Alan Horn – Nhân vật bí ẩn đứng sau sự hùng mạnh của đế chế Disney

Năm 2012, một nhân tài của đối thủ đã tìm đến và biến Disney thành hãng phim thành công nhất Hollywood. Con người đó là ai?

Alan Horn - Nhân vật bí ẩn đứng sau sự hùng mạnh của đế chế Disney

Ngày 17/4, The Jungle Book cán mốc 103 triệu USD chỉ sau ba ngày ra mắt ở Mỹ, vượt xa con số kỳ vọng trước đó (85 triệu). Tác phẩm cũng được gần như tất cả khán giả và các nhà phê bình yêu mến với điểm số Cinemascore A và Rotten Tomatoes 95%. Một lần nữa, Disney lại chiến thắng tại phòng vé, trong lúc Zootopia vẫn còn trụ rạp và hiện đã tiệm cận mốc 900 triệu USD trên toàn cầu.

Năm 2016, Disney là hãng đầu tiên trong lịch sử dám cho ra mắt đến 8 phim tent-pole (các dự án với kinh phí đầu tư khủng) trong một năm. Zootopia và The Jungle Book đã thành công vang dội còn Captain America: Civil War sắp khiến thế giới rung chuyển.

Sau đó, Disney sẽ tiếp tục tung ra Alice Through the Looking Glass, Finding Dory, Pete’s Dragon, Moana và Rogue One: A Star Wars Story. Đó là chưa kể đến hai bom tấn khác là The B.F.G (của Steven Spielberg) và Doctor Strange, tác phẩm vừa ra mắt trailer cách đây không lâu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Disney đang ở thời đại hoàng kim của mình, cả về chất lượng lẫn doanh thu.

Quá nhiều bom tấn của Disney cho khán giả lựa chọn

Nhìn lại quá trình phát triển của Disney trong vài năm qua, dễ dàng nhận thấy sự tiến bộ của hãng cả trong mảng hoạt hình và live-action. Từ những phim hoạt hình kém cỏi như Beverly Hills Chihuahua (cái tên nghe đã phát nản) hay Mars Needs Mom, giờ đây họ có Zootopia và Frozen khiến cả thế giới điên đảo.

Những bom xịt như John Carter hay The Lone Ranger đã trôi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho các tác phẩm ăn khách như The Jungle Book hay Cinderella. Pixar hồi sinh với Inside Out, Star Wars: The Force Awakens đập tan hàng loạt kỷ lục và con quái vật Marvel đã vươn mình đến mọi ngõ ngách trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã đem đến phép màu ấy? Sẽ có rất nhiều câu trả lời, nhưng trong phạm vi bài này, người viết xin giới thiệu một nhân tố có thể xem là then chốt cho sự thăng hoa của Disney: Alan Horn.

Thời khắc lịch sử

Một ngày định mệnh năm 2011, Warner Bros. nhóm họp và số phận vị COO của họ đã được định đoạt. Ở tuổi 68, Alan Horn bị cho là đã già, không còn nhạy bén và phải ra đi để nhường chỗ cho các lãnh đạo mới. Giọt nước làm tràn ly khiến ông bị xua đuổi chính là… bộ phim Hangover của đạo diễn Todd Phillips. Alan Horn đã không đồng ý thực hiện dự án này, và khi nó trở thành một tác phẩm ăn khách, mọi người đã chĩa mũi dùi về ông.

Về sau này, Horn chia sẻ việc phải rời Warner Bros. khiến ông vô cùng đau đớn. Ông đã phục vụ ở đây đến 12 năm (1999-2011) và đứng sau nhiều dự án bom tấn như series Harry Potter, Ocean’s Eleven, Inception cũng như bộ ba Batman của Nolan. Và rồi một ngày nọ, người ta bảo ông già sinh ra ở New York nghỉ hưu đi, về nhà mà đọc sách.

