Jim Hackett đã làm nên danh tiếng cho mình khi ông xoay chuyển tình thế tại Steelcase, đưa nhà sản xuất đồ nội thất văn phòng này trở thành một trong những công ty được khâm phục nhất nước Mỹ. Giờ ông đang thực thi một nhiệm vụ còn nan giải hơn tại Ford Motor. Cuối tháng 5 vừa qua, Ford tuyên bố Hackett, 62 tuổi, được bổ nhiệm làm CEO với niềm tin ông sẽ là “nhà lãnh đạo có khả năng giúp Ford chuyển mình”.
Jim Hackett – tân CEO của Ford.
Hackett thay thế Mark Fields, người đã dẫn dắt Ford trong 3 năm qua. Fields đã gặp nhiều sức ép khi giá cổ phiếu Ford sụt giảm gần 40% trong suốt thời gian ông làm CEO, lợi nhuận thì sa sút giữa lúc một câu hỏi đặt ra liệu Ford có bị bỏ lại đằng sau trong thế hệ ô tô tương lai: xe không người lái. Ford đã phải chịu đựng nỗi nhục bị qua mặt về vốn hóa thị trường bởi Tesla, một hãng xe điện có sản lượng sản xuất chỉ bằng một phần nhỏ của 6,6 triệu chiếc xe hơi mà Ford xuất xưởng mỗi năm.
Những thách thức này phải được giải quyết và Hackett được cho rằng là người phù hợp nhất vì ông có thành tích đưa Steelcase qua nhiều cuộc suy thoái và những thay đổi lớn trong ngành. “Ông ấy là người có tầm nhìn. Nhưng không chỉ là người hướng về tương lai mà ông còn là một nhà điều hành hoạt động rất giỏi”, William C. Ford Jr., Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ford, nhận xét.
Hackett, tốt nghiệp ngành tài chính, gia nhập Steelcase vào năm 1980, kinh qua nhiều vị trí cấp cao trong mảng marketing và kinh doanh và chứng tỏ ông có trực giác tốt về xu hướng tương lai. Một ví dụ là rất lâu trước khi văn phòng mở trở thành chuẩn tại các công ty Mỹ, ông đã cho các nhà quản lý dưới trướng nhập chỗ làm việc của họ mà không có tường hay dãy ngăn cách để tạo điều kiện cho hoạt động làm việc nhóm.
Khi Steelcase sa sút vào năm 1994, ông đã được cất nhắc lên vị trí CEO ở tuổi 39. Ông đã “bắt” các nhà điều hành và nhà thiết kế của Công ty phải nghĩ xa hơn về tương lai của đồ nội thất trong một môi trường làm việc, đưa các nhà xã hội học và nhà nhân loại học vào để giúp những nhà thiết kế hiểu cách con người ngày nay làm việc với nhau, theo James P. Keane, người làm việc với Hackett suốt 17 năm ở Steelcase và kế vị ông trở thành CEO.
Dưới sự lãnh đạo của Hackett, Steelcase đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới được thiết kế dành cho văn phòng không gian mở, có màn hình video và các đội làm việc theo nhóm. Cùng với đó, Hackett đã xây dựng một mạng lưới mối quan hệ trong các doanh nghiệp sử dụng môi trường làm việc mới, đặc biệt trong ngành công nghệ; đây là các mối quan hệ mà sẽ có ích sau này tại Ford.
Hackett được đánh giá là nhà điều hành có cách nói chuyện thẳng thắn về kết quả làm việc. Bạn bè và đồng nghiệp đánh giá Hackett là một nhà quản lý rất trực tính, sẵn sàng chỉ rõ những ai làm không được việc.
Hackett và William C. Ford đã gặp nhau khi làm việc về các vấn đề thuế nhà nước. Cả hai cùng có chung sở thích về bóng đá. Hackett đã gia nhập Hội đồng Quản trị Ford vào năm 2013 và rời khỏi vị trí CEO Steelcase 1 năm sau đó. Cùng lúc ấy, ông đã trở thành một vị anh hùng bóng đá tại Đại học Michigan.
Với một đội bóng đá sa sút và ban thể thao bị rối ren, ông đã nhảy vào với vai trò Giám đốc Thể thao tạm thời và mời ngay Jim Harbaugh về huấn luyện cho đội bóng của Michigan. Harbaugh khi đó là một huấn luyện viên danh tiếng của NFL, đòi mức thù lao cao ngất ngưỡng và đã từng từ chối lời mời của Michigan. Nhưng Hackett đã không ngừng tiếp cận và chiêu dụ. Cuối cùng Jim Harbaugh đã đồng ý. “Không có Jim Hackett thì cũng không có Jim Harbaugh”, John U. Bacon, tác giả những cuốn sách bán chạy về đội bóng Michigan, nhận xét.
