Năm 2015 được nhìn nhận là năm Hội nhập với nhiều hiệp định hợp tác đa phương đi vào thực hiện hoặc sẽ được ký kết. Nổi bật nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hội nhập đầy đủ vào cuối năm, Hiệp định hợp tác Châu Á Thái Bình Dương ( TPP) dự kiến sẽ được ký kết. Toàn cầu hóa và tự do thương mại gần như đã tràn vào ngay trên sân nhà, doanh nghiệp và người lao động trong nước cũng như nước ngoài sẽ cạnh tranh bình đẳng. Với việc cắt giảm hàng chục ngàn dòng thuế đúng theo cam kết và đúng lộ trình, sân chơi cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP đang trước mặt, cơ hội lớn và thách thức cũng không hề nhỏ đang đón chờ cộng đồng các CEO nói riêng và Doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Để cùng các Hội viên CEO CLUB nhận ra những cơ hội và thách thức khi Hội nhập và tự do hóa thương mại, Ban Lãnh Đạo CLB CEO đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “CEO Việt trước sức ép của FTAs và TPP”.
Chủ Tịch CEO Club – chị Đặng Thị Minh Phương
Đến tham dự Hội thảo có sự góp mặt của các CEO đại diện cho Doanh nghiệp hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ; Sản xuất, may mặc; Thủy sản; Nông nghiệp; Logistics; Tư vấn; kiểm toán.
Ba diễn giả là những chuyên gia, nhà Lãnh đạo có kinh nghiệm trong hoạt động hội nhập đã trình bày và chia sẻ về các vấn đề hội nhập, đàm phán TPP và FTAs, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong vượt qua các rào cản kỹ thuật và thương mại. Đó là:
Luật sư Trương Trọng Nghĩa
- Luật sư Trương Trọng Nghĩa về chủ đề “ Toàn cầu hóa cơ hội thách thức của Việt Nam”. Mở đầu Hội thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa đi thằng vào vấn đề với câu hỏi: “Việt Nam thực hiện toàn cầu hóa – hội nhập thông qua việc gia nhập WTO, FTA và giờ là TPP, thực sự là cơ hội hay hiểm họa?”
Theo luật sư Nghĩa thì việc Toàn cầu hóa – Hội nhập vừa tạo ra bình đẳng vừa củng cố bất bình đẳng vì việc cam kết xóa bỏ các rào cản đầu tư vẫn chưa triệt để và thiếu công bằng. Chưa khắc phục được tình trạng bất bình đẳng giữa các nước và các khối, ví dụ như OECD trợ cấp 300 tỉ USD cho nông nghiệp và chỉ có 25 cents/1 USD vào túi nông dân, trong khi đó, một con bò của EU được trợ cấp cao hơn ngưỡng nghèo của Liên Hiệp Quốc với 1 USD/ngày.
Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề đầy thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP. Nếu không có chiến lược phù hợp thì tình trạng vi phạm bản quyền có thể bị làm cho trầm trọng hơn, khả năng bị kiện cũng lớn hơn, làm phát sinh các chi phí về tòa án và trọng tài.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra những điểm yếu trong ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Đó là sự tăng trưởng nhanh nhưng phát triển chậm, cơ cấu hàng xuất có công nghệ thấp trong khi tham dụng lao động chiếm nhiều. Ngoài ra, việc xuất chủ yếu nguyên liệu thô, qua sơ chế hoặc gia công với hiệu quả thấp đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa,… trở nên yếu đi rất nhiều. Đồng thời, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính cùng với việc chuyển sự phụ thuộc từ ASEAN, Đông Á sang Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Song song đó, doanh nghiệp cần phải tiến hành điều tra, nghiên cứu để chuẩn bị cạnh tranh trong tình hình mới, đào tạo nhân lực từ giám đốc trở xuống; sử dụng chuyên gia, tư vấn, luật sư; thích nghi với điều kiện làm việc toàn cầu; khắc phục nhược điểm cố hữu của doanh nhân Việt Nam là thiếu hợp tác, liên kết, dựa vào hội đoàn.
PGS – TS Phạm Duy Nghĩa
- PGS – TS Phạm Duy Nghĩa trình bày chủ đề “ Những rào cản và Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị pháp lý gì?”. Đặt câu hỏi “ Liệu Việt Nam có thua trên sân nhà? PGS-TS Phạm Duy Nghĩa thẳng thắn chia sẻ: các rào cản kỹ thuật, rào cản tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sản phẩm (phi thuế quan) cần được điều tiết và thực thi một cách nhất quán. Đồng thời, cần có sự cam kết minh bạch từ chính phủ, đối xử bình đẳng, kiểm soát đầu tư công, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh.
Bà Trương Thị Lệ Khanh
- Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn trình bày “Kinh nghiệm thực tiễn vượt qua rào cản kỹ thuật và chống bán phá giá“. Theo bà, những quy định nghiêm ngặt và đôi khi quá mức cần thiết về dư lượng kháng sinh, các tiêu chuẩn vi sinh trên sản phẩm, thậm chí là độ phức tạp về ghi nhãn của mỗi nước và quy định mới về thủ tục khi nhập hàng đã khiến doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản nhiều phen lao đao.
“Nữ hoàng” ngành thủy sản cũng chia sẻ thêm, để có thể vượt qua những rào cản kỹ thuật này, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đầu tư về nhân sự, đào tạo và chi phí dịch vụ tư vấn bên ngoài để có sự hiểu biết về “luật chơi” của từng thị trường. Ngoài ra, cần phải cập nhật và cải thiện về mọi mặt liên quan đến sản xuất, nhận thức rõ mối nguy để có giải pháp lâu dài, tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan và đối phó. Đặc biệt, doanh nghiệp cần kiên trì, hiểu biết để đấu tranh đối với những rào cản bất công và bất lợi.
“Có một thực tế là không phải cơ quan kiểm tra nào của Mỹ cũng đúng. Vậy nên, các doanh nghiệp Việt cần phải có một sự hiểu biết và tính kiên trì để đấu tranh giành lại quyền lợi, đồng thời đưa ra những phương án chiến lược cùng chính sách hiệu quả.”
“Cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu ta tuân thủ đúng “luật chơi”, hiểu sâu và đúng vấn đề thì sẽ vượt qua được những rào cản ấy, nâng tầm chúng ta lên một bước và giành được chiến thắng.” – Nữ doanh nhân quyền lực của Vĩnh Hoàn nhắn nhủ.
Sau phần chia sẻ của các Diễn giả, đã diễn ra phần thảo luận sôi nổi với những câu hỏi và trả lời giữa khách mời tham dự và các diễn giả. Chương trình được điều phối bởi Chủ Tịch CEO Club -Đặng Thị Minh Phương và PGS TS Phạm Duy Nghĩa.
Xin vui lòng liên lạc Ban Thư ký CEO Club để nhận được chia sẻ nội dung trình bày PowerPoint của Các diễn giả trong buổi Hội thảo.
Ban Thư Ký CEO Club
Tel : (84.8) 3811 8145
Mobile: Ms. Lê Hào : 0913 65 35 65
Email: info@ceovn.org
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!