Người Mỹ tự hào vì Amazon, Alibaba đang thống trị Trung Quốc và Đông Nam Á, còn Hàn Quốc thì sao?
Hàn Quốc có Coupang – website thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại ở đất nước này. Tương tự như Amazon, nhưng Coupang thậm chí còn làm tốt hơn ở một vài điểm mấu chốt.
Start-up 6 năm tuổi này đã kiếm được 300 triệu USD trong năm 2014, con số có khả năng sẽ tăng gấp 4 lần trong năm 2015 khi báo cáo tài chính thường niên được công bố vào cuối tháng này.
Tháng 6 năm trước công ty vừa huy động được 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn với Tập đoàn tin học số một Nhật Bản Softbank, ông lớn đã từng thắng khi đặt cược vào Alibaba khi còn non trẻ. Softbank tin rằng mình có thể lặp lại thắng lợi này với Coupang.
Bom Kim, CEO của Coupang, sở hữu khoảng 19% cổ phần trị giá 950 triệu USD và sẽ sớm trở thành tỷ phú, một kì công hiếm hoi đối với một đất nước mà phần lớn tài sản tập trung trong tay những tập đoàn gia đình chaebol.
Thương mại theo yêu cầu, vận chuyển trong ngày, hài lòng lập tức, là những thứ Amazon đang điên cuồng theo đuổi, còn Coupang đã và đang biến chúng trở nên thường nhật.
Amazon hợp tác với một số lượng lớn nhà thầu bên ngoài, thử nghiệm mạng lưới lái xe tương tự Uber và có những ý tưởng thoáng qua về việc sử dụng máy bay không người lái để rút ngắn thời gian vận chuyển từ đơn vị ngày xuống đơn vị giờ. Kể cả thế, vận chuyển hàng trong ngày từ Amazon mới chỉ có mặt ở 27 thành phố lớn.
Trong 2 năm Coupang đã xây dựng mạng lưới vận chuyển gồm xe tải theo yêu cầu, nhà kho được điều khiển bởi thuật toán và 3.600 nhân viên (Coupangmen) giao hàng và thu thập ý kiến khách hàng.
Ở Hàn Quốc, nơi những gói hàng trung bình mất 2 hoặc 3 ngày để đến trước cửa nhà bạn, Coupang có thể vận chuyển hàng đến nơi chỉ trong 1 ngày hoặc ít hơn mà không yêu cầu trả thêm bất cứ khoản phí nào.
Bạn có thể hủy đơn hàng đang trong quá trình vận chuyển hoặc đổi địa điểm nhận hàng ở phút cuối. Thử tượng tượng điều này với Amazon xem, chưa từng xảy ra.
Ở phương diện Amazon thất bại thì Kim tỏ ra rất quyết đoán. Nhưng sự rút ngắn thời gian “quá chóng vánh” này đã tạo ra những nghi ngờ nghiêm trọng.
Một nhà phân tích ví vui Coupang với ISIS trong cách công ty khủng bố đối thủ bằng những phương thức không thể chống đỡ được. Một quan chức của Hyundai Keun Jong Kim cũng nhận xét rằng: “Đây là một đại dương đỏ”. Năm 2015, Coupang ghi nhận lỗ khoảng 325 triệu USD.
Bom Kim không quan tâm đến những lời này, giải thích rằng người Hàn Quốc không quen với startup, và nếu công ty của Kim được xây dựng một cách đúng đắn, nó có thể vượt mặt Gmarket và Auction Co. (cả 2 thuộc sở hữu của eBay) trở thành trang web mua sắm lớn nhất cả nước. “Tôi không nghĩ rằng mọi người quen với tư duy dài hạn và quy mô. Họ hiểu sai điều mà chúng tôi đang làm, nhưng không sao, miễn là khách hàng vẫn còn đang được lợi.”
Người Mỹ dễ dàng quên đi thực tế Amazon chưa hẳn là một ông lớn đẳng cấp toàn cầu mà mới chỉ vận hành ở 13 quốc gia. Một trong những nơi bị bỏ ngỏ là Hàn Quốc, đất nước có GDP đầu người chỉ đứng sau Nhật Bản trong khu vực châu Á, và gần như tất cả mọi người đều có điện thoại thông minh với mạng truy cập tốc độ cao.
Khoảng một nửa dân số sống ở Seoul, khiến vận tải trở nên dễ dàng hơn. Kết quả là, cứ 100 đồng thì người Hàn dành 15 đồng cho mua sắm online, trong khi con số này ở Mỹ còn ít hơn 9 đồng, theo số liệu của Euromonitor.
Vậy tại sao Jeff Bezos lại không hề chú ý đến thị trường này? Amazon đang tập trung cao độ vào những quốc gia đông dân hơn như Nhật Bản (thành công một ít), Trung Quốc (hoàn toàn là thảm họa) và Ấn Độ (vẫn đang triển khai với khoản đầu tư 2 tỷ đô).
Henry Low, cựu phó chủ tịch Amazon ở Trung Quốc, giờ đây phụ trách vận hành Coupang toàn cầu, nói: “Khi còn ở Amazon, chúng tôi thực ra có bàn về Hàn Quốc, nhưng do những thử thách quá lớn ở Trung Quốc nên không đủ nguồn lực để đầu tư vào đây. Vì thế lúc nào câu trả lời cũng là không phải bây giờ.”