Alan Horn và Leonardo DiCaprio ở lễ ra mắt “The Departed”

Thế nhưng, thật may mắn cho cả Hollywood là Alan Horn đã không nghe theo lời khuyên này. Tháng 5 năm 2012, các báo đồng loạt đưa tin chiến lược gia 68 tuổi đã đầu quân cho Disney. Đó là khoảnh khắc làm thay đổi cuộc chơi, và sau này nhìn lại, hẳn Warner Bros. phải rất nuối tiếc khi đã “chuyển nhượng” tài năng lớn nhất của mình cho đối thủ với giá… 0 đồng.

Như mọi lãnh đạo khác, Bob Iger (chủ tịch của Walt Disney Company) hẳn đã đọc qua tác phẩm Quân Vương của Niccolò Machiavelli. Trong đó chính trị gia người Ý có đưa ra một quan điểm về việc dùng người, đại khái là nếu nhân tài của đối thủ tìm đến chúng ta (và xác định rõ không phải phản gián) thì phải hết mực trọng dụng họ, bởi thông thường thì họ luôn cống hiến hết mình để gây ấn tượng với chủ mới. Iger đã làm đúng như vậy, thay vì tìm đến những người trẻ, ông đã trao ấn kiếm vào tay vị tướng già Alan Horn với cương vị chủ tịch Walt Disney Studios.

Bước đầu vực dậy chú chuột Mickey

Mọi thứ bắt đầu với một màu xám xịt, Disney đang có dấu hiệu rệu rã khi Alan Horn đến. Hãng vừa lỗ 200 triệu với John Carter và đang đốt tiền vào một dự án khác là The Lone Ranger (lỗ thêm 150 triệu nữa khi ra mắt vào năm sau). Xưởng hoạt hình trứ danh của Disney vừa ra mắt… Mars Needs Mom, một trong những bom xịt lớn nhất mọi thời đại với doanh thu 39 triệu và kinh phí 150 triệu USD.

Trong khi đó, Pixar đang dần đánh mất sự sáng tạo với Cars 2 và Brave. Disney vừa mua được Marvel nhưng vẫn chưa có hướng đi cụ thể, và thành công của The Avengers năm đó phần lớn do nỗ lực cá nhân của Kevin Feige và Joss Whedon chứ chưa có nhiều dấu ấn từ thượng tầng.

Và Alan Horn đã cải thiện tình hình như thế nào? Trước hết hãy tìm hiểu sơ về quá khứ của ông. Alan Horn không phải một nhà làm phim mà là dân kinh tế, tốt nghiệp MBA ở Harvard. Ông khởi nghiệp ở P&G, một công ty chẳng liên quan gì đến điện ảnh, trước khi trở thành CEO của Embassy Communications, COO của 20th Century Fox và rồi gây dựng đế chế Warner Bros..

Khả năng thiên bẩm cùng hàng chục năm quan sát đã cho Alan Horn một biệt tài: ông biết được những gì sẽ thu hút khán giả. Trong buổi ra mắt Big Hero 6, Bob Iger nhận xét rằng, ở Hollywood, Alan Horn là người “hiểu rõ nhất về quan điểm của giới bình dân”.

Bob Iger, Alan Horn, Paul Rudd và Kevin Feige

Điều này cũng thể hiện rõ qua phong thái giản dị có phần quá mức của Horn. Ông thường ngại trả lời phỏng vấn và muốn hướng sự chú ý về những người như chủ tịch Alan Bergman. Alan Horn cũng nhiều lần cố hạ thấp vai trò của mình ở Disney.

Vị CEO này từng khiêm tốn nhận xét: “Tôi chỉ là một người gác cửa với xâu chìa khóa. Mỗi chiếc chìa thuộc về một người khác nhau (ở Disney Studios). Đôi khi họ chỉ cần tôi trao quyền và và hỗ trợ họ. Thỉnh thoảng lại có sự lộn xộn, và tôi cố giúp đỡ”.

Thế nhưng chắc chắn Alan Horn không phải kẻ mềm yếu. Ông là thầy dạy võ và từng phục vụ trong Không quân hồi thập niên 60. Huyền thoại kể rằng, Alan Horn từng… đấm lõm tường trong một buổi phỏng vấn để gây ấn tượng với người tuyển dụng.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhà quản lý này vẫn vô cùng tráng kiện. Sức khỏe tốt giúp Horn có thể ở lại nhiều cuối tuần trong phòng biên tập để chỉnh sửa Maleficent, một trong những tác phẩm ông can thiệp mạnh tay nhất. Khi bộ phim có Angelina Jolie thắng lớn với 758 triệu USD tại phòng vé, cả Disney thở phào với hướng đi mới cho những chuyện cổ tích/phiêu lưu.

Nắm trọn Pixar, Marvel và Lucasfilm trong lòng bàn tay

Nhiều người đơn giản hóa phương thức thành công của Disney bằng công thức: “Mua thương hiệu đã có sẵn, làm phim, hốt bạc”. Song vấn đề không đơn giản như vậy, đơn cử như Warner Bros. chưa thành công với DC và vừa đại bại với Pan (trong khi The Jungle Book của Disney lại ăn khách). The Phantom Menace cán mốc 1 tỷ đô, nhưng The Force Awakens, dưới mái nhà Disney, thu về gấp đôi. Vấn đề là chất lượng, như Horn từng đúc kết: “Chất lượng là kế hoạch kinh doanh tốt nhất”.

Với những con chim đang hót hay, Alan Horn biết rằng chỉ cần vuốt ve chúng. Ông trao những hợp đồng dài hạn cho Bergman, Ricky Strauss (trưởng ban marketing) và Sean Bailey (giám đốc sản xuất các phim live-action). Từng có người hỏi Horn kế hoạch của ông với Marvel là gì, và vị CEO này đã trả lời: “Tôi sẽ mang cà phê cho họ”. Những người ở Marvel Studios đã và đang làm tốt nhiệm vụ, vì thế Horn biết rằng họ xứng đáng có được quyền tự quản.

Alan Horn cùng đội ngũ của Pixar trong buổi ra mắt “Inside Out”

Cách ông đối xử với Pixar cũng tương tự. Alan Horn từng so sánh Pixar với Athens, nơi mọi người thân thiện với nhau, còn Marvel là Sparta, với đầy những khách hàng cứng cựa. Nhưng điểm chung là ông đều cho họ sự tự do đáng kể. Cách quản lý kiểu “lạt mềm buộc chặt” này đã phát huy tác dụng. Trong năm qua, Inside Out đánh dấu cuộc phục sinh của Pixar, không chỉ với doanh thu 856 triệu USD, mà là niềm tin về một hãng phim có thể sản xuất những tác phẩm hoạt hình đầy trí tuệ.

Công việc của Horn đòi hỏi ông bước đi giữa lằn ranh của sự đóng góp và xâm phạm. Người tiền nhiệm của Alan Horn ở Disney là Rich Ross làm việc theo phong cách “chặt chém”, lao vào khuấy tung mọi thứ và bị mọi người xa lánh.

Trong khi đó, Horn đưa ra những góp ý tích cực và chấp nhận những bất đồng. Ông từng yêu cầu J. J. Abrams tăng kích cỡ robot BB-8, nhưng đạo diễn của Star Wars: The Force Awakens từ chối thẳng thừng, và sau này Horn cũng đồng ý. Trong các cuộc phỏng vấn, vị CEO này thường ca ngợi những bộ óc thiên tài ở Disney trước khi nói về mình.

Thế nhưng nếu ai nghĩ Horn không dám mạnh tay, họ hoàn toàn sai lầm. Vào năm ngoái, vũ trụ điện ảnh Marvel có dấu hiệu chệch choạc dù Age of Ultron vẫn thu về đến 1,4 tỉ USD. Nếu là một CEO khác, họ sẽ hài lòng và duy trì ê-kip cho phần tiếp theo, nhưng Alan Horn và Bob Iger thì không. Những thay đổi đã được đưa ra, trong số đó quan trọng nhất là việc cắt đứt sự chi phối của Isaac Perlmutter (CEO Marvel Entertainment) với mảng phim ảnh của Marvel.

Cuộc tranh đoạt quyền lực giữa Isaac “Ike” Perlmutter (bên trái) và “liên minh” Kevin Feige – Alan Horn (sẽ được phân tích kỹ hơn trong một bài viết khác)

Từ giờ, Kevin Feige sẽ làm việc trực tiếp với Alan Horn. Sự kiện này được báo giới xem là cách Disney “cởi gông xiềng” cho CEO của Marvel Studios. Về đường dài, vẫn chưa biết hiệu quả của cuộc thanh lọc này đến đâu, nhưng trước mắt, có vẻ như Civil War và Doctor Strange đang tạo được ấn tượng tốt hơn so với Age of Ultron.

Những dấu ấn của một thiên tài

Mặc dù vậy, không có tác phẩm nào của Disney là không qua tay Alan Horn, bao gồm cả các dự án của Pixar, Marvel, và Lucasfilm. Những ngón tay của Horn chạm vào tất cả các khâu từ sản xuất, tuyển diễn viên, biên tập, đến cả marketing và phân phối. Ông thậm chí còn quản lý cả thương hiệu nhạc, nhánh Broadway của Disney và dự án Disney Movies Anywhere, một nỗ lực đột phá để người dùng thay thế thư viện DVD bằng các sản phẩm số hóa.

Nếu như với Marvel, Pixar và Lucasfilm, Alan Horn chỉ như một cố vấn từ xa, thì dấu ấn của ông được thể hiện rõ nét hơn trong những sản phẩm của Walt Disney Pictures và xưởng hoạt hình Disney.

“The Jungle Book” có khởi đầu mạnh mẽ tại các rạp chiếu

Alan Horn là người quyết định việc thay thế đạo diễn của Cinderella, cũng như trao vai chính cho Lily James, ngôi sao của Downtown Abbey. Ông cũng yêu cầu Kenneth Branagh phải thực hiện cảnh vũ hội thật tráng lệ, dù có phải tăng kinh phí, và thực tế là trường đoạn này đã chinh phục được người xem. Kết quả là năm ngoái, Cinderella thu về đến 542 triệu USD, gấp hơn 5 lần kinh phí (95 triệu). Ông cũng nhiều lần gặp gỡ các đạo diễn của Frozen và Big Hero 6 để đưa ra những góp ý quan trọng về thiết kế sản xuất cũng như kịch bản.

Một dấu ấn khác của Alan Horn là tác phẩm vừa ra mắt, The Jungle Book. Bất chấp các nghi ngại, vị CEO này nhất mực yêu cầu Jon Favreau lèo lái dự án. Và cuối cùng, đạo diễn của Iron Man đã khiến mọi người không phải thất vọng khi kết hợp được ý tưởng của Kipling cùng chất liệu của Disney. Horn cũng buộc đạo diễn tăng chất tăm tối cho phim (một điều hiếm thấy ở Disney). Ông nhúng tay sâu vào dự án này đến mức từng tuyên bố: “Nếu nó không thành công, hãy bắn tôi đi. Vì tôi chính là người muốn phiên bản đó”.

“Zootopia” nhận được rất nhiều góp ý từ Alan Horn

Với Zootopia, Alan Horn muốn nêu bật được sự đau khổ của chú cáo Nick Wilde khi không thể thoát khỏi định kiến về một con thú săn mồi. Câu thoại “Ngay khi tôi tưởng có người tin tôi…” được Horn thêm vào phim, sau đó là cảnh Nick thở dài và rời xa cô thỏ Hopps. Nhà sản xuất Clark Spencer nói ông rất thích sự bổ sung này vì nó tóm tắt trọn vẹn cảm giác của một nhân vật luôn cảm thấy cả thế giới chống lại mình, tưởng như đã tìm được một người tin tưởng anh ta, thì giờ đây lại bị chính người đó đưa trở lại trạng thái cũ.

Nhận xét về Alan Horn, chủ tịch của Marvel Studios là Kevin Feige từng nói: “Nhiều nhà điều hành các công ty giải trí làm việc trong nỗi sợ hãi (thất bại), nhưng kinh nghiệm và sự tự tin của Horn giúp ông đi từ quan điểm của khán giả, mà theo tôi, đó là quan điểm duy nhất có ý nghĩa”. Khi xem Frozen, Horn lo lắng về việc công chúa Anna sẽ gây khó chịu cho người xem khi vừa đính hôn với hoàng tử Hans, vừa tán tỉnh anh chàng lực lưỡng Kristoff. Cảnh này đã bị thay đổi.

Trái ngọt

Sau bốn năm Alan Horn làm việc, hãy nhìn lại kết quả của Disney Studios qua những con số. Năm 2014, hãng đạt lợi nhuận 1,55 tỉ USD so với 661 triệu trong năm 2013. Năm 2015, nhờ doanh thu của Age of Ultron và The Force Awakens, Disney chiếm phân nửa số lợi nhuận mà Hollywood đạt được (2,5 tỉ USD so với 5,2 tỉ USD). Nhà phân tích Doug Creutz nhận xét: “Đó là một mức độ thành công điên rồ”.

“Star Wars 7″ giúp Disney vượt mặt Universal về mặt lợi nhuận

Bước vào năm nay, Disney thậm chí còn lấn át hơn với thành công của Zootopia, The Jungle Book, trong khi Civil War, Finding Dory và Rogue One: A Star Wars Story vẫn còn chưa ra mắt. Gần như chắc chắn hãng sẽ cán mốc 1 tỉ USD nhanh nhất trong lịch sử, phá kỷ lục do Universal thiết lập hồi năm ngoái. Nếu năm tài khóa này diễn tiến thuận lợi, không loại trừ khả năng tổng lợi nhuận của Disney sẽ vượt tất cả các studio khác ở Hollywood cộng lại.

Và đương nhiên, những lời hoa mỹ nhất đã được dành tặng người đứng đầu Walt Disney Studios. Ở tuổi 73, Alan Horn đã đứng trên đỉnh vinh quang với những thành công mà có lẽ rất lâu sau nữa mới có người sánh kịp.

Mặc dù vậy, nhà quản lý này vẫn rất khiêm tốn và tóm gọn phương châm làm việc của mình bằng câu nói: “Tôi không bao giờ nói quyền hạn của tôi là gì, dù là quyết định của tôi hay của họ. Tất cả họ đều được đối xử với sự yêu mến, tôn trọng và ủng hộ”. Alan Horn có thể không phải một nhà kinh doanh điện ảnh hoàn hảo (từng thất bại với Tomorrowland), nhưng ông đơn giản là người giỏi nhất.

Tương lai nào cho Disney khi Alan Horn và Bob Iger ra đi

Không có cuộc vui nào là mãi mãi, và sự thật là bộ khung vàng của Disney đã sắp đi đến những ngày cuối cùng. CEO của Walt Disney Company là Bob Iger sẽ hết hợp đồng vào tháng 6 năm 2018, trong khi Thomas Staggs, người được cho là sẽ kế nhiệm ông, lại bất ngờ tuyên bố chia tay Disney vào tháng 4 vừa qua. Hợp đồng của Alan Horn cũng chỉ có thời hạn đến năm 2018; khi đó ông đã 75 tuổi, và lần này có thể sẽ thật sự nghỉ hưu.

Hẳn nhiên, Disney sẽ rất đau đầu trong việc tìm kiếm người kế tục những di sản quá lớn mà Bob Iger và Alan Horn để lại.

Không rõ chú chuột Mickey có còn duy trì được sự thống trị của mình sau cột mốc 2018 hay không, nhưng đó dẫu sao cũng là chuyện của tương lai. Ở thời điểm này, các fan của Disney hãy cứ tận hưởng thời hoàng kim của hãng, hãy hòa vào hàng người dài trước những suất chiếu của The Jungle Book hay Civil War. Bởi vì, như người ta đang kháo nhau: “IT’S GOOD TO BE DISNEY RIGHT NOW!”

Theo Hoàng Ân

Trí thức trẻ/Kenh14

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928