Bài phỏng vấn dưới đây nói về những đổi mới ở Ấn Độ, vai trò của Screwvala tại Bollywood và tương lai của các doanh nghiệp Ấn Độ.
Là một doanh nhân thành đạt, Screwvala đã biến công ty truyền hình cáp bé nhỏ của mình, UTV, thành một tập đoàn đa phương tiện danh giá và từ đó lọt vào tầm ngắm của Disney (Disney đã mua lại công ty này năm 2012 với Screwvala là giám đốc điều hành tại Ấn Độ).
Chìa khóa thành công của Screwvala đó là: tranh thủ lợi thế của một thị trường mới nổi. Screwvala cho rằng Ấn Độ vẫn nằm trong số đó với dân số lớn thứ hai trên thế giới (70% dân số sống ở nông thôn) và con đường tiến đến đổi mới vẫn còn rất dài.
Nền tảng của nhà tỷ phú này được xây dựng từ những nỗ lực mang đến cho người dân sống ở vùng nông thôn Ấn Độ nguồn nước sinh hoạt sạch, phổ cập giáo dục và hỗ trợ cho phụ nữ. Bài phỏng vấn dưới đây nói về những đổi mới ở Ấn Độ, vai trò của Screwvala tại Bollywood và tương lai của các doanh nghiệp Ấn Độ.
Là một doanh nhân tự đứng trên đôi chân của mình, theo ông đâu là những khó khăn khi kinh doanh tại Ấn Độ so với những nơi khác?
Tôi cho rằng không có một tiêu chuẩn hay so sánh nào hợp lý bởi mỗi quốc gia đều có những lợi thế nhất định. Điều đặc biệt ở Ấn Độ, đó là một thị trường mới nổi và do đó có những cơ hội và thời cơ rất riêng. Và những thách thức kèm theo chắc chắn cũng không dễ dàng, nhưng chúng thực sự cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia.
Một trong những điều khiến thị trường Mỹ trở thành một điạ điểm lý tưởng cho việc kinh doanh, đó là luôn sẵn sàng các nhu cầu thiết yếu như giáo dục, nguồn nước sạch và nguồn điện ổn định. Những điều này vẫn còn rất nghèo nàn tại nhiều nơi ở Ấn Độ.
Điều này rất đúng. Mỹ là một thị trường phát triển hơn rất nhiều và tất cả mọi người đều có một tiêu chuẩn cơ bản nhất định, từ đó họ đánh giá mọi thứ dựa trên trình độ phát triển về công nghệ hay mức độ đổi mới.
Nhưng nếu nhìn vào một quốc gia như Ấn Độ thì những vấn đề cơ bản như nguồn nước hay rất nhiều những tồn tại khác lại là thách thức cần phải được giải quyết trước tiên. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp triệt để luôn là điều cốt lõi, điều này khác với các nền kinh tế khác. Những nền kinh tế khác nhau với môi trường kinh doanh khác nhau sẽ có những thách thức khác nhau.
Ngành công nhiệp nào tại Ấn Độ có nhiều tiềm năng nhất?
70% dân số Ấn Độ sống ở nông thôn và tôi cho rằng chúng tôi sẽ không thể đứng trong top 3 nền kinh tế thế giới trong 15 năm nữa nếu 70% dân số đó không vượt ra khỏi “biên giới” nông thôn. Tôi muốn nói đến việc vượt qua đói nghèo và mức thu nhập thấp. Ngoài ra, những vùng nông thôn với dân số đông như vậy có lợi thế sức tiêu thụ hàng hóa lớn.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp thường chỉ được biết đến với công việc làm nông và khả năng nâng quy mô lên thành một ngành kinh doanh nông nghiệp lớn hay xây dựng một thương hiệu thì vẫn còn non nớt. Điều này tạo ra những cơ hội thực sự to lớn.
Chăm sóc y tế cho 70% dân số tại Ấn Độ cũng rất yếu kém với bảo hiểm nghèo nàn, phúc lợi thấp và chăm sóc sức khỏe rất tồi tệ. Đây cũng chính là một cơ hội vô cùng to lớn để thiết lập nên một hệ thống chăm sóc y tế toàn diện cho thị trường này.
Tiềm năng thứ ba là giáo dục.
