Zhang Yong hiện là một trong những tỷ phú mới nhất của Trung Quốc nhờ chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao nổi tiếng.
Năm 19 tuổi, Zhang Yong hồ hởi trốn khỏi nhà ăn tập thể của công ty để ăn trưa tại một nhà hàng thực sự. Khi ấy, ông làm thợ hàn ở thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, và đây cũng là một trải nghiệm hiếm có của chàng trai chỉ kiếm được 93 NDT (14 USD) vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nhân viên phục vụ rất thô lỗ và lẩu cũng không ngon.
Sau đó, một bước ngoặt đã diễn ra làm thay đổi lịch sử ẩm thực Trung Quốc. Zhang bỏ việc sau khi cãi nhau với công ty vì căn nhà tập thể cấp cho ông và vợ sắp cưới. Năm 1994, ông mở nhà hàng lẩu đầu tiên của mình chỉ với 4 bàn.
Còn hiện tại, Zhang đã trở thành chủ chuỗi nhà hàng lẩu phổ biến và thành công nhất Trung Quốc – Haidilao. Thương hiệu do ông sáng lập hiện có 196 cửa hàng tại 60 thành phố ở Trung Quốc và đã có mặt ở Los Angeles (Mỹ), Tokyo (Nhật), Singapore, Seoul (Hàn Quốc).
Ông Zhang tham vọng biến Haidilao thành một thương hiệu toàn cầu. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Zhang cũng là một trong những tỷ phú mới nhất của Trung Quốc nhờ sở hữu 63% cổ phần tại Hai Di Lao Holdings cùng với 36% cổ phần tại Yihai International. Đây là công ty chuyên phân phối và sản xuất gia vị cho chuỗi nhà hàng Haidilao và các hãng bán lẻ khác tại Trung Quốc như Wal-Mart, Carrefour…
Ông Zhang cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và đặt mục tiêu năm nay sẽ khai trương thêm 80 cửa hàng, trong đó có 10 tại nước ngoài. “Doanh thu của Haidilao sẽ tăng hơn 30% lên 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) trong năm 2017 nhưng chưa có kế hoạch đưa công ty niêm yết trên sàn trong nước hay quốc tế”, Zhang tiết lộ.
Các nhà hàng lẩu ngày trở nên phổ biến khi thế hệ trẻ Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu và bắt đầu ăn uống cùng nhau. Tại Haidilao, bếp được thiết kế ngay trên mỗi bàn để giữ cho nồi lẩu luôn sôi. Đồng thời, nồi lẩu cũng có thể được chia làm hai ngăn với nấm và nước dùng gà, hoặc nước lẩu cay, ăn cùng mỳ, rau, thịt, hải sản…
Khách ăn đến ăn một mình thi thoảng sẽ được nhà hàng tặng một con gấu bông để làm bạn. “Đây là chìa khoá thành công cho nhà hàng nhỏ bé đầu tiên của anh ấy. Dịch vụ này đã có ngay từ đầu”, Warren McFarlan – giáo sư danh dự tại Harvard Business School nhận định.
Haidilao là chuỗi nhà hàng lẩu phổ biến nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Zhang hiểu được những khó khăn mà nhân viên của ông từ những vùng sâu phải đối mặt tại thành phố lớn. Vì vậy, Haidilao cung cấp nhà ở có điều hoà, wifi cho nhân viên. Ông Zhang cũng dành những khoản phụ cấp hàng tháng cho bố mẹ của các nhân viên có thâm niên và quản lý.
Ngoài ra, Haidilao còn có một quỹ dự phòng để giúp đỡ gia đình các nhân viên khi phải chịu thiệt hại từ thiên tai. “Thật không dễ dàng khi trở thành một người nông thôn di cư ở Trung Quốc”, ông Zhang chia sẻ.
Zhang đã thành công tại thị trường trong nước khi các nhà hàng Haidilao mọc lên khắp Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ mô hình này có thể làm được điều tương tự tại nước ngoài hay không.
Tuy nhiên, Zhang đang quyết tâm đưa Haidilao trở thành một thương hiệu toàn cầu. Tại cửa hàng duy nhất ở Los Angeles, ông cho biết không hài lòng với việc kinh doanh của mình phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng gốc Trung Quốc. Để thu hút đám đông khác biệt hơn, ông cho rằng các nhà hàng Haidilao tương lai ở Mỹ sẽ phải phát triển bầu không khí sôi động hơn, với nhạc pop hay thực đơn lẩu riêng cho mỗi ngày.
“McDonald’s, Coca-Cola và Starbucks đều phản ánh văn hoá Mỹ. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển và thế giới bắt đầu để ý nhiều hơn tới đất nước này, tôi tin các nhà hàng Trung Quốc sẽ có cơ hội phát triển”, ông Zhang nhận định.
Anh Tú (VnExpress)
Contact us and we would love to to answer any questions you may have.
Message Submitted!