Đêm Noel đầy tuyết ở Paris năm 2008 đã đưa tới cho Travis Kalanick ý tưởng đầu tiên để tạo ra Uber. 10 năm sau, Uber là startup giá trị hàng đầu thế giới, tạo nên hàng triệu kết nối, nhưng thời gian và những biến động đã khiến nó không thể giữ được kết nối quan trọng nhất: Travis và chiếc ghế CEO.
Kalanick đi lại trong phòng, chờ đến cuộc hẹn quan trọng chiều nay: Đó là cuộc hẹn phỏng vấn ứng viên tiềm năng cho một số vị trí lãnh đạo còn trống của Uber. Dạo gần đây, công việc này là mối bận tâm lớn nhất của ông, với mục tiêu tạo ra “đội ngũ lãnh đạo đẳng cấp thế giới” cho công ty này.
Và còn một lý do khác, ấy là Kalanick đang có nhiều thời gian trống khi tạm nghỉ công việc điều hành trực tiếp tại Uber, dù ông vẫn đảm nhiệm chức CEO.
Chuông cửa vang lên, Kalanick nhận ra khách tới không phải là ứng viên mà là những người quen: Matt Cohler and Peter Fenton từ quỹ đầu tư mạo hiểm tại Silicon Valley, cũng là cổ đông lớn của Uber. Họ đến để đưa ra thỏa thuận với Travis Kalanick.
Cầm trên tay danh sách những yêu cầu của các cổ đông, Kalanick dần tái mặt tức giận. Trong số những gạch đầu dòng ngắn gọn được đưa ra, nhóm các ông chủ của Uber đề nghị Travis Kalanick lập tức từ chức. Điều đáng buồn là yêu cầu này không phải chỉ đến từ Matt Cohler and Peter Fenton, mà còn từ 5 nhà đầu tư chính của Uber, bao gồm cả Benchmark và quỹ Fidelity.
Travis Kalanick lớn tiếng tranh cãi, sau đó gọi điện cho Arianna Huffington, một thành viên ban giám đốc, để tìm kiếm sự ủng hộ về tinh thần. Nhưng phản ứng của Huffington càng khiến Kalanick ngạc nhiên hơn. Nữ phát ngôn viên của Uber khuyên ông “nên bình tĩnh cân nhắc đồng ý với những yêu cầu ấy”.
Buổi chiều ở khách sạn đó tua qua cuộc đời của Travis Kalanick như một bộ phim không có hậu, khi tất cả những gì từng ủng hộ giờ đây quay lưng lại với ông. Từng người một, từ nhà đầu tư, ban điều hành, các nhà quản lý và cả những người bạn thân đều không còn đứng bên ông trong thỏa thuận này.
Chuyện này đúng là một cú sốc, vì chỉ vài tháng trước, vị trí của Kalanick tại Uber gần như bất khả xâm phạm. Ông là người đích thân tuyển dụng nhiều vị trí cao cấp trong ban điều hành, có toàn quyền quyết định con đường phát triển của Uber cũng như có quyền bỏ phiếu phủ quyết mọi quyết định của ban giám đốc. Ai từng biết Kalanick cũng ca ngợi ông – một trong những doanh nhân nhạy bén nhất thế kỷ.
Nhưng ngay khi Kalanick bị ép ngã ngựa – điều mà nhiều người cho rằng nguyên nhân xuất phát từ thói kiêu ngạo của CEO này – quan hệ chẳng mấy thân thiết của ông với những người còn lại của bộ máy Uber bị phơi trần: Kalanick đứng một bên, và họ đứng hết sang bên còn lại.
Người đàn ông đã gắn bó 8 năm nhiệt huyết với Uber cuối cùng quyết định dành toàn bộ thời gian còn lại của ngày hôm đó để trao đổi với 2 vị khách. Cả 3 ở lại trong phòng khách sạn đến nửa đêm, và cuối cùng, Kalanick chấp nhận điều gây tổn thương cho chính ông: rời ghế CEO Uber.
23h30 đêm 20/6, Travis Kalanick chính thức ký vào đơn từ chức của mình, kết thúc “cuộc phiêu lưu” với Uber.
Chẳng một phát ngôn viên nào của Uber bình luận về thông tin này trong suốt nhiều ngày sau đó.
Uber tạo nên danh tiếng cho Travis Kalanick, còn Kalanick mang dự án này bước ra khỏi danh sách dài những cái tên tiềm năng nhưng thiếu tính đại chúng, để biến nó thành thứ đưa ngành vận tải toàn cầu bước sang một trang mới, tạo nên bước ngoặt về nền kinh tế chia sẻ. Công ty nho nhỏ ngày nào phát triển từ một ý tưởng trong đêm mưa tại thành phố Paris có lúc đã đạt giá trị tới 70 tỷ USD, trở thành một trong những startup quyền lực nhất thế giới.
