Cách đây hơn 10 năm, Uniqlo chỉ có xấp xỉ 100 cửa hàng và tất cả đều ở Nhật. Năm nay, chuỗi cửa hàng thời trang Nhật này dự kiến sẽ có 840 cửa hàng tại Nhật và thêm 1.170 cửa hàng ở những nước khác. Đáng chú ý là nhà bán lẻ quần áo Uniqlo, với tổng cộng khoảng 2.000 cửa hàng, đang ăn nên làm ra khi dự kiến đạt doanh số bán tới 14 tỉ USD trong năm tài chính 2014.
Tadashi Yanai: Thuyền trưởng của Uniqlo
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Uniqlo không hề do may mắn mà là nhờ tài năng lãnh đạo của ông chủ Tadashi Yanai. Ông đã xây dựng nên đế chế Uniqlo bằng cách luôn làm “khác người” với một tầm nhìn đầy táo bạo và cải tiến.
Tôn chỉ của Yanai là “luôn mang đến những mẫu quần áo mặc thường ngày hợp mốt, chất lượng cao mà bất cứ ai cũng đều có thể mặc và có thể mặc ở bất cứ đâu tại bất cứ nơi nào với giá bán thấp nhất có thể”. Và Uniqlo luôn tuân theo tôn chỉ này. Bất cứ ai lướt các mẫu quần áo tại một trong những cửa hàng của Uniqlo và mặc quần áo của thương hiệu này đều có thể cảm nhận được chất lượng tốt cũng như giá cả phải chăng của nó.
Để làm được điều này, Yanai đã không ngừng thúc đẩy cải tiến tại Uniqlo và sự cải tiến này có mặt ở mọi bộ phận trong Công ty từ kỹ thuật tiên tiến trong sợi vải cho đến cách thức hoạt động vô cùng tinh gọn.
Dòng sản phẩm HeatTech là một ví dụ điển hình cho thấy tính cải tiến đằng sau mọi thứ mà Uniqlo làm. HeatTech được mô tả trên website của Uniqlo là “loại vải có lợi thế cạnh tranh vì có khả năng hấp thụ nhiệt từ cơ thể tỏa ra và lưu trữ nhiệt trong các túi không khí nằm sâu trong sợi vải nhằm giúp giữ ấm cho người mặc”.
Loại vải này do Uniqlo phối hợp với một công ty khoa học về vật liệu nghiên cứu và phát triển ra. Vải của HeatTech mỏng, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Chất liệu vải đặc biệt này giúp các nhà thiết kế có thể tạo ra nhiều kiểu dáng quần áo thanh lịch, khác với tiêu chuẩn thông thường của loại quần áo mặc để giữ ấm.
Công nghệ HeatTech tiếp tục được cải tiến qua thời gian với công nghệ sợi mới. Trong năm 2003, 1,5 triệu sản phẩm HeatTech đã được bán ra trên thế giới và con số này đã tăng đến hơn 130 triệu sản phẩm vào năm 2012. HeatTech chỉ là một trong số những sản phẩm mang tính đột phá của Uniqlo bên cạnh các sản phẩm khác như AIRism (một loại vải co giãn) và Lifewear (kết hợp giữa đồ thể thao và đồ mặc thường ngày).
Trong khi hầu hết các thương hiệu đều chạy theo xu hướng thời trang thì Uniqlo lại không như thế. Quan điểm của ông chủ Uniqlo là sản xuất loại quần áo phù hợp với mọi đối tượng khách hàng và có thể mặc ở bất kỳ đâu và bất kỳ nơi nào. Không theo các xu hướng thời trang mới nhất có nghĩa là Uniqlo có thể sản xuất hàng loạt, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn mà các đối thủ không thể làm được. Càng nhiều sản phẩm được làm ra, càng nhiều sản phẩm được đặt hàng và kết quả là giá bán trở nên rẻ hơn so với các đối thủ và nhờ thế, sức tiêu thụ cũng tốt hơn.
Giá bán mềm hơn cũng là nhờ chiến lược hoạt động của Uniqlo cho phép Công ty có được lợi thế về chi phí và độ nhanh nhạy. Cụ thể là thay vì thuê ngoài ở một số công đoạn thì Uniqlo lại có các nhóm phụ trách tất cả các khâu từ lên kế hoạch sản phẩm, thiết kế cho đến sản xuất và phân phối. Mối quan hệ trực tiếp giữa các nhóm này với các nhà cung cấp (Uniqlo có số lượng nhà cung cấp rất ổn định) có nghĩa là số hàng đang bán ra sẽ được “chuyển” ngay thành đơn đặt hàng sản xuất. Tại Uniqlo, không hề có chu kỳ lên kế hoạch lưu kho 6-9 tháng như những nhà sản xuất khác, mà hàng hóa được lưu kho tính theo tuần, thậm chí theo ngày. Khách hàng vì vậy có ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình đặt hàng, vì những gì đang được sản xuất ra hoàn toàn dựa trên những gì khách hàng đang mua.
Yanai luôn đảm bảo rằng không chỉ quần áo Uniqlo phải có chất lượng cao mà dịch vụ khách hàng cũng thế. Vì vậy, các khâu từ tuyển dụng, đào tạo cho đến từng chi tiết nhỏ trong cung cách phục vụ đều được triển khai một cách tỉ mỉ. Mọi nhân viên trong cửa hàng quần áo của Uniqlo, chẳng hạn, đều được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản từ kỹ thuật gấp quần áo, kỹ năng trao quần áo cho khách cho đến cách nhân viên cửa hàng trả lại thẻ tín dụng cho khách hàng (theo phong cách của Nhật, cần trả lại bằng 2 tay và mắt luôn nhìn thẳng vào khách hàng). Mọi động thái, cử chỉ của nhân viên cửa hàng đều được ghi hình và đem ra phân tích.
Mỗi buổi sáng, nhân viên thực hành những gì mà họ được đào tạo về cách giao tiếp với khách hàng đến mua sắm. Các báo cáo tài chính đều minh bạch. Doanh số bán đều được thể hiện trên biểu đồ và đăng lên mỗi ngày để theo dõi tình hình bán hàng. Không dừng lại ở đó, Yanai hiện đang xây dựng một trường đại học Uniqlo tại Tokyo và đây là nơi mà 1.500 nhà quản lý cửa hàng mới của Công ty sẽ được đào tạo mỗi năm. Mục đích của ông là nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Rõ ràng, thành công của Uniqlo không thể thiếu nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng Tadashi Yanai. Ảnh hưởng của ông có mặt ở khắp Công ty từ các quy trình, kế hoạch, cơ cấu tổ chức và nhân sự. Ông khuyến khích văn hóa cởi mở trong Công ty; mọi nhân viên đều được tự do đưa ra ý kiến, đề xuất.
Tadashi Yanai |
Yanai cũng là người dám đưa ra những quyết định táo bạo. Một trong những quyết định đó là yêu cầu mọi hoạt động của Uniqlo đều phải bằng tiếng Anh. Đối với một đất nước ít người dân biết nói tiếng Anh, đây là một quyết định mạo hiểm. Nhưng ông đã thấy trước được viễn cảnh Uniqlo sẽ vươn ra toàn cầu ngay từ ban đầu. Quyết định này là một nguyên nhân lớn giúp Uniqlo nhanh chóng bành trướng ra thế giới.
Hiện tại, Uniqlo là chuỗi cửa hàng quần áo lớn thứ hai nước Nhật, nhưng tham vọng của Yanai là đưa nó đứng thứ nhất ở mọi quốc gia mà thương hiệu này có mặt.
Nguồn: Nhip Cầu Đầu Tư
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!