Tashi tham gia vào hầu hết các ngành nghề kinh doanh tại Bhutan từ khách sạn, viễn thông, xây dựng, hàng không, ngân hàng, ô tô,…
Lướt trên những đỉnh núi cao tới 7.000m so với mực nước biển, chiếc máy bay có logo hình cá chép của Bhutan Airlines hạ cánh xuống sân bay quốc tế Paro. Đây là sân bay quốc tế duy nhất tại Bhutan và cũng là sân bay khó hạ cánh nhất trên thế giới.
Tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này chỉ có 2 hãng hàng không gồm Druk Air và Bhutan Airlines, hãng hàng không thuộc đế chế tư nhân lớn nhất, chi phối hầu hết ngành nghề tại Bhutan- Tập đoàn Tashi.
Từ bầu trời, viễn thông,… đến khách sạn, ngân hàng
Dasho Topgyal Dorji, người điều hành tập đoàn Tashi được xem là người giàu nhất tại vương quốc chưa tới 1 triệu dân này.
Tiền thân của tập đoàn Tashi vốn là một công ty nhập khẩu gạo và gia vị từ Ấn Độ, do Dasho Ugen Dorji, cha của ông thành lập năm 1959 tại Phuentsholing. Từ công ty nhập khẩu gạo và gia vị ban đầu, Dasho Topgyal cùng 2 người em trai nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi Bhutan bắt đầu mở cửa những năm cuối thập niên 90 để mở rộng kinh doanh, thương mại.
Năm 2014, Bhutan đón hơn 133 nghìn lượt khách quốc tế và tập đoàn Tashi đóng góp không nhỏ vào thành công này. Tashi tham gia vào hầu hết các ngành nghề kinh doanh tại Bhutan từ khách sạn, viễn thông, xây dựng, hàng không, ngân hàng, ô tô,… cho tới xuất khẩu bia.
Bhutan Airlines của tập đoàn này là hãng hàng không tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Bhutan có đường bay tới Bangkok và Ấn Độ. Không chỉ hiện diện trên bầu trời Bhutan, cũng với biểu tượng logo cá chép, chuỗi khách sạn 4 sao Druk Hotel của tập đoàn Tashi được đưa vào hoạt động từ khá sớm, năm 1985 tại thủ đô Thimphu và trụ sở của Tashi- thị trấn Phuentsholing.
Không chỉ sở hữu khách sạn hạng sang, Tashi còn sở hữu những khu mua sắm phức hợp và cửa hàng từ Phuentsholing, Gelephu cho tới Thimphu.
Hotel Druk Thimphu.
Tashi còn tham gia vào lĩnh vực viễn thông với công ty con Tashi cell là hãng viễn thông tư nhân đầu tiên và duy nhất tại quốc gia thuộc nhóm cuối cùng có mạng di động trên thế giới. Ngoài ra có thể kể đến T-Bank của tập đoàn này là ngân hàng thương mại thứ 4 tại Bhutan, thành lập năm 2010.
Thậm chí Tashi còn sản xuất bia thông qua công ty con Bhutan Brewery với thương hiệu bia Druk hay nước giải khát với các thương hiệu nổi tiếng như Coca-Cola, Fanta, Sprite thông qua liên doanh Tashi Beverages thành lập năm 2007. Bia Druk hiện chiếm khoảng 90% thị trường nội địa và Tashi còn xuất khẩu bia này và nước giải khát sang thị trường Ấn Độ.
Tại Bhutan, có thể dễ dàng nhìn thấy bóng dáng của tập đoàn này cả trên cả lĩnh vực ô tô với Bhutan Hyundai Motor chuyên phân phối xe cho tập đoàn Huyndai, trong ngành đóng gói, gỗ, xuất khẩu nông sản,…
Người xây nên đế chế Tashi
Vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, gia đình Dasho Topgyal Dorji từng cai trị vùng thung lũng Haa, cách thủ đô Thimphu hơn 100km. Cũng giống như những thành viên khác trong hoàng tộc, Dasho Topgyal Dorji sớm được đưa sang Ấn Độ học. Sau này ông học trung học và đại học tại Mỹ.
Thời trẻ, Topgyal thích thể thao, bóng đá hơn là công việc kinh doanh của gia đình. Đến những năm 1980, khi tập đoàn của gia đình chuyển sang sản xuất quặng, hóa chất, vị doanh nhân này đến New Zealand học nghề và làm việc 2 năm trước khi về Bhutan.
“Tôi thích phiêu lưu mạo hiểm”, Topgyal Dorji tự nhận xét về mình. Ông thích phong cách bụi bặm, hút xì gà, lái xe Harley và chèo thuyền trên dòng sông chảy xiết hơn là khoác những bộ vest sang trọng. “Đó là nơi tôi tìm thấy niềm hưng phấn trong cuộc sống”, ông chủ tập đoàn Tashi hứng khởi chia sẻ.
Dasho Topgyal Dorji.
Tính cách phóng khoáng, ưa mạo hiểm, tinh thần kinh doanh đổi mới cùng điểm xuất thân hoàng tộc là những yếu tố giúp Topgyal Dorji xây dựng nên đế chế khổng lồ Tashi tại vương quốc kín đáo Bhutan.
Không hài lòng với những gì đang có, vị doanh nhân này còn muốn nỗ lực hơn nữa để đưa Bhutan phát triển. “Thương hiệu Bhutan đã được xây dựng rất tốt. Mọi người biết Bhutan là nơi có môi trường hoang sơ, không ô nhiễm”, Topgyal Dorji cho biết. Nhưng ông cho rằng thương hiệu này là tài sản chưa được khai thác tốt.
Trong những năm gần đây, vương quốc này chi tới gần 1 tỷ USD vào dự án thành phố giáo dục tại ngoại ô Thimphu cùng các nỗ lực xây dựng các bệnh viện cao cấp, trung tâm chăm sóc sức khỏe.
“Chúng tôi có thể trở thành trung tâm khu vực như Thụy Điển”, ông chủ Tashi chia sẻ. “Chúng tôi muốn làm được những điều mà các nước châu Á khác làm trong 30 đến 35 năm chỉ trong vòng 5 năm”, Topgyal Dorji nhấn mạnh tham vọng của vương quốc trở mình thay đổi này.
Với những nỗ lực của chính phủ cùng tầm nhìn của những vị doanh nhân hoàng tộc như Topgyal Dorji, trong tương lai thế giới sẽ biết được nhiều điều thú vị hơn nữa về Bhutan- vương quốc được mệnh danh với tên gọi Vùng đất của rồng sấm.
Theo Trí Thức Trẻ
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!