Đường đến thành công của “tỷ phú chip” Morris Chang

Cuối tuần trước, vị chủ tịch 86 tuổi Morris Chang của Tập đoàn sản xuất chip Đài Loan TSMC đã tuyên bố ông sẽ rời ghế chủ tịch vào năm tới để nghỉ hưu và chuyển “ngai vàng” hơn 90 tỷ USD cho 2 người kế nhiệm là Mark Liu và C.C. Wei.

Đường đến thành công của "tỷ phú chip" Morris Chang

Hóa ra, một trong những cuộc cách mạng công nghệ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử lại bắt đầu từ một thương vụ không thành công. Trong năm 1984, một người quen của Morris Chang đã nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp từ ông với số tiền 50 triệu USD để tạo lập nên một nhà máy sản xuất chip – một yêu cầu mà Chang ban đầu dứt khoát cự tuyệt cho tới khi người bạn của ông đưa cho xem một bản kế hoạch viết tay.

Người này sau đó không bao giờ quay lại nhưng Chang lại tình cờ phát hiện ra rằng ông bạn này thậm chí đã chuẩn bị sẵn tất cả rồi và chỉ cần thêm một chút tiền nữa là đi vào hoạt động.

Điều đó “khiến tôi nảy ra ý tưởng về một một hãng sản xuất chuyên biệt hóa”, theo Chang – người 3 năm sau đó đã khởi nghiệp nên công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) để sản xuất chip cho những đơn vị khác. “Khi ấy tôi thật sự thất vọng vì kế hoạch của người bạn mình chưa được thực hiện nhưng thành thật mà nói nó giúp tôi nảy ra một suy nghĩ khác”.

Sự việc bất ngờ đó là khởi nguồn của TSMC – đơn vị tiên phong trong mô hình sản xuất chip theo đơn đặt hàng và thay đổi ngành công nghiệp bằng việc mở ra làn sóng của những người chơi mới. Trong khi những gã khổng lồ từ Intel đến Fairchaild Semiconductor nhận sản xuất chip trọn các khâu thì TSMC lại làm chip cho cả những công ty như Qualcomm, Broadcom và Nvidia – những đơn vị tập trung vào thiết kế và chuyển phần sản xuất cho phía Chang.

“Kể từ khi TSMC thành lập, những công ty sản xuất chip theo yêu cầu đã mở rộng như nấm trên toàn cầu. Hầu hết những sáng chế của ngành công nghiệp này trong vòng 30 năm qua tới từ những công ty như vậy. Điều đó là niềm tự hào lớn nhất của tôi, khi góp phần tạo ra nhiều cải tiến cho ngành”, ông nói.

Qua 3 thập kỷ, Chủ tịch Chang đã biến TSMC trở thành một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Nó cũng tạo ra một thế hệ những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghiệp và đưa nền kinh tế Đài Loan phát triển. Tuy nhiên, ông dường như đã đưa ra quyết định nghỉ hưu vào đúng lúc quan trọng nhất.

Ngành công nghiệp này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng sẽ thay đổi mọi thứ. Thời điểm này, thế giới đang chuẩn bị đón nhận những thiết bị thông minh hơn, kết nối hơn từ xe ô tô, máy giặt tới những thiết bị thực tế ảo. Sức mạnh của Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ phá vỡ thế thống trị của những tập đoàn lâu đời trong lĩnh vực sản xuất chip.

Nhà sản xuất chip lớn nhất cho iPhone của Apple kỳ vọng sẽ đón trước làn sóng thay đổi mới bằng việc chuẩn bị dành hơn 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới. Đó là cái giá mà TSMC sẵn sàng chi cho việc đi trước Samsung và Intel về những sản phẩm hàng đầu.

Hiện tại, Liu và Wei đang được kế thừa công ty có giá trị lớn hơn gấp 30 lần so với đối thủ United Microelectronic và nắm 59% thị trường trị giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, luôn sẽ có những khó khăn nếu muốn đứng vững vị trí dẫn đầu, đặc biệt khi phải cạnh tranh với những đối thủ “nhiều tiền” như Intel và Samsung cũng như những ngôi sao mới nổi đang được đầu tư rất nhiều vốn. Chính vì vậy trong tuyên bố nghỉ hưu vào cuối tuần trước, chủ tịch Chang đã phải thừa nhận rằng nếu như trước đây TSMC dành 10 tỷ USD hằng năm để giữ ngôi vương thì con số này sẽ phải tăng lên 11 tỷ USD.

Chang sinh năm 1931 tại một thành phố ven biển Trung Quốc là Ningbo. Sau này, ông được tới Harvard và sau đó là MIT để học chuyên ngành kỹ sư máy móc. Tới năm 1955, ông tìm được công việc đầu tiên tại Sylvania Semiconductor trước khi tới Texas Instrument (TI) – nơi ông gắn bó suốt 25 năm, được cử đi học tiến sỹ tại Đại học Stanford trước khi quay lại quê nhà và trở thành Chủ tịch nhà sản xuất chip toàn cầu của chính mình.

Thời gian làm việc tại Texas Instrument, chính công ty này đã trả toàn bộ tiền học phí tiến sĩ của Chang tại Stanford và điều đó khiến Chang luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng tài năng của công ty. “Morris luôn trân trọng những tài năng, ông sẽ không vui nếu một trong những người của mình gia nhập công ty khác”, theo Richard Chang – người theo dõi Morris Chang từ TI đến TSMC nói.

Các nhà đầu tư thì tỏ ra lạc quan với khả năng của nhóm lãnh đạo mới để giúp TSMC tiếp tục tiến về phía trước. Cổ phiếu công ty tăng 24% trong năm nay nhờ đơn hàng mới từ iPhone và một số sản phẩm khác. Chính điều đó đã biến Chang trở thành tỷ phú đô la, theo thống kê của Bloomberg.

Cuộc đua của TSMC hiện tại là làm sao đáp ứng được tất cả nhu cầu tương lai về chip từ máy tính và những thiết bị kết nối theo còn gọi là Internet of Things (IoT) , từ ô tô tới các thiết bị gia đình và loa.

Nhu cầu chip tăng từ Trung Quốc mở ra cơ hội mới cho TSMC. Quốc gia này dã dành 227 tỷ USD nhập khẩu chip vào năm 2016, theo dữ liệu từ nhà chức trách Trung Quốc, năm thứ 4 liên tiếp giữ đà nhập khẩu tăng vượt 200 tỷ USD.

Nhà máy mới tại Nam Ninh hiện đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Đây là nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc có khả năng sử dụng công nghệ 16 nanomet (hầu hết những công ty nội địa cũng chỉ có khả năng sản xuất 40 nanomet).

VÂN ĐÀM/Bizlive (tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Liên lạc CEO Club

Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.

Thông tin liên hệ
  • 33A Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM, Việt Nam
  • +84 8 3811 8145
  • +84 8 3811 8147
  • info@ceoclub.com.vn
Thông tin Ban thư ký
  • +84 913 653 565
  • +84 913 922 928