh rõ ràng
Khi một người tiếp nhận một công việc, một phần của thỏa thuận là người quản lý sẽ nắm hoàn toàn quyền lực.
Mục đích tối quan trọng của cấp dưới là làm theo những gì người quản lý của họ yêu cầu.
Cách thức làm việc của người lãnh đạo theo phong cách Chuyển giao là họ xây dựng một khung làm việc rõ ràng, nhờ đó mà cấp dưới biết rõ mình được yêu cầu làm gì và phần thưởng tương ứng khi làm tốt công việc đó. Hình phạt thường không được mô tả chi tiết, nhưng những người tham gia trong hệ thống lãnh đạo này đều hiểu rất rõ và hệ thống thưởng – phạt này luôn được duy trì nghiêm ngặt.
Hình thái đầu tiên của dạng thức lãnh đạo Chuyển giao thể hiện qua thương lượng hợp đồng trong đó nhân viên cấp dưới sẽ nhận được lương và các lợi ích khác, và công ty (cụ thể là người quản lý của nhân viên này) có quyền chỉ huy với người đó.
Khi người lãnh đạo thuộc trường phái Chuyển giao giao phó công việc cho cấp dưới của mình, người nhận nhiệm vụ được coi là sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với công việc, không kể người đó có đủ các nguồn lực hay năng lực cần thiết để triển khai công việc đó hay không. Khi có sai sót xảy ra, chính nhân viên cấp dưới này sẽ phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ sai sót, và phải đối diện với hình phạt (giống như cách họ được thưởng khi làm tốt).
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA LÃNH ĐẠO TRƯỜNG PHÁI LÃNH ĐẠO CHUYỂN GIAO
Lãnh đạo trường phái Chuyển giao sử dụng các hình thức thưởng – phạt nhằm đạt được sự tuân thủ từ cấp dưới.
Họ là những người tạo động lực từ bên ngoài. Họ tuân theo những mục tiêu, cấu trúc, và văn hóa hiện có của tổ chức.
Họ thường là người chỉ đạo, đưa ra các chỉ dẫn và là người định hướng hành động
Lãnh đạo phong cách Chuyển giao sẵn sàng làm việc trong hệ thống hiện có và phấn đấu để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Họ có thiên hướng suy nghĩ theo lối mòn khi giải quyết vấn đề.
Lãnh đạo trường phái Chuyển giao thường khá thụ động. Hành vi thường gặp nhất ở lãnh đạo phong cách này là lập ra các tiêu chí thưởng – phạt và duy trì trật tự mọi thứ.
Trong trường phái lãnh đạo Chuyển giao, có hai nhân tố: “thưởng nóng” và quản lý các ngoại lệ. “Thưởng nóng” là hình thức thưởng cho những nỗ lực của nhân viên và ghi nhận quá trình làm việc tốt. Quản lý các ngoại lệ duy trì mọi thứ nguyên trạng, can thiệp khi nhân viên cấp dưới không đạt được hiệu suất làm việc yêu cầu, và lên kế hoạch khắc phục nhằm nâng cao hiệu suất.
HẠN CHẾ CỦA TRƯỜNG PHÁI LÃNH ĐẠO CHUYỂN GIAO
Quy định, quy trình và quy chuẩn đặc biệt quan trọng trong trường phái lãnh đạo Chuyển giao. Cấp dưới không được khuyến khích sáng tạo hay tìm ra giải pháp mới cho vấn đề. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phong cách lãnh đạo Chuyển giao đặc biệt hiệu quả trong những tình huống mà vấn đề đặt ra không quá phức tạp và đã được phân tích rõ ràng. Mặt khác, trường phái lãnh đạo này thường được coi là kém hiệu quả khi mà nó khiến cho lãnh đạo lẫn nhân viên không phát huy hết tiềm năng của mình.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những điểm hạn chế của trường phái lãnh đạo này, thực tế vẫn cho thấy đây là phương pháp được các nhà quản lý sử dụng nhiều nhất. Nhìn trên góc độ so sánh Lãnh đạo – Quản lý thì phương pháp này nghiêng nhiều về phía quản lý hơn.
Giới hạn chính của phương thức lãnh đạo này là giả định “con người là sinh vật có lý trí “: một người mà chủ yếu được tạo động lực bằng tiền và các hình thức thưởng cơ bản, thì hành động của người đó cũng có thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, giả định này chưa tính đến những yếu tố tâm lí phức tạp và các giá trị xã hội, cùng với ảnh hưởng của những nhu cầu của một con người theo Tháp Nhu cầu của Maslow. Và trên thị trường khi mà nhu cầu về nhân sự có tay nghề vượt quá lượng cung thì phương pháp lãnh đạo này tỏ ra kém hiệu quả so với các trường phái khác.
VÍ DỤ MINH HỌA
Huẩn luyện viên của đội tuyển điền kinh đã đưa ra một ví dụ về trường phái lãnh đạo Chuyển giao. Người đứng đầu đội tuyển này đã khích lệ tinh thần vận động viên bằng cách loan tin, thông báo rộng rãi về khoản tiền thưởng nếu đạt vị trí số một. Họ đã nâng tính gắn kết của đội lên đến mức các vận động viên sẵn sàng mạo hiểm chịu đau và các chấn thương để đạt kết quả mà các huấn luyện viên (lãnh đạo của họ) yêu cầu.
Một ví dụ khác, cựu Thượng nghị sĩ bang Wisconsin – Joseph McCarthy – với phong cách buộc tội tàn nhẫn những người là gián điệp của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh diễn ra. Bằng việc trừng phạt những đối tượng làm sai quy định và thưởng cho những ai tố cáo gián điệp phe cộng sản, phương pháp này của McCarthy tỏ ra rất hiệu quả khi cấp dưới của ông liên tục hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Tựu chung, phong cách lãnh đạo này đặc biệt có hiệu quả trong các giai đoạn khủng hoảng.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!