Suốt 8 năm miệt mài với Uber, Kalanick từng có thời gian dài không nhận một xu tiền lương, ăn mì tôm ròng rã hàng tháng trời, xuất hiện không mệt mỏi trong mọi vòng kêu gọi vốn đầu tư, là hình ảnh “thân thiện, sẻ chia, mạnh mẽ” của một trong những đại diện công nghệ vĩ đại nhất thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, và biểu tượng của một thế hệ lãnh đạo mới – những con người đến gần với công nghệ tương lai hơn phần lớn nhân loại trên thế giới. Nhưng giờ thì Uber rũ bỏ Kalanick, hay nói đúng hơn, là những scandal mà Kalanick trực tiếp hoặc gián tiếp dính tới.
Vụ “trời sụp” với Kalanick bắt đầu từ những chia sẻ trên blog của nữ kỹ sư Susan Fowler vào tháng 2 khi người này tiết lộ chi tiết tình trạng quấy rối tình dục thường xảy ra tại Uber. Uber rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, mở đường cho những khiếu nại và những cuộc điều tra tiếp theo.
Lúc đó, ban giám đốc của Uber nói rằng họ sẽ luôn đứng bên Kalanick. Trả lời báo chí giữa tâm điểm những chỉ trích, chính Arianna Huffington tự tin khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng vào ông ấy. Điều tiếp theo đây Uber sẽ làm là : đơn giản hóa mọi chuyện, thay đổi từ cấp cao nhất”.
Nhưng hậu trường phía sau lại không đơn giản như thế. Gurley – một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Uber – tỏ ra khó chịu với người giữ ghế CEO và bắt đầu kích động sự thay đổi sâu sắc trong bộ máy của Uber. David Bonderman – thành viên của quỹ TPG Capital – chống đối Kalanick nhiều hơn trong những cuộc họp đội đồng quản trị, nhất là khi ông thấy Kalanick lôi kéo mình trong cuộc chiến giành phiếu bầu để thay đổi một số vị trí quan trọng trong ban điều hành, như CFO và COO.
Cú chốt tạo nên danh tiếng xấu xí của Kalanick là đoạn băng ghi hình cuộc khẩu chiến ngắn ngủi giữa ông và một tài xế của chính Uber bị báo chí đăng tải. Kalanick thực tế đã làm gì? Ông chỉ nổi giận, nói một vài lời gây tổn thương tới nhân viên đang gặp khó khăn vì những thay đổi trong chính sách của Uber.
Đó lẽ ra phải là chuyện thường và một tay quản lý marketing “gà mờ” cũng có thể xử lý tốt hậu quả. Nhưng ai bảo Kalanick lại là đại diện hình ảnh của Uber, ai bảo ông đưa Uber đứng trên bục vinh danh của ngành công nghệ đại diện cho nền kinh tế chia sẻ, trong khi chẳng có sự chia sẻ nào ẩn nấp trong những lời đổ lỗi và có phần ích kỷ của người đứng đầu công ty? Kalanick làm xấu mặt Uber, quay lưng lại với giá trị cốt lõi của công ty này.
Cuối tháng 5, chuyện buồn về tai nạn của cha mẹ khiến Kalanick thường xuyên vắng mặt ở nhiệm sở, điều ông rất ít khi làm trong suốt 8 năm gắn bó với Uber. Trong suốt thời gian đó, rất nhiều cánh tay phải của Travis Kalanick hoặc bị sa thải, hoặc tự động rời đi.
Đứng trước yêu cầu bước xuống khỏi sân khấu của chính mình, Kalanick lập tức thông báo tạm thời rời ghế điều hành Uber với lý do cần thời gian để tìm kiếm những ứng viên thích hợp nhằm “xây dựng một đội ngũ lãnh đạo đẳng cấp thế giới cho Uber”. Ngày 20/6, Kalanick có mặt ở Chicago để gặp gỡ ứng viên, mà không hề biết rằng đó là những thời khắc cuối cùng ông còn nắm quyền điều hành trực tiếp cao nhất của công ty này.
“Tôi yêu Uber hơn bất cứ điều gì trên đời. Vào thời khắc khó khăn trong cuộc sống riêng của mình, tôi chấp nhận đề nghị của các nhà đầu tư để Uber có thể đi tiếp trên con đường phát triển, thay vì rơi sâu vào một cuộc chiến ngoài lề”, Kalanick cay đắng nói với những người đang nghe ngóng phía ngoài khách sạn Chicago vào cuối ngày thứ 3.
Việc Travis từ chức khỏi bộ máy của Uber làm gia tăng thêm câu hỏi về tương lai của công ty này, kể cả việc ai sẽ trở thành người thay thế ông trên chiếc ghế điều hành cao nhất. Đồng nghĩa với đó, Uber cũng phải đối mặt với những vấn đề khó khăn khác, ví như làm thế nào để duy trì vị thế cao, phải điều chỉnh chính sách gì với 14.000 nhân viên chính thức đang làm việc và thay đổi gì trong mối quan hệ với những tài xế.