Hành trình của Bom Kim
Con đường nắm bắt cơ hội còn bỏ trống bởi Amazon của Kim không hề bằng phẳng. Kim sinh ra ở Seoul nhưng rời khỏi đây vào năm 7 tuổi cùng với cha mình, người làm việc cho tập đoàn Hyundai.
Lên 13 tuổi, Kim học ở trường nội trú ở Massachusetts, Mỹ và sống qua ngày cùng những trò chơi điện tử New England Patriots hay Red Sox. Kim cũng tích cực tham gia những cuộc đấu vật giao lưu giữa các trường và duy trì điểm số đủ tốt để vào Harvard.
Ban đầu Kim hứng thú với kinh doanh truyền thông và thực tập ở New Republic cũng như bắt đầu lập ra tạp chí sinh viên Current, được Newsweek mua lại một năm sau khi Kim tốt nghiệp vào năm 2000. Năm 2006, Kim huy động 4 triệu USD cho Vanity Fair – lấy cảm hứng từ tạp chí các cựu sinh viên Harvard mang tên 02138 và đóng cửa vào 2008 do sụp đổ tài chính.
Kim theo học Harvard được một năm và bỏ học vào 2011: “Tôi biết điều mình muốn là khởi đầu một thứ gì đó mới mẻ trong thương mại (ở Hàn Quốc)” – khi đã có vài mùa hè và một thời gian theo học Đại học Quốc gia Hàn Quốc trước nỗ lực lấy bằng M.B.A. Mô hình giao dịch hằng ngày của Groupon vào thời điểm đó rất hot, và “dễ dàng huy động vốn”. Kim chuyển về Seoul để tạo ra phiên bản nhái thứ 30 của Groupon.
Để dễ dàng gọi vốn hơn từ các nhà đầu tư người Mỹ, Kim đăng kí dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn ở Mỹ, chi gần 1 triệu USD cho quảng cáo và lọt top quảng cáo trên Facebook ở Hàn Quốc. Có thời điểm mỗi người dân Hàn Quốc xem 72 quảng cáo Coupang một tháng.
Nhưng Groupong cho thấy rằng, giao dịch hằng ngày là một mô hình kinh doanh tệ hại và có ít khách hàng sử dụng. Lần đầu tiên Forbes thực hiện một cuộc trò chuyện với Kim vào mùa hè năm 2013, Kim đã dẫn dắt Coupang từ kiểu giao dịch một lần thành mô hình thị trường giao dịch tương tự như eBay.
Vào lúc đó, Kim đã bắt đầu thử nghiệm việc phụ trách hàng tồn kho, và tự quản lí việc bán hàng cũng như tự cung ứng hàng hóa, nhưng vẫn phụ thuộc nặng nề vào bên bán hàng thứ ba để đóng gói và vận chuyển hàng hóa của riêng họ.
2 năm sau, Coupang thay đổi một lần nữa. Công ty huy động được 400 triệu USD từ Sequoia và BlackRock giúp giảm một nửa lượng hàng tồn kho, với mục tiêu vận chuyển hàng hóa có tần suất giao dịch cao như khăn vệ sinh, nước đóng chai và gạo đến khách hàng nhanh và rẻ nhất có thể.
Với khoản đầu tư của SoftBank vào tháng Sáu, công ty đã có khả năng dành 1,3 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng vận tải trước đó đã có 21 nhà kho, một đội xe tải và nhóm các nhân viên Coupangmen. Kim nói rằng khoản đầu tư sẽ sinh lời khi khách hàng, đã quen với tốc độ vận chuyển hàng nhanh, dần dần mua nhiều hàng hóa hơn. “Chúng tôi không thể bắt khách hàng làm theo những gì chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi có thể tuân theo những gì khách hàng muốn.”
Hiện tại hệ thống vận tải thông minh và nền tảng di động mạnh mẽ của Coupang (hơn một nửa trong 51 triệu dân Hàn Quốc đã tải app) đã tạo ra cơ sở đủ vững để thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục cung vốn cho công cuộc mở rộng quy mô. “Nếu đang tấn công thị trường, tôi phải biết ngay mình cần có gì” – theo Phó chủ tịch của Softbank Nikesh Arora khi được hỏi về bất cứ thách thức nào đến từ Amazon. “Vốn càng nhiều, đối thủ càng khó chống cự”. Năm 2014, Diego Piacentini sau đó là giám đốc bộ phận quốc tế của Amazon cũng thừa nhận: “Cái giá phải trả để trở thành một công ty thương mại điện tử có quy mô tương tự Coupang [ở Hàn Quốc] là quá đắt.”
Tiến ra thị trường quốc tế?
Khi đã thống trị thị trường Hàn Quốc, Coupang sẽ đi đâu? Alibaba và Rakuten đã lần lượt thống trị Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà đầu tư của Coupang tin rằn Hàn Quốc là cơ hội đủ lớn.
Theo Neil Mehta của Quỹ Greenoaks, “Chúng tôi chưa hề bàn bạc ở Greenoaks về vấn đề làm cách nào để Coupang làm ăn ở nước ngoài.” Ông có thể nghĩ đến những loại hình kinh doanh khác mà Coupang có thể chiếm lĩnh như sử dụng kho hàng của công ty để đóng gói hàng hóa của công ty khác giống như cách mà Amazon làm với chương trình “Fulfillment by Amazon” của mình.
Kim nói rằng mình có nhiều việc phải làm hơn là cạnh tranh với Amazon, vì có lợi thế dẫn đầu ở một trong những thị trường thương mại điện tử rực rỡ nhất thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!