Đối với Bahl, việc bị từ chối visa vào Mỹ hóa ra lại là một điều may mắn.
Vào năm 2007, Kunal Bahl tốt nghiệp ngành kinh doanh ở đại học Pennsylvania, được mời làm cho Microsoft ở Seattle và mơ ước chuyển tới Thũng lũng Silicon để mở công ty của riêng mình.
Thế nhưng, giấc mơ của Bahl đã tan tành mây khói khi cơ quan quản lý nhập cư Mỹ từ chối đơn đăng ký visa H-1B của anh, Visa H-1B là loại visa dài hạn, dành cho lao động trình độ cao đến từ nước ngoài ở Mỹ.
“Tôi rất muốn ở lại Mỹ vì tôi có thể học hỏi được nhiều điều”, Bahl nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2012, giải thích suy nghĩ của anh vào thời điểm đó. “Nhưng nếu cảnh cửa ở Mỹ đóng lại, thì tôi nên trở về Ấn Độ và mở công ty của mình”.
Giới công nghệ Ấn Độ gần đây đang ngồi trên đống lửa vì những báo cáo cho thấy, tổng thống Trump có thể siết chặt chính sách nhập cư vào Mỹ đối với lao động trình độ cao. Visa H-1B được nhiều công ty Ấn Độ đăng ký để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Đối với Bahl, việc bị từ chối visa vào Mỹ hóa ra lại là một điều may mắn. Mất cơ hội làm việc ở Microsoft, anh trở về Ấn Độ và thành lập Snapdeal với bạn mình, Rohit Bansal vào năm 2010.
Snapdeal là một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ, được định giá vào khoảng 7 tỷ USD. Công ty này được đầu tư bởi các đại gia toàn cầu như Alibaba của Trung Quốc và Softbank của Nhật Bản. Snapdeal hiện đang cạnh tranh với Amazon và công ty dẫn đầu thị trường nội địa Flipkart ở Ấn Độ.
“Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi nghĩ rằng nếu có một trăm đơn đặt hàng mỗi ngày thì đã là tốt lắm rồi”, người doanh nhân này nói với CNN. “Thế nhưng, chỉ một hay hai tháng sau đó, chúng tôi có tới một trăm đơn đặt hàng mỗi phút”.
Snapdeal hiện có khoảng 50 triệu người dùng và hơn 300.000 nhà bán lẻ, bán mọi thứ từ giày dép cho đến tivi ở 6000 thành phố và thị trấn của Ấn Độ.
Công ty này đã mở rộng sang mảng thanh toán điện tử vào 2 năm trước khi mua lại Freecharge. Dịch vụ trên thu hút hàng triệu người dùng sau khi Ấn Độ đột nhiên cấm lưu hành 86% lượng tiền mặt vào tháng 11 năm ngoái.
“Chúng tôi đang phát triển lớn mạnh ở các thị trấn và thành phố nhỏ của Ấn Độ. Đây sẽ là nguồn cầu rất lớn trong tương lai”, Bahl nói.
Các đối thủ lớn hơn cũng có chung quan điểm với anh. Thúc đẩy khối dân số nông thôn Ấn Độ, chiếm hơn 900 triệu người, sử dụng Internet là một thách thức mà Google và Facebook đang cố gắng vượt qua.
Theo các chuyên gia, số người dùng smartphone ở Ấn Độ sẽ sớm vượt Mỹ, và thương mại điện tử đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất ở quốc gia này. Amazon đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Ấn Độ kể từ năm 2013.
“Thị trường 15 tỷ USD hôm nay sẽ trở thành 300 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Cơ hội tăng trưởng của chúng tôi là rất lớn”, Bahl nói.
Vị CEO 33 tuổi cũng lạc quan không kém về cơ hội cho thanh niên Ấn Độ tại quê nhà, nơi anh trở về gần 1 thập niên trước. “Chúng tôi có những kỹ sư giỏi nhất thế giới và số dân nói tiếng Anh lớn. Khối dân số sử dụng Internet cũng rất lớn”, anh nói.
“Nhiều thành viên trong nhóm của tôi sẽ mở công ty riêng, và nhiều nhân viên trong công ty của họ cũng sẽ mở công ty riêng. Điều quốc gia chúng tôi cần bây giờ là thêm nhiều doanh nhân, chứ không phải thêm các chính sách”, Bahl kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ/CNN
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!