Tháng 2/2016, các thành viên Hội đồng Quản trị Ford đã ghé thăm nhiều công ty ở thung lũng Silicon và William C. Ford đặc biệt bị ấn tượng với Hackett vì ông biết quá nhiều nhà điều hành ở đây. “Ai nấy gặp Jim đều dành cho ông một cái ôm thân tình. Nhiều người trong số họ nói ông là một trong những người có lối suy nghĩ rất thực tế và độc đáo: Các anh thực sự may mắn khi có Jim ngồi trong ban quản trị”, William C. Ford nhớ lại.
Một tháng sau đó, Hackett đã rời Đại học Michigan và được mời về điều hành bộ phận Ford Smart Mobility, phụ trách xe không lái và các công nghệ mới khác. William C. Ford cho biết Ban quản trị đã có nhiều cuộc thảo luận về việc ai sẽ dẫn dắt Công ty và áp lực thay đổi CEO càng gia tăng sau khi lợi nhuận đã giảm xuống trong quý I/2017. Hội đồng Quản trị đã quyết định đưa Hackett trở thành CEO. Nhưng liệu Hackett có thể lặp lại thành công ở Steelcase?
Không chỉ Hackett thiếu kinh nghiệm về ngành ô tô, ông còn đối mặt với thách thức về quy mô của công ty mà ông nhận trọng trách léo lái. Steelcase năm 2016 đạt doanh thu 3,1 tỷ USD trong khi Ford, hãng xe lớn thứ 2 nước Mỹ chỉ sau GM, có doanh thu lên tới 151 tỷ USD.
Ford hiện đang chịu áp lực phải bắt kịp các đối thủ trong ngành. GM gần đây đã tung ra Bolt, một mẫu xe điện tương đối rẻ và được khen ngợi vì đã có tầm nhìn xa với việc đầu tư vào Lyft, một dịch vụ gọi xe và Cruise Automation, một startup về công nghệ không người lái.
Các kế hoạch “điện hóa” ô tô của Ford thì ít tiên tiến hơn rất nhiều và một khoản đầu tư gần đây trị giá 1 tỷ USD vào Argo, một startup công nghệ không người lái khác, cũng bị cho là quá đắt. Đó là chưa nói đến sức ép cạnh tranh mới đến từ những hãng công nghệ như Google, Apple và Tesla, vốn đã tạo một cảm giác sợ hãi cho mọi hãng xe khi họ vật lộn với công nghệ mới.
Ngoài việc phải tìm ra một tương lai cho Ford, Hackett cũng sẽ phải tìm cách giải quyết những vấn đề hiện nay của hãng xe này. Hackett không có thể làm gì nhiều để thay đổi được một sự thật là Ford đang thiếu quy mô so với những gã khổng lồ của ngành.
Hầu như không hãng xe nào sẵn sàng chịu rủi ro thực hiện các cuộc M&A lớn để giải quyết tình trạng thừa công suất. Bản thân Hackett cũng không thể làm được gì nhiều để cải thiện một thương hiệu thiếu tính đặc sắc.
Các cơ sở hoạt động nước ngoài của Ford có mức sinh lời khá yếu ớt. Trong khi đó, GM đã đi những nước cờ dứt khoát hơn: bán đi bộ phận châu Âu và đóng cửa hoạt động ở Ấn Độ và Nam Phi. Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, vốn đóng góp gần 2/3 doanh thu của Ford, có thể gây khốn đốn cho Công ty khi thị trường này dường như cũng đã bão hòa và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.
Để giải quyết tình trạng thừa công suất, Ford gần đây cho biết sẽ cắt giảm 1/10 lực lượng lao động có hưởng lương trên toàn cầu, nhưng điều đó có thể không đủ để kiềm thua lỗ ở Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác.
Hackett cũng cam kết sẽ thúc đẩy nhanh quá trình ra quyết định, giảm tính quan liêu và cho thêm một chút thú vị vào văn hóa ở Ford. Đó mới chỉ là những bước đầu tiên ở vị trí mới. Sắp tới Hackett sẽ làm gì để lật ngược thế cờ ở hãng xe này.
Theo Nhịp cầu đầu tư.
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!