Thiết kế bóng bẩy và nghệ thuật đột phá của những sản phẩm như iMac, iPod, iPhone, iPad đều xuất phát từ thiên tài trong lĩnh vực thiết kế: Jony Ive.
Nội dung nổi bật:
- Được truyền cảm hứng từ người cha là một thợ thủ công tuyệt vời, Ive đã sớm bộc lộ tài năng về thiết kế.
- Ive gia nhập Apple vào năm 1992, chỉ bốn năm sau, ông là người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple.
- Nhưng đỉnh cao sự nghiệp của Ive chỉ đến khi Steve Jobs trở lại. Sức mạnh từ sự kết hợp của hai thiên tài sáng tạo này đã tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới công nghệ.
Cậu bé luôn vẽ ra giấy những ý tưởng
Ive lớn lên ở Chingford, một ngôi làng ở phía Đông Bắc London. Chính người cha làm nghề thủ công đã truyền tải niềm đam mê thiết kế cho Ive. Ông luôn dành thời gian cho Ive tại xưởng làm việc của mình. Đối với Ive, khoảng khắc bên cha luôn rất tuyệt vời. Hầu hết những món đồ chơi có được lúc nhỏ đều được cả hai cùng làm và với điều kiện cậu bé Ive phải vẽ tay thứ mà họ định làm.
Chính thói quen này đã ảnh hưởng lên phong cách thiết kế đặc trưng của Jony Ive. Tất cả những kiểu dáng đột phá của ông tại Apple đều được ông phác thảo ra giấy từ chính đôi tay hào hoa của mình.
Ông từng nói rằng mình luôn thấu hiểu của những thứ được làm bằng tay cùng với sự kết nối giữa cảm xúc và đôi tay sẽ tạo ra một sức mạnh kinh ngạc. Không chỉ vẽ những phác thảo đẹp, Ive còn tập trung vào cách chế tạo và cách các thành phần bên trong hoạt động. Điều này tạo ra sự khác biệt với những nhà thiết kế khác.
Đến ngã ba đường của tuổi trẻ, không khó khăn lắm khi Ive chọn theo học tại Đại học Bách Khoa Newcastle và dành hết thời gian rảnh rỗi để theo đuổi đam mê khi nhỏ của mình tại một phòng tư vấn thiết kế địa phương.
Một trong những sáng tạo của ông khi còn sinh viên là thiết kế một chiếc tai nghe và một chiếc khuyên bằng nhựa trắng tinh khiết để giao tiếp với những trẻ khiếm thính. Cùng với đó là thiết kế cả máy ATM và thiết kế này đã đạt giải thưởng của Hiệp hội nghệ thuật Hoàng Gia. Một dấu son ghi nhận tài năng hiếm có ngay khi còn rất trẻ tuổi.
Sau khi tốt nghiệp, Ive đã lập ra một công ty thiết kế riêng ở London, từ đó có một hợp đồng tư vấn với Apple. Đến năm 1992, Ive chuyển tới thung lung Silicon để nhận một công việc trong bộ phận thiết kế của Apple. Với tài năng thiên bẩm của mình, bốn năm sau Ive đã trở thành người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple vào năm 1996.
Cặp đôi hoàn hảo: Jony Ive – Steve Jobs
Mặc dù là người đứng đầu bộ phận thiết kế tại Apple, nhưng vai trò của ông không được quan trọng như vẻ bề ngoài. Thay vì quan tâm tới các sản phẩm, Apple lại chạy theo tiếng gọi của lợi nhuận. Công ty cố gắng tối đa hóa số tiền kiếm được và vì thế Ive đã chuẩn bị đơn xin nghỉ việc vào năm 1997.
Lý do nào đã khiến Ive ở lại? Câu trả lời là Steve Jobs. Một trong những đặc điểm nổi bật của Jobs là khả năng nhận diện thiên tài. Vì đó luôn là định luật của tự nhiên, thiên tài ngưỡng mộ thiên tài.
Sự trở lại của người cha khai sinh bóng hình quả táo cùng với bài diễn văn hết sức lôi cuốn trước nhân viên của Jobs là lực hút đủ mạnh để níu giữ Ive. Không chỉ Ive mà mọi nhân viên tại Apple như được tiếp them sức mạnh thần kỳ từ Jobs.
“Mục tiêu của Apple không chỉ để kiếm tiền mà còn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Đây sẽ là triết lý mới của Apple. Và những quyết định của bạn dựa trên triết lý này về cơ bản sẽ khác với những quyết định trước đây của Apple.” Trích từ bài diễn văn của Steve Jobs.
Bài diễn văn của người đứng đầu Apple đã khiến Ive cân nhắc. Không mất nhiều thời gian để cả hai thiết lập mối quan hệ biến họ trở thành bộ đôi thiết kế công nghiệp tuyệt vời nhất trong thời kỳ của mình.
Cả hai bắt đầu ăn trưa cùng nhau thường xuyên và Jobs thường kết thúc một ngày bằng việc tới phòng thiết kế của Ive để trò chuyện. Phần lớn mọi người trong cuộc đời Jobs có thể thay thế. Nhưng không phải Ive.
Sự khác biệt mà Ive tạo ra, khổng chỉ giới hạn tại Apple mà trên cả thế giới, là rất lớn. Những thiết kế của Ive đã thay đổi thế giới. Khác với nhiều nhà thiết kế, Ive rất quan tâm đến từng chi tiết nhỏ bé của sản phẩm. Triết lý của ông là “Ít nhưng tốt hơn.” Nhưng nguyên tắc này không xuất phát từ Ive.
Ông học nó từ hình mẫu của mình, một nhà thiết kế công nghiệp người Đức, Dieter Rams. Cũng như vậy, Jobs cùng Ive luôn thay đổi mỗi thiết kế mới để thấy họ có thể đơn giản đến mức nào. Kể từ khi tập sách quảng cáo đầu tiên của Apple được tuyên bố “Đơn giản là sự tinh tế tối thượng”, Jobs luôn hướng tới sự đơn giản bằng cách chinh phục điều phức tạp, thay vì lờ chúng đi.
Phải mất rất nhiều công sức để biến mọi thứ trở nên đơn giản. Phải đơn giản thật sự chứ không chỉ ở dáng vẻ bên ngoài. Đó là nguyên tắc cơ bản mà Jobs và Ive cùng chia sẻ. Thiết kế không chỉ là việc sản phẩm sẽ nhìn như thế nào từ phía ngoài.
Nó phải phản chiếu cái cốt lõi của sản phẩm vì đó là tinh thần cơ bản ở những sang tạo bởi con người. Trên hết, luôn là tình yêu và đam mê đối với những sản phẩm mà Apple làm ra. Điều đó lý giải vì sao Apple nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đám đông.
Mọi người đều háo hức đến cuồng nhiệt mỗi khi Apple ra mắt một mẫu sản phẩm mới. Với tình yêu mà Jobs để lại và Ive thì lưu giữ, mọi sự chờ đợi của người hâm mộ đều xứng đáng. Bởi vì đó là sự kết tinh của tinh hoa từ bộ đôi thiết kế vĩ đại nhất lịch sử: Jony Ive và Steve Jobs.
Theo Trí Thức Trẻ
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!