Gần đây tôi đã nói chuyên với một doanh nhân người Ấn Độ ở San Francisco và theo ông ấy cách duy nhất để tạo ra một sản phẩm thực sự làm thay đổi thế giới là đến Thung lũng Silicon.Vậy Thung lũng Silicon có thật sự là nơi duy nhất có thể tạo nên được những sản phẩm công nghệ vượt bậc, hay có những nơi nào khác như Ấn Độ cũng có thể làm điều đó?
Câu trả lời của tôi đơn giản là Không, đó không phải là nơi duy nhất, vì rất nhiều lý do. Nếu đó là một sản phẩm công nghệ cao, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công ở Mỹ hơn. Nhưng theo tôi, khi nói về vấn đề tiết kiệm chi phí thì mọi nơi đều giống nhau.
Những thị trường phương Tây luôn xem thường những sản phẩm giá thấp thì bây giờ không còn như vậy nữa. Và tôi nghĩ rằng Apple, Samsung hay rất nhiều ví dụ khác đã chỉ ra rằng cả hai loại sản phẩm cao cấp hay bình dân đều có thể tồn tại cùng lúc trên cùng một thị trường. Theo tôi, những cải tiến sẽ đến từ các thị trường mới nổi, trong đó có Ấn Độ.
Có thể chúng tôi sẽ không có những sản phẩm xe hơi mới nhất và hiện đại nhất, những nếu bạn muốn một chiếc xe vừa tiền thì chúng tôi là những người tiên phong với công nghệ Nano. Và tôi sẽ gọi đó là những cải tiến ở cấp độ cao nhất.
Chúng ta đổi chủ đề một chút nhé! Tôi để ý thấy trên Twitter ông thường chia sẻ các bài viết về bình đẳng giới không chỉ trong công nghệ mà trong cuộc sống hàng ngày. Vậy chúng ta đang ở đâu trên con đường tiến tới bình đẳng giới trong công nghệ?
Tôi thấy khá tò mò rằng vì sao chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi như thế, vì ai cũng biết rằng một ý tưởng cải tiến có thể đến từ một đứa trẻ 15 tuổi hay một người trưởng thành 30 tuổi, cũng như có thể đến từ một người phụ nữ hoặc một người đàn ông.
Mười năm trước, khi sử dụng những đồ điện tử hay công nghệ cao, người ta thường nghĩ đó là sản phẩm của đàn ông hơn là phụ nữ. Nhưng bây giờ không còn sự phân biệt nào giữa hai giới nữa. Mọi thứ đã thay đổi, đó là suy nghĩ của riêng tôi.
Ông rất nổi tiếng vì đã khiến cho Bollywood ngày một chuyên nghiệp hơn, ngày càng giống với Hollywood hơn. Vậy Bollywood trước đây như thế nào và ông đã thay đổi nó như thế nào?
Chúng tôi đã tiếp cận điện ảnh theo một cách hoàn toàn khác. Chúng tôi tự hỏi: khán giả mục tiêu của mình là ai? Chúng tôi đã nhắm vào giới trẻ bởi đó thực sự là lực lượng khách hàng đông đảo ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hầu hết những thể loại phim trước đây đều hướng đến chủ đề gia đình. Chúng tôi đã thay đổi bằng cách hợp tác với thế hệ đạo diễn và diễn viên trẻ mới nổi nhưng tài năng, thay vì với những người đã có nhiều tiếng tăm. Tôi nghĩ đó chính là yếu tố tiếp cận mang tính đột phá.
Khi đó, khán giả sẽ được tiếp cận một cách kể chuyện mới với lời thoại hiện đại hơn. Và đó chính là cái chúng tôi đã đạt được, đã được đền đáp bởi chúng tôi dám bước ra và đi tìm khán giả của chính mình.
Ông có thể đưa ra một con số về kinh phí cho một bộ phim Bollywood không?
Thực ra một bộ phim Bollywood thông thường chỉ tiêu tốn khoảng 1 triệu USD, và cao nhất là khoảng 20 triệu USD.
Rõ ràng là kinh phí cho phim Bollywood nhỏ hơn rất nhiều so với nguồn kinh phí khổng lồ dành cho phim Hollywood. Vậy ông có nghĩ rằng sẽ có một sự cạnh tranh thực sự giữa hai ngành công nghiệp này không?
Không, tôi thực sự mong là không. Bạn chỉ nên kinh doanh trên những thị trường mà bạn có thể kiểm soát được. Vấn đề kinh phí phụ thuộc vào môi trường kinh doanh ở từng nơi, không thể so sánh với nhau.
Phong Linh
Theo Trí Thức Trẻ/Inc.
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!