Trước khi quyết định mua hay bán cổ phiếu, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có tư duy thế này: Nếu ngày mai, thị trường đóng cửa trong 10 năm, liệu mình có vui vẻ giữ cổ phiếu này trong suốt thời gian đó không?
Khi nhắc đến những nhà đầu tư lừng danh nhất thế giới, gần như không ai có thể vượt qua được Warren Buffett. Ông tham gia thị trường đầu tư chỉ với 9.800 USD. Đến năm 1955, số tiền đó đã tăng lên thành 127.000 USD. Theo Forbes, đến năm nay, tổng tài sản thực của nhà đầu tư đang ở mức 84 tỷ USD.
Và, tư duy về tiền bạc vốn đã giúp cho Warren Buffett đạt được thành công như ngày hôm nay, thực ra cũng không hẳn là điều bí mật. John Bogle – nhà đầu tư sáng lập tập đoàn Vanguard, Benjamin Graham – người thầy của Warren Buffett và cả người cộng sự lâu năm của Buffett là Charlie Munger cũng đều sử dụng lối tư duy đầu tư này. Dưới đây là 3 khía cạnh quan trọng trong kế hoạch đầu tư của họ:
1. Chăm chỉ tiết kiệm
Warren Buffett cũng như nhiều nhà đầu tư thành công nhất thế giới là những người rất giỏi tiết kiệm. Điều này không có nghĩa là họ tích cóp từng đồng họ kiếm được, mà có nghĩa là họ theo dõi và thực hiện chi tiêu theo ngân sách nhất định. Quan trọng hơn là họ đã thực hành tiết kiệm ngay từ khi còn khá trẻ.
Thời gian là trợ thủ đắc lực nhất của nhà đầu tư. Thời điểm bắt đầu tiết kiệm và đầu tư càng sớm, bạn càng có nhiều cơ hội để chuẩn bị cho cuộc đua đường dài.
Khi mới 11 tuổi, Buffett đã đọc một đoạn từ quyển sách có tựa đề One Thousand Ways to Make 1.000 USD (Một nghìn cách để kiếm 1.000 USD) và nhờ nó mà ông đã có thể mường tượng ra cách để đạt được con số 1.000 USD theo thời gian. Buffett khi đó đã hiểu rằng số tiền đầu tư cũng giống như một hòn tuyết lăn xuống từ trên đỉnh đồi, lăn càng lâu thì càng trở nên lớn hơn. Từ lúc đó, ông bị ám ảnh bởi ý tưởng đầu tư và tái đầu tư số tiền ông dành dụm được.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều tiết kiệm dở tệ, bởi đa số không được dạy những kỹ năng quản lý tiền bạc trong nhà trường. Trong một cuộc thăm dò ý kiến được Sallie Mae tiến hành vài năm trước đã cho thấy 84% học sinh phổ thông muốn được học nhiều hơn về quản lý tài chính. Tỉ lệ tiết kiệm thấp cho đến nợ tiêu dùng cao ở Mỹ cũng cho thấy việc rất nhiều người thực ra không biết cách quản lý tài chính của bản thân.
Giáo dục về tài chính cần được dạy từ sớm trong các trường học để mọi người sớm hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Ngoài ra, người trưởng thành cần phải chủ động hơn trong vấn đề tài chính của họ.
2. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và thu nhập
Có thể việc đa dạng hóa nguồn thu nhập từ hoạt động đầu tư sẽ diễn ra dễ dàng hơn khi số vốn của bạn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi sự thật rằng cả Buffett cùng nhiều nhà đầu tư khác luôn nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của đa dạng hóa nguồn thu nhập, bất kể số tiền bạn kiếm được là bao nhiêu.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến câu ngạn ngữ về việc bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ. Bỏ phần lớn hoặc toàn bộ số tiền bạn có được vào một quỹ đầu tư hoặc một loại cổ phiếu duy nhất có thể sẽ khiến bạn thiệt hại nếu đầu tư không thuận lợi. Thay vào đó, bạn nên dàn trải số tiền của mình ra nhiều loại cổ phiếu và nhiều ngành nghề. Hãy nhớ rằng, không phải tất cả các hoạt động đầu tư đều phải thành công, miễn là bạn tìm được một số nguồn đầu tư béo bở và gắn bó với nguồn này về lâu dài.
3. Tập trung vào kế hoạch dài hạn và phớt lờ những thông tin gây nhiễu
Điểm chung cuối cùng các nhà đầu tư hàng đầu thế giới là họ đều tập trung vào kế hoạch dài hạn. Những chiến lược đầu tư tốt nhất thường dựa trên việc gộp lại các khoản thu nhập và thời gian để tạo nên sự giàu có. Quan trọng là luôn đầu tư và để cho lãi kép phát huy tác dụng, thay vì cứ mua rồi bán các cổ phiếu với nỗ lực tính toán đón đầu thị trường.
Việc tính toán thị trường về dài hạn trên thực tế là điều bất khả thi. Thay vì vậy, những nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng như Peter Lynch thường khuyên các nhà đầu tư nên gắn bó với những công ty mà họ hiểu biết, tin tưởng và duy trì việc đầu tư vào những công ty này về lâu dài. Nói cách khác, hãy suy nghĩ như Warren Buffett và tự hỏi bản thân câu này: Nếu ngày mai, thị trường đóng cửa trong 10 năm, liệu mình có vui vẻ giữ cổ phiếu này suốt thời gian đó không? Nếu bạn trả lời “có” cho tất cả những danh mục đầu tư của mình, hẳn là bạn đang đi đúng hướng.
(Theo Nhịp sống kinh tế – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)
Hãy liên lạc với chúng tôi, rất vui được giải đáp các thắc mắc của các Anh/Chị.
Message Submitted!