George Soros là nhà đầu cơ thành công nhất trên thế giới và được biết đến nhiều qua tên gọi “người phá sập ngân hàng Anh”.
Nổi tiếng với nhiều thương vụ khổng lồ trên thị trường tiền tệ, nhưng ông lại rất kín tiếng trong công việc và đời sống. Ông không hay đưa ra lời khuyên về đầu tư, nhưng nếu có thì chúng đều rất sâu sắc và giá trị.
1. Đầu tư trước, tìm hiểu sau
George Soros thường nói với đồng nghiệp trong quỹ Quantum của mình rằng: “Hãy cứ đầu tư trước, tìm hiểu sau”. Cố gắng đọc ý nghĩ của thị trường là một phần trong công việc đầu tư chứng khoán của ông.
Qúa trình đầu tư của Soros thường bắt đầu bằng việc phác thảo một giả thuyết. Là một sinh viên theo học ngành chính trị và kinh tế học khi còn trẻ, ông thường cho ra những dòng ý tưởng mới mang dáng vẻ của một “triết gia” trên thị trường.
Vì thế, phương pháp của ông là lập ra một giả thuyết, tiến từng bước ngắn và thận trọng để kiểm chứng giả thuyết đã đưa ra xem thử ý tưởng này đúng hay sai. Khi đã biết chắc giả thuyết của mình là có cơ sở, ông lắng nghe thị trường để tính toán xem nên làm gì tiếp theo.
Nếu thử nghiệm của ông khẳng định là vụ đầu tư này sẽ đem lại lợi nhuận, thì ngay lập tức ông quyết định sẽ mua nhiều hơn. Còn nếu thử nghiệm bị thua lỗ, nghĩa là diễn biến của thị trường không như ông suy đoán, Soros có thể sẽ chỉnh sửa hoặc là cho ra một giả thuyết mới.
2. Đúng hay sai đều không quan trọng
Một cộng sự tài giỏi trong quỹ Quantum của Soros, Stanley Druckenmiller có lần thực hiện một vụ giao dịch cho công ty bằng việc bán non đồng đô la Mỹ để mua đồng mác Đức. Vụ việc đang có lãi, Soros đột nhiên hỏi: “Số tiền đầu tư của anh lớn đến mức nào?”
“1 tỷ đô la” Druckenmiller trả lời. “Anh gọi đó là bỏ vốn đầu tư à?” Soros nhắc nhở.
“Việc đúng hay sai đều không quan trọng. Quan trọng là số tiền kiếm được khi đúng và số tiền mất đi khi sai.” Soros nói với cộng sự của mình. Qua đó, một khi bạn tin chắc khả năng thành công của một thương vụ, bạn phải tấn công quyết liệt cho dù phải đi vay một khoản lớn.
3. Tôi có thể sai lầm
Khi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, Soros vẫn luôn ý thức rằng mình có thể sai lầm và rằng quan điểm của ông chưa chắc đã đúng. Vì thế mà ông luôn khắt khe với quá trình tư duy và giả thuyết về thị trường của mình. Chính điều đó đã mang đến cho ông sự nhanh nhẹn và linh hoạt về mặt trí tuệ.
Là một nhà đầu tư nổi danh với sự khôn ngoan và mặt trí tuệ tinh thông, Soros không cảm thấy khó khăn khi phải thừa nhận sai lầm. Ông luôn tin rằng việc dũng cảm nhận ra sai lầm là điều cấn thiết, nếu bạn muốn trung thực với chính mình.
Đối với một số người, việc mắc sai lầm là điều gì đó rất đáng xấu hổ. Còn Soros thì khác. Nhận ra sai lầm là điều đáng tự hào. Một khi đã nhận ra sự thiếu hoàn hảo ấy là đặc điểm tự nhiên của con người, thì chúng ta sẽ thấy việc mắc sai lầm chẳng có gì phải xấu hổ cả. Chính việc không chịu sữa chữa sai sót mới đáng xấu hổ.
4. Những người đầu cơ nên lẳng lặng mà làm
Vốn là người kín đáo, Soros muốn thông tin về hoạt động của quỹ Quantum càng ít xuất hiện trên công chúng càng ít càng tốt. Luôn giữ kín các ý tưởng đầu tư của mình là một trong những bí quyết đầu cơ của Soros.
Tờ Institutional Investor diễn tả về Soros như sau: “Có nét bí ẩn như một chuyên gia ảo thuật, một người cô độc không bao giờ để lộ hành tung, thậm chí còn giữ khoản cách với cả người cộng tác của mình.”
Đội ngũ nhân viên của Qũy Quantum được Soros nghiêm cấm tiết lộ với công chúng bất kỳ thông tin gì nếu chưa được ông cho phép. Bởi vì, ông không muốn nhiều người biết được kế hoạch và dự định đầu cơ của mình trong tương lai.
Nếu phát hiện ra những gì mình làm, các nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào thị trường, kéo theo việc giá cả sẽ thay đổi và có thể làm tình hình sẽ diễn biến bất lợi. Đây sẽ là một kết cục tồi tệ. Vì thế, đối với một nhà giao dịch những vụ mua bán lớn như Soros, tác hại của việc phổ biến thông tin về kế hoạch đầu cơ của mình sẽ rất nặng nề.
5. Trong trường hợp nào, tôi cũng sẽ không cần tới bằng cấp
Được mọi người đánh giá là một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới và là bậc thầy trong lĩnh vực đầu tư, thế nhưng Soros lại chưa có bất kỳ một chứng chỉ nào về chứng khoán. Loại bằng cấp mà bất kỳ nhân viên nào của các công ty ở Wall Street cũng đều bắt buộc phải có.
Thật ra, Soros cũng có tham gia thi để lấy chứng chỉ này, nhưng ông đã trượt. Một lần tại công ty có tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ dành cho nhà phân tích chứng khoán, một loại chứng chỉ chuyên môn.
Sau một thời gian cố tình né tránh, Soros đã phải đăng ký dự thi và ông đã không làm được bài ở bất kỳ đề tài nào. Lúc đó, ông bảo người trợ lý của mình rằng anh ta phải tham dự kỳ thi và phải thi đậu.
“Theo tôi hiểu thì sau hay bảy năm nữa, chứng chỉ này sẽ không còn được xem là quan trọng và đến lúc đó, hoặc là tôi sẽ tiến bộ hơn nhiều đến mức không cần nó nữa, hoặc là tôi sẽ trở thành một kẻ thất bại. Tức là trong trường hợp nào thì tôi cũng sẽ không cần đến nó nữa.” Soros nói.
Theo Trí Thức Trẻ
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!