Giờ đây, việc điều hành thường nhật tại Uber vẫn được duy trì bởi một nhóm quản lý, và việc tìm được người thực sự thay thế Kalanick sẽ rất khó khăn bởi ông vẫn có chỗ trong ban điều hành, tức vẫn có quyền bỏ phiếu.
Chưa đầy 12 tiếng sau khi Travis Kalanick từ chức, nội bộ của Uber có sự xáo trộn lớn. Bill Gurley, người nhiều năm tại vị ở chức giám đốc Uber và là đại diện vốn của Benchmark đã được thay thế bởi Cohler – nhân vật có tác động lớn đến quyết định rời đi của Travis. Trong khi, David Trujillo, thành viên của quỹ TPG Capital cũng tham gia vào bộ máy quản lý, thế chỗ cho đồng nghiệp David Bonderman.
Vài tuần sau khi Travis Kalanick rời ghế CEO, không ít nhân sự tại Uber ngỏ lời với báo chí rằng họ muốn ông quay lại. Uber đang phát triển và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ, chưa kể tới làn sóng tẩy chay tại các quốc gia, nên dễ hiểu vì sao người ta không muốn thiếu vắng Kalanick: ông là người hiểu rõ nhất Uber và biết phải xoay sở như thế nào.
Thế nhưng, ngay cả khi lá đơn chứa 1.000 chữ ký trong số 14.000 người đang làm việc được trình lên ban giám đốc Uber thì ngần đó vẫn là không đủ để biến Travis thành bản sao của Steve Jobs – người cũng từng phải rời khỏi công ty mà mình sáng lập sau cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ tại Apple rồi trở lại đầy kiêu hãnh chỉ sau 13 tháng.
Vì sao lại vậy?
Xét cho cùng, khi rời khỏi Apple vào năm 1985, Steve Jobs gần như đã đoạn tuyệt với công ty này. Ông không còn sở hữu cổ phiếu, không nằm trong nhóm cổ đông, và trên hết, ông mở một công ty máy tính khác, tạo ra đối thủ cạnh tranh với Apple. Còn Travis Kalanick thì không – ông vẫn ngồi đó, trên chiếc ghế cổ đông, thậm chí lá phiếu của ông còn có quyền quyết định ghê gớm tới những chiến lược quan trọng nhất của Uber.
Jobs không hoàn hảo, nhưng ông có sức hấp dẫn đặc biệt. Người ta có thể đặt ra câu hỏi với tính cách cường liệt, cực đoan đến mức khó chịu của Jobs, nhưng đồng thời phải thừa nhận rằng họ không thể rời đi ánh mắt trông đợi mỗi khi nhìn ông.
Khác với Travis, mọi chống đối về Jobs chỉ đến từ tính cách, bởi ông không hề đặt mình đứng gần bất cứ scandal nào, giống như cách Kalanick đã mắc phải khi là CEO Uber. Sự khắt khe đến cùng cực của Jobs cho thấy thái độ chuyên nghiệp trong công việc của ông, và đối tượng để Jobs gieo rắc thái độ đó là đối tác, nhà cung cấp chứ không phải khách hàng.
“Khách hàng yêu Jobs, chờ đợi bất cứ thứ gì được sáng tạo bởi con người này. Ông đặc biệt hấp dẫn với hàng triệu người trên thế giới”, Sarah Lacy, người sáng lập Pando Daily nói.
Trong khi đó, cả nhân viên (lái xe), giới truyền thông, chính phủ, thậm chí là các khách hàng từng phàn nàn với dịch vụ của hãng đều có cảm giác bị Uber thù địch. Hình ảnh Kalanick bên cạnh hai cô gái, nói chuyện một cách thiếu chia sẻ với đối tác của mình khi ông sử dụng chính dịch vụ của Uber đã khiến ông trở thành gương mặt đại diện cho những sai sót của công ty – điều chẳng ai nghĩ tới khi nhìn thấy Steve Jobs.
Giáo sư James Bailey của đại học George Washington nhìn nhận cơ hội để Travis Kalanick quay về chiếc ghế điều hành quen thuộc với sự cẩn trọng, bởi xét cho cùng, vị này vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn tới Uber theo nhiều cách.
“Chuyện đi hay ở còn tùy thuộc vào vận may của cả Uber và Kalanick. Nếu Uber rối loạn, Travis Kalanick có thể quay trở lại như một người hùng. Nhưng xét trong bối cảnh bây giờ, Uber có thể nào lại muốn đưa về một cá nhân có ảnh hưởng ‘độc hại’ như vậy?”.
Bài viết: Hạ Minh
Thiết kế: JC Nguyen
Video: JC Nguyen
Photo: Getty Images
Nguồn: NYtimes, CNBC, Washington Post
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!