Khi Netflix khởi nghiệp cách đây gần 20 năm với dịch vụ cho thuê phim qua thư, thế giới giải trí – truyền thông vẫn còn quanh quẩn với các chương trình truyền hình và những cửa hàng cho thuê băng đĩa nhỏ hẹp.
Giờ đây, sau một chặng đường đầy chông gai, Netflix đã trở thành một đế chế giải trí trực tuyến toàn cầu trị giá 47 tỷ đô la.
Netflix được thành lập năm 1997 tại California bởi hai đồng sáng lập Marc Randolph và Reed Hastings. Reed Hastings từng là một thầy giáo dạy toán. Sau khi tốt nghiệp, ông dành hai năm làm giáo viên tình nguyện tại Swaziland rồi quay về Mỹ và sáng lập Công ty Pure Software năm 1991 (công ty này đã được bán lại với giá 700 triệu đô la Mỹ). Về phần Marc Randolph, trước khi sáng lập Netflix từng là giám đốc marketing của một công ty đa quốc gia.
Hai đồng sáng lập này đã đường ai nấy đi từ năm 2004 nên câu chuyện về nguồn gốc ý tưởng sáng lập Netflix vẫn còn gây tranh cãi. Câu chuyện phổ biến trên truyền thông là hai người định kinh doanh gì đó trên Internet nhưng bí ý tưởng. Lúc đó, Reed Hastings sau khi bị phạt 40 đô vì trả chậm đĩa phim Appollo 13 đã nảy ra ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD phim qua email. Từ một công ty cho thuê băng đĩa nhỏ với vốn đầu tư 2,5 triệu đô, Netflix với sự lãnh đạo của hai đồng sáng lập có tầm nhìn đã nhanh nhạy bắt kịp xu hướng và thành công rực rỡ.
Netflix hiện có 81 triệu người dùng toàn cầu, sở hữu 100 triệu giờ phim các loại
Thời kỳ bùng nổ Internet đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành kinh doanh ban đầu của Netflix. Công ty này đã nhanh nhạy chuyển đổi từ ngành kinh doanh chủ chốt là DVD thành dịch vụ truyền hình trực tuyến Internet, sản xuất cả phim và show truyền hình. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh một thời là Công ty Blockbuster vẫn kiên trì bám trụ vào dịch vụ cho thuê DVD và video trò chơi, đã từ chối sáp nhập với Netflix, rốt cuộc đã phá sản vào năm 2010. Trong cùng năm 2010, Netfix đạt mốc 16 triệu người dùng.
Năm 2011, Netflix rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi tách riêng mảng kinh doanh cho thuê DVD và xem phim trực tuyến. Trước đó nữa, trong vòng 4 năm, lủng củng nội bộ giữa Hastings và nhiều lãnh đạo cao cấp của hãng khiến Netflix mất một loạt nhân sự tâm huyết và có năng lực, là những “công thần” đã góp công xây dựng đế chế Netflix từ ngày đầu. Giá cổ phiếu của hãng giảm 77%, mất 800.000 người dùng.
Tháng 10/2011, sau 3 tuần ra mắt, Hastings phải đóng cửa Qwikster – công ty con cho thuê DVD thuộc Netflix. Hastings cũng đăng tải trên blog một bài viết ngắn nhằm dẹp làn sóng phẫn nộ đang dâng cao của người dùng ngay sau khi xuất hiện clip quảng bá vụng về về Qwikster.
Ông viết: “Tôi đã quá sai lầm. Tôi còn nợ tất cả mọi người một lời giải thích rõ ràng. Từ những phản hồi của người dùng, chúng tôi thấy rằng mình đang thiếu sự tôn trọng khách hàng khi tách hoạt động cho thuê DVD và xem video trực tuyến thành hai mảng kinh doanh riêng biệt của công ty; và bên cạnh đó là vấn đề tăng giá dịch vụ… Sau khi những sự việc đáng tiếc này xảy ra, tôi mới nhận ra rằng mình là một kẻ kiêu ngạo bởi quá tự tin và khư khư giữ lấy những thành công trong quá khứ của mình. Trong một thời gian dài, chúng tôi đã làm rất tốt việc cung cấp và cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dùng, nhưng chính vì những sai lầm của tôi mà Netflix đang trượt ngã”.
Mọi chuyện tươi sáng hơn khi Netflix quyết định mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất các chương trình truyền hình và phim truyện độc quyền. Năm 2013, bộ phim “House of Cards” dài 13 tập do Netflix sản xuất đã được đề cử 9 giải Emmy và thắng 3 giải. Hơn thế nữa, đây là bộ phim truyền hình có tỷ suất người xem cao nhất nước Mỹ tính đến thời điểm hiện tại. Toàn bộ 13 tập phim được tung ra cùng một lúc, và người xem cũng không bị quảng cáo làm gián đoạn.
Netflix đã thực sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Reed Hastings cho biết lý do của động thái này: “Tung ra 13 tập phim liên tiếp lên sóng không phải là một canh bạc. Đây là cách để khách hàng thoải mái kiểm soát việc họ giải trí khi nào và như thế nào”.
Chiến lược tạo nhiều thiện cảm hơn là cố gắng sử dụng mánh khóe đã làm tăng số lượng người dùng đăng ký Netflix. Khách hàng đã phản ứng tích cực trước sự hào phóng của Hastings và giá cổ phiếu Nitflix tăng gấp 3 vào cuối năm 2013.
Từ tháng 8/2015, Netflix công bố chính sách nghỉ thai sản không giới hạn thời gian, hưởng lương đầy đủ cho nhân viên, cả nam và nữ. Đây là một chính sách đột phá giúp Netflix thuyết phục nhân viên tài năng gắn bó lâu dài với công ty.
“Tại Netflix, chúng tôi nghĩ rằng các nhân viên có thể tự xây dựng một ý thức trách nhiệm khi họ thực sự yêu công việc họ làm. Điều chúng tôi cần là hiệu quả công việc, chứ không quan tâm số giờ nhân viên có mặt ở công ty. Vì thế, Netflix sẵn sàng tạo điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển, từ đó gắn bó lâu dài với công ty”.
Netflix đang tiếp tục mở rộng sản xuất và phát sóng các nội dung độc quyền để thoát khỏi thế phụ thuộc và thu hút ngày càng nhiều khán giả hơn nữa. Reed Hastings tự tin rằng với sự đi xuống của truyền hình cổ điển, Netflix sẽ có tương lai ngày càng tươi sáng hơn ở phía trước.
Tháng 4/2016, Netflix đã đạt đến con số 81 triệu người dùng toàn cầu, riêng tại Mỹ là 46 triệu, sở hữu 100 triệu giờ phim các loại